Phát huy mọi nguồn lực để xây dựng thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại
Chính trị - Ngày đăng : 06:29, 24/10/2014
LTS: Nhân dịp 60 năm Giải phóng Thủ đô, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề làm thế nào để huy động, khai thác các nguồn lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Đặc biệt là xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; giữa phát huy dân chủ và bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội; giữa trọng dụng nhân tài và vai trò của quần chúng... Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Cần có cách tiếp cận về công tác bảo tồn
PV: Thưa đồng chí, đồng chí vốn học khoa Sử - Đại học Tổng hợp, từng làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, và bây giờ trong vai trò Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí nhìn nhận thế nào về những di sản văn hóa của 1000 năm Thăng Long - Hà Nội? Làm thế nào để di sản ấy có thể tỏa sáng trong hiện tại?
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Hà Nội là nơi hội tụ và kết tinh những giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước. Hà Nội hiện có trên 5.000 di tích, trong đó có trên 2.000 di tích đã xếp hạng, từ danh hiệu di sản thế giới đến cấp quốc gia, cấp thành phố và một kho tàng di sản phi văn hóa vật thể rất đồ sộ. Ngoài ra, Hà Nội còn có 1.350 làng nghề, trong đó có 391 làng nghề truyền thống, chiếm hơn 40% số làng nghề cả nước. Đó là tài sản quý báu, là nguồn lực to lớn của Thủ đô.
Để những di sản văn hóa ấy phát huy giá trị, trở thành tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần phải huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Phải xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Nói đến bảo tồn, không chỉ là nguyện vọng, ý chí mà phải có nguồn lực vật chất. Không có nguồn lực vật chất sẽ không xây được bảo tàng, không tôn tạo được các di tích, cảnh quan và cũng khó bảo tồn, phát huy các di sản vật thể và phi vật thể. Vì vậy, bảo tồn và phát triển văn hóa không tách rời xây dựng và phát triển kinh tế. Văn hóa và kinh tế cùng bổ sung cho nhau, để kinh tế phát triển bền vững hơn, và văn hóa cũng không ngừng được bồi đắp, phát huy, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
PV: Hà Nội sẽ giải bài toán khó vừa phát triển vừa bảo tồn và hội nhập sâu rộng nhưng vừa phải giữ gìn được bản sắc như thế nào? Thực tế cho thấy trong quá trình phát triển, nhiều không gian đặc trưng của Hà Nội như vườn đào Nhật Tân, hay một số hồ, làng nghề truyền thống... đã phải nhường đất để xây dựng các khu đô thị, phải chăng bảo tồn vẫn đang phải “hy sinh” cho phát triển?
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, Hà Nội thường xuyên phải giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Không thể vì phát triển mà hy sinh bảo tồn hoặc ngược lại. Mục tiêu của phát triển là vì con người và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cũng vì con người. Đối tượng phát triển hôm nay sẽ là đối tượng bảo tồn mai sau. Bảo tồn văn hóa thường là phục vụ các mục tiêu mang tính dài hạn, bền vững cho con người. Giữa mục tiêu dài và mục tiêu ngắn cần có sự kết hợp biện chứng để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho con người, cho tương lai. Lịch sử là một dòng chảy liên tục, vừa có kế thừa, vừa có phát triển. Hà Nội là nơi có nhiều di sản, di tích nên đương nhiên có nhiều thuận lợi, nhiều điều kiện để khai thác và phát huy, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhưng không vì thế chúng ta chỉ tập trung ưu tiên thái quá về bảo tồn mà coi nhẹ, hy sinh phát triển. Phải xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát triển chúng ta mới xây dựng được một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Khai thác hiệu quả các nguồn lực, Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Ánh: Viết Mạnh |
Cùng với cả nước, Thủ đô đang phát triển nhanh chóng. Trong quá trình xây dựng, phát triển đó, càng có nhiều công trình, dự án mới, càng phải xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Không hiếm khi chúng ta phải giải những bài toán hết sức khó khăn, khi xảy ra sự “đụng độ” giữa bảo tồn và phát triển, thì cái gì được ưu tiên là phải tùy thuộc vào tầm vóc, giá trị cụ thể của từng di tích, từng công trình.
Diện mạo Thủ đô đã sáng hơn
PV: Thưa đồng chí, vì sao năm 2013, Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính” và năm 2014 Hà Nội chọn là “Năm trật tự và văn minh đô thị”? Kỷ cương hành chính và trật tự văn minh đô thị - vốn là những vấn đề nổi cộm của Hà Nội - đã chuyển biến như thế nào trong hai năm 2013 - 2014?
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Để Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, có rất nhiều việc, nhiều nhiệm vụ quan trọng cần phải làm. Một thành phố có quy mô diện tích trên 3.000km2, và đông đúc với dân số trên 7 triệu người, đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lại có cả khu vực nông thôn rộng lớn, bên cạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người được tự do làm ăn, sinh sống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô, cũng rất cần phải duy trì kỷ cương trật tự, cần nếp sống văn minh đô thị để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của mọi công dân, giữ gìn hình ảnh Thủ đô luôn đẹp trong cảm nhận của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Chúng ta cũng cần có sự cầu thị, bởi mặc dù đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, song kỷ cương hành chính và trật tự, văn minh đô thị của Thủ đô chưa theo kịp tốc độ phát triển và yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của một thành phố có mật độ dân số đông, địa bàn rộng, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao lưu quốc tế của cả nước.
Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp quyết liệt của “Năm kỷ cương hành chính”, “Năm trật tự và văn minh đô thị”, cùng với các kết quả đạt được qua quá trình phấn đấu bền bỉ trong nhiều năm, chỉ số phát triển con người của Hà Nội đứng đầu cả nước; chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 5; chỉ số ứng dụng thông tin xếp vị trí thứ 2; môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, nền hành chính Thủ đô ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại và minh bạch. Diện mạo Thủ đô sáng hơn, xanh hơn và sạch, đẹp hơn trước nhiều. Mức độ hài lòng, tín nhiệm của người dân, của doanh nghiệp đối với sự quản lý, điều hành của chính quyền thành phố cũng được nâng lên. Hầu hết các lĩnh vực có nhiều hạn chế, yếu kém, như quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường,... đều có bước chuyển tiến bộ. Đặc biệt, với bạn bè quốc tế, du khách gần xa, Hà Nội luôn là Thủ đô yên bình và hấp dẫn.
Lấy hiệu quả công việc trên thực tế để đánh giá cán bộ
PV: Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô. Quan điểm của Bí thư Thành ủy Hà Nội thế nào về tuyển chọn, quy hoạch, đánh giá và sử dụng nhân tài cho Thủ đô trong giai đoạn hiện nay? Làm thế nào phát hiện, sử dụng được người tài và ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng chạy chức, chạy quyền?
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Thành phố Hà Nội luôn hiểu sâu sắc vai trò, vị trí nhân tố con người, nhân tố nhân tài, bởi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Dù vẫn còn những vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với việc thu hút, đãi ngộ nhân tài, nhưng TP Hà Nội luôn chủ động đề ra các chủ trương, biện pháp khuyến khích trọng dụng người tài thông qua công tác đào tạo, quy hoạch, tuyển chọn, sử dụng cán bộ. Thành phố rất coi trọng việc công khai, dân chủ, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Phải thực hiện thật tự giác, nghiêm túc các quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ. Là người lãnh đạo, người đứng đầu càng phải gương mẫu, tự khép mình vào kỷ cương, kỷ luật. Người lãnh đạo không chỉ phải sáng suốt trong đánh giá, nhận xét cán bộ, mà còn phải rất công tâm. Và rồi lại phải có cơ chế, chính sách để tạo môi trường cho người tài phát triển; tạo động lực cho người tài làm việc; có cơ chế kiểm tra, giám sát để hạn chế tiêu cực để cán bộ không sa ngã.
PV: Nhân dân đặc biệt quan tâm tới phát biểu gần đây của đồng chí: “Nếu sau hai năm lãnh đạo mà phiếu tín nhiệm quá thấp thì cán bộ phải thôi chức. Đương nhiên tôi cũng phải thực hiện, tôi sẵn sàng”. Đồng chí đánh giá thế nào về việc lấy phiếu tín nhiệm và tình hình thực tế lấy phiếu tín nhiệm ở Hà Nội diễn ra thời gian qua?
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong các hình thức để đánh giá năng lực, phẩm chất của người cán bộ; có tác dụng động viên, khích lệ các cá nhân tích cực; nhắc nhở, cảnh báo những người yếu kém, có khuyết điểm. Kết quả phiếu phản ánh sự tín nhiệm của mỗi người trước tập thể, cũng như hiệu quả công việc. Ai được tín nhiệm nhiều tức là công việc của họ được nhiều người ủng hộ; năng lực, phẩm chất của họ được nhiều người ghi nhận.
Hà Nội là nơi triển khai sớm nhất chủ trương lấy phiếu tín nhiệm. Trong đợt lấy phiếu tín nhiệm năm 2013, Hà Nội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 20 cán bộ chủ chốt của thành phố và lãnh đạo 7 sở, ngành. Kết quả cho thấy, đa số cán bộ được đánh giá tích cực, không có đồng chí nào bị đánh giá tín nhiệm quá thấp. Hầu như đồng chí nào cũng nhận được ít nhất một vài phiếu tín nhiệm thấp. Đó là sự lưu ý, nhắc nhở cần thiết đối với mỗi người, để nhắc nhau cần cố gắng. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy việc bỏ phiếu tín nhiệm thực sự phát huy tác dụng. Thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm, thành phố tiến hành công tác điều động, đề bạt, bố trí công tác cho cán bộ có căn cứ và thuận lợi hơn.
PV: Hà Nội tái cơ cấu kinh tế như thế nào để phát triển hiện đại và bền vững? Kinh tế mũi nhọn của Hà Nội trong tương lai sẽ là gì?
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Hà Nội càng ngày càng thể hiện rõ vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước, là đầu tàu kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, Hà Nội đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm, gần 20% thu ngân sách và 9% xuất khẩu của đất nước. Cho nên, việc tái cơ cấu kinh tế của Hà Nội không chỉ tác động đến Hà Nội mà còn tác động đến kinh tế vùng và cả nước.
Trên cơ sở những chủ trương, chính sách, cơ chế chung, Hà Nội phải vận dụng, khai thác, phát huy tối đa các nguồn lực ở Thủ đô và cả nước, thu hút các đầu tư ở nước ngoài để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hiệu quả, ngày càng có nhiều sản phẩm chủ lực đóng góp cho kinh tế đất nước. Cơ cấu kinh tế của Hà Nội phải tập trung vào các ngành, lĩnh vực trình độ, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, vật liệu mới... tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư cho khu vực kinh tế ngoại thành, gắn với phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và xây dựng nông thôn mới.
Hà Nội sẽ là trung tâm hấp dẫn của khu vực
PV: Nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, “ôn cố tri tân”, đồng chí hình dung thế nào về tương lai của Hà Nội trong 60 năm tới?
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Với tốc độ phát triển kinh tế như những năm qua, Thủ đô Hà Nội sẽ có điều kiện thực hiện tốt định hướng phát triển Thủ đô của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô của Quốc hội, cũng như các quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Thủ đô Hà Nội đang đổi thay, lớn lên từng ngày. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Cùng với đó, là chất lượng cuộc sống của người dân, các ngành dịch vụ cũng ngày càng phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Thủ đô của chúng ta sẽ ngày càng phát huy vai trò là trung tâm lớn của cả nước và là một thành phố hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế.
PV: Điều gì khiến đồng chí trăn trở nhất khi nghĩ về truyền thống và tương lai của Thủ đô?
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Giở lại từng trang lịch sử, chúng ta rất tự hào về Thăng Long - Hà Nội, về truyền thống văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị. Sức sống, sức vươn lên của Thủ đô thật là to lớn. Song, sự phát triển và đổi thay của thế giới, của khu vực cũng hết sức nhanh chóng, đặt ra trước chúng ta biết bao nghĩ suy và thách thức. Càng tự hào về truyền thống, về chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta càng phải nỗ lực, sáng tạo, năng động hơn nữa để xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, xứng đáng với mong đợi của cả nước, với nguyện ước của Bác Hồ kính yêu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!