Mũi sưng, lở loét vì tiêm chất làm đầy dỏm

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:04, 23/10/2014

Hiện nay, nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu việc tiêm chất làm đầy dỏm, không rõ nguồn gốc cũng giống như tiêm ung thư vào người. Chị T.H.C, 38 tuổi, ngụ tại Vũng Tàu đã phải gánh chịu chịu hậu quả sau khi nâng mũi bằng cách tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc.

Giữa tháng Chín, chị C. đến Bệnh viện Sài Gòn ITO với khuôn mặt sưng húp vì chiếc mũi bị lở loét, hậu quả của việc nâng mũi bằng chất làm đầy không rõ nguồn gốc. Chị bắt đầu câu chuyện của mình với phóng viên Một Thế Giới bằng giọng mệt mỏi.

Vì thường xuyên làm tóc tại một tiệm gần nhà, chị vẫn hay chia sẻ rằng không mấy hài lòng với chiếc mũi tẹt của mình nên cô chủ tiệm đã tư vấn tiêm chất làm đầy vào mũi để giúp mũi cao hơn.

Được chủ tiệm cho biết đây là phương pháp mới đang thịnh hành, chất làm đầy cao cấp giúp mũi cao lên mà không cần phải phẫu thuật phức tạp nên chị C. xuôi lòng, đồng ý tiêm với giá 8 triệu đồng. Chủ tiệm đã tiêm chất làm đầy cho chị bằng cách tiêm trực tiếp vào sống mũi và dặn dò rằng có thể sưng đỏ trong vài ngày, sau đó chị sẽ có cái mũi cao như ý

Hình chiếc mũi của chị C. bị silicon lỏng tàn phá



Tuy nhiên, chị chờ hoài mà chiếc mũi cao đâu không thấy, chỉ thấy mũi cứ sưng đỏ, rồi đau lan ra đến hai bên gò má, thỉnh thoảng cơn đau buốt lên đến đầu. Ngày qua ngày, phần da trên sống mũi phồng rộp lên, sần sùi và lở loét. Hoảng quá, chị tìm đến chủ tiệm để yêu cầu khắc phục nhưng chủ tiệm phủi bỏ trách nhiệm.

Sau đó, chị lên thành phố chữa trị và đến lúc này mới biết chất làm đầy được tiêm vào mũi mình là silicon lỏng rẻ tiền - chất bị khuyến cáo là độc hại và cấm sử dụng, chứ chẳng phải là chất làm đầy cao cấp như lời chủ tiệm quảng cáo. Sau đó, chị H. đã được bác sĩ chỉ định phẫu thuật để lấy và nạo silicon dưới mô, sụn, xương mũi. Một tuần sau, vết thương trên mũi đã đỡ hẳn.

Lập lờ silicon lỏng thành chấp làm đầy

Bác sĩ Thanh Vinh - Trưởng khoa Thẩm Mỹ, Bệnh Viện Sài Gòn ITO khuyến cáo: "Tôi và nhiều đồng nghiệp từng tiếp nhận những ca mũi bị tổn thương, phù nề vì hậu quả của silicon lỏng. Vì vậy, chị em chớ nhẹ dạ tin vào những lời quảng cáo của các dịch vụ thẩm mỹ di động, các cơ sở thẩm mỹ tư nhân mà tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc vào cơ thể để rồi nhận lãnh nguy cơ khó lường.

Nhiều cơ sở thẩm mỹ tư nhân cũng thường mập mờ, đánh lừa khách hàng bằng cách nói là tiêm chất làm đầy nhưng thực chất đó là silicon lỏng. Khi quyết định tiêm những chất không rõ nguồn gốc này vào cơ thể, điều này cũng giống như việc tiêm ung thư vào cơ thể vì ngoài những dị ứng chị đang gặp như sung, phù nề, viêm tấy, đau, nhức, thâm tím, hoại tử vùng tiêm và còn phải gánh chịu những hậu quả về lâu về dài khác.

Dù có phẫu thuật để khắc phục cũng không thể nào giải quyết được 100% lượng silicon lỏng tồn tại trong cơ thể. Khi phẫu thuật nạo vét, khả năng 1% silicon còn sót lại dưới da hoặc sát xương vẫn có thể tái phát để hành hạ bệnh nhân".

Hiện nay, nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu và cảnh giác thật sự với silicon lỏng. Vì họ thấy nhiều trường hợp sau khi tiêm vẫn an bình được đến 5-10 năm hoặc thậm chí 20 năm. Các trường hợp này không phụ thuộc vào chuyện hên xui như mọi người vẫn đùa mà phụ thuộc vào lượng silicon lỏng lúc tiêm vào cơ thể chứa nhiều hay ít tạm chất mà thôi. Một điều chắc chắn rằng với giá thành cao cấp của silicon y học không chứa tạp chất những nơi như các tiệm làm tóc hay thẩm mỹ viện di động không đủ chi phí để thực hiện cho khách hàng của mình đặt biệt là với những lời quảng cáo giá chỉ bằng 1/3 các thẩm mỹ viện uy tín.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh cũng cho biết thêm, vấn nạn của việc làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ không chuyên cũng như các loại hình làm đẹp di động hiện nay là nhiều người thường đáng lừa khách hàng, lập lờ giữa silicon lỏng là chất làm đầy. Dựa là điều này mà họ vẫn thuyết phục được những khách hàng nhẹ dạ, thiếu thông tin, sử dụng loại Silicon lỏng để tiêm cho những ai muốn nâng mũi, độn cằm, độn mông, xóa nếp nhăn...

Lời khuyên cho những người có nhu cầu tiêm chất làm đầy để làm đẹp đó là nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện. Hiện nay các sản phẩm làm đầy có chứa axid Hyalurounic hữu cơ được bộ y tế Việt Nam cấp phép lưu hành, sử dụng phổ biến là Restylane, Juvederun, Radiess, Filler do các sản phẩm này có thành phần chính là axid Hyalurounic hữu cơ thích ứng được với cơ thể của con người. Có tác dụng làm đầy từ 2-24 tháng. Trước khi quyết định tiêm chất làm đầy vào cơ thể, bạn cần lưu ý những vấn đề như sau:

- Xác định được trên vỏ thuốc có thành phần Acid Hyaluronic hữu cơ (được viết tắt là HA) chứ không phải là silicon lỏng.

- Nhà sản xuất, tên thương mại, hạn sử dụng và cuối cùng là giấy phép của sản phẩm để chắc rằng sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam, phù hợp với cơ địa của người Việt.

- Đặc biệt, người tiêm filler cho bạn không thể là kỹ thuật viên, phụ tá hay y tá mà phải là bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ được đào tạo bài bản.

- Khi tiêm nên yêu cầu được tiêm với loại kim chuyên dụng tiêm chất làm đầy - filler (kim đầu tù không gây tổn thương mạch máu, tổn thương các mô mềm xung quanh).

Vì khi sử dụng kim tiêm sắc nhọn, sẽ làm tổn thương mạch máu, là điều kiện thuận lợi để filler làm thuyên tắc mạch máu, có thể gây hoại tử vùng da và mô mềm do mạch máu đó nuôi dưỡng).

- Nếu chất làm đầy có tác dụng trên 24 tháng bạn nên cân nhắc kỹ. Vì sau thời gian 24 tháng các bác sĩ rất khó đánh giá được sự tự tiêu của chất làm đầy này.

Theo Hải Nam