Cá tính chủ nhân và thông điệp về cuộc sống

Xã hội - Ngày đăng : 06:49, 22/10/2014

(HNM) - Sách dạy nấu ăn đã xuất hiện khá lâu, từ những cuốn sổ tay nội trợ đến những ấn phẩm nấu ăn chuyên về từng loại đồ ăn thức uống. Từ chỗ chỉ có công thức đến có hình ảnh, rồi thì hình ảnh đẹp… Và giờ đây sách dạy nấu ăn còn chuyển tải những thông điệp về tình cảm gia đình, lòng yêu cái đẹp, sự say mê với


Những năm qua, sách dạy nấu ăn (cookbook) được xuất bản ngày một sinh động và hấp dẫn hơn. Không còn khô cứng bằng những công thức, những hình ảnh dù đẹp nhưng phần nào vẫn xa lạ vì ít có tính tương tác, những cuốn sách dạy nấu ăn gần đây đã xuất hiện bằng ấn tượng đầu tiên về các chủ nhân của chúng - người làm bếp chứ không phải là về món ăn. Điều này đã biến những cuốn sách dạng này thành một chủ thể sống động, có cá tính riêng.

Ảnh minh họa



Ví như "5 mùa yêu thương" (NXB Dân Trí và Nhã Nam) đâu chỉ là sách dạy làm bánh, trong đó mang cả tâm sự về cuộc sống của một bà mẹ trẻ Việt ở xa quê, giữ "vai" nội trợ, lấy chăm sóc chồng con và gia đình làm nguồn sống. Buồn vui chuyện vào bếp, những thất bại và thành công, phản hồi của đám trẻ… đều được "bày biện" cả ra đấy, chả giấu gì. Tất cả khiến cho việc phổ biến bếp núc không còn là chuyện "ai dạy ai" nữa mà trở thành thông điệp của sự chia sẻ và lòng yêu thương. Những công thức làm bánh mà người mẹ trẻ ấy gửi gắm qua đó cũng dễ đi vào lòng người.

Cũng hướng tới mục tiêu khai thác tối đa tính tương tác này mà đa phần các nhà làm sách cook book tập trung tìm kiếm những nhân vật nấu ăn vốn đã rất nổi tiếng trên các trang mạng xã hội, hoặc qua các chương trình, cuộc thi nấu ăn trên truyền hình. "5 mùa yêu thương" được khai thác từ trang beprua của tác giả Khai Tâm (sinh sống ở Nhật Bản). Rồi "Hương vị miền yêu thương" cũng là tác phẩm của một họa sĩ, thí sinh lớn tuổi nhất của chương trình Vua đầu bếp (MasterChef) Việt Nam mùa thứ nhất - Nguyễn Thị Thúy Hồng. Qua đây, đâu chỉ có 40 công thức ít nhiều có tính "vật chất" mà còn là những tâm sự của một người đã nổi chìm xa quê, trải nghiệm nhiều năm ở phương Tây mà vẫn thương về những hương vị đã trở thành một phần của "miền yêu thương" trong bà. Tác giả viết: "Tôi yêu những miếng ngon dân dã miền Nam, những món từ quê hương, ruộng đồng, sông nước. Yêu sự hào phóng trong mâm cơm người Nam bộ…".

Có thể kể ra nhiều ví dụ khác cho thấy sách nấu ăn hôm nay thể hiện một xu hướng làm sách kỹ năng, nhiều cảm xúc và đậm tính tương tác hơn, như "Chuyện của bánh" (Nguyễn Bảo Anh Thư - MasterChef Việt Nam); "Hành trình bếp bánh" (Vũ Ánh Nguyệt); "Mật mã yêu thương" (Phan Anh)…

Thậm chí đã xuất hiện một thương hiệu xuất bản sách nấu ăn riêng là "I love cookbook" do một công ty làm sách tư nhân lập ra. Ngày 16-10 vừa qua, đơn vị này tung ra cuốn "Trái tim của Chef" mà chủ nhân của nó là đầu bếp chuyên nghiệp Hungazit Nguyen (tên thật là Nguyễn Mạnh Hùng), hiện đang làm việc tại một khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Hà Nội, Hội trưởng Hội Đầu bếp Hà Nội.

Không chỉ có món ăn, "Trái tim của Chef" tái hiện cả ký ức và không gian sống một thời của người Việt. Ai đã đi qua những năm bao cấp chắc không thể nào quên những hương vị của "Canh dưa chua nấu tóp mỡ"... Đầu bếp này chia sẻ: "Tôi viết cuốn sách này dành tặng cho gia đình bé nhỏ của tôi, với mong muốn lưu giữ lại những món ăn đã đi qua nhiều thế hệ để trở thành một phần cuộc sống của tôi, những món ăn đã nuôi tôi lớn lên trong những năm tháng vất vả nhất của đất nước…".

Công thức nấu ăn bao giờ cũng thế, đều cơ bản là khuôn mẫu và giống nhau. Nhưng các nhà làm sách cookbook hiện đại đã khéo léo đưa nó vào ấn phẩm như một thứ hương vị cuộc đời làm nền cho hương vị ẩm thực. Cũng như vậy, sách dạy nấu ăn chắc chắn không làm được việc biến tất cả mọi người thành đầu bếp giỏi, ý nghĩa lớn nhất của nó hẳn là ở chỗ dạy cho ta biết yêu cuộc sống!

Thi Thi