Dân nói “có”, chính quyền nói… “không biết”!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:25, 22/10/2014

(HNM) - Sự cố nứt sườn núi Ba Vì ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) đã xảy ra khoảng một năm nay nhưng chỉ cách đây khoảng một tuần mới được lực lượng chức năng phát hiện.

Diễn biến phức tạp

Ngày 21-10, phóng viên Báo Hànộimới cùng đoàn cán bộ của lực lượng kiểm lâm Hà Nội và Vườn quốc gia Ba Vì đi kiểm tra thực trạng vết nứt ở chân núi Ba Vì. Ghi nhận từ thực địa cho thấy, có 3 vết nứt ở độ cao từ cốt 100m đến 120m, thuộc lô 4a-4b-5, khoảnh 4, tiểu khu 6, phân khu phục hồi sinh thái, trên sườn núi Vườn quốc gia Ba Vì, vị trí ngay bên trên suối Ngà, ở thôn Xoan, xã Vân Hòa. Mặc dù cây rừng, thảm thực vật khá rậm rạp nhưng chúng tôi dễ dàng phát hiện ra các vết nứt đã rộng toang hoác, chạy dài theo chiều ngang, bằng mắt thường quan sát cũng nhận thấy rất nguy hiểm. 

Lực lượng kiểm lâm cắm mốc đánh dấu vết nứt trên núi Ba Vì.


Vết nứt đầu tiên chúng tôi tiếp cận có diễn biến nghiêm trọng nhất, nứt hình vòng cung, chạy dọc theo đường đồng mức dài đến hơn 100m, chiều rộng từ 10cm đến 30cm, nơi trượt xuống rộng nhất lên đến hơn 70cm. Đáng ngại hơn là nối liền với vết nứt này là một vết nứt khác có chiều rộng gần 30cm, dài 23m. Ở vết nứt thứ ba cũng có hình vòng cung, chiều rộng từ 17cm đến 55cm, dài 36m, trượt xuống khoảng 33cm. Thời điểm kiểm tra không phát hiện có cây rừng bị gãy, đổ do các vết nứt gây ra. Tuy nhiên, toàn bộ phần đất nằm trong khu vực các vết nứt kể trên (diện tích khoảng 1ha) đang có xu hướng tụt xuống phía dưới khu vực máng đập tràn giảm áp của công trình đập thủy lợi hồ Đồng Xô.

Những người dân sống trong vùng và lãnh đạo địa phương cho biết, điều lo lắng nhất hiện nay đối với các vết nứt này là nếu có mưa lớn thì diễn biến sẽ rất khó lường, nguy cơ sạt lở rất cao, ảnh hưởng không nhỏ đến một số hộ dân và hơn 80ha đất nông nghiệp. Ông Nguyễn Đình Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa cho biết, hiện có 8 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng và đã được lên phương án di dời khẩn cấp khi có sự cố xảy ra. Ông Hồng nhận định, nếu có mưa lớn, vết nứt có thể sạt lở xuống kéo theo khoảng 200.000m3 đến 300.000m3 đất đá lấp toàn bộ cửa đập tràn hồ Đồng Xô và cửa suối Cùm Cắm cũng như 80ha đất nông nghiệp. Đánh giá về mức độ nghiêm trọng, một chuyên gia địa chất cảnh báo, với độ dốc lớn, vết nứt lại có hình vòng cung thì nguy cơ lở núi là rất cao, nhất là vào mùa mưa. Đặc biệt là ở vị trí này, nếu lở núi xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thân đập.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thanh Hùng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì cho biết: "Theo phản ánh của người dân trong khu vực thì sự cố nứt núi Ba Vì đã xuất hiện cách đây khoảng một năm". Tại hiện trường màu đất ở nhiều điểm nứt, sạt lở đã phủ rêu xanh, điều này cho thấy sự cố đã xảy ra từ trước đó khá lâu. Tuy nhiên, khi phóng viên làm việc với các bên liên quan, gồm Vườn quốc gia Ba Vì, UBND xã Vân Hòa, lực lượng kiểm lâm và đơn vị thi công công trình thủy lợi thì được biết, phải đến giữa tháng 10-2014 các cơ quan chức năng mới phát hiện sự việc qua thông tin người dân cung cấp. Thậm chí, theo Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Đình Hồng: "Đến sáng 21-10 tôi mới nắm được thông tin thông qua kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Vì thông báo". Ông Đỗ Thanh Hùng cho biết: "Ngay khi phát hiện sự cố, Vườn quốc gia Ba Vì đã báo cáo bằng văn bản ngay với UBND huyện Ba Vì vào ngày 15-10-2014". Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà sáng 21-10, khi phóng viên liên lạc qua điện thoại để làm việc, một lãnh đạo huyện Ba Vì lại khẳng định: "Huyện chưa nhận được báo cáo này nên không biết sự cố thế nào"! Cũng theo ông Hùng thì sự cố đã được báo cáo về Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).

Khẩn trương điều tra nguyên nhân

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực có các vết nứt kể trên nằm trọn trong diện tích 9,5ha Vườn quốc gia Ba Vì đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Ba Vì vào ngày 30-12-2010 để lấy đất xây dựng công trình hồ chứa nước Đồng Xô. Chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 05/TTg-NN ngày 2-1-2008 về việc sử dụng đất tạm thời tại Vườn quốc gia Ba Vì từ cốt 100m đến 170m thuộc phân khu phục hồi sinh thái để khai thác đất đá phục vụ thi công công trình thủy lợi. Cũng tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, sau khi hoàn thành việc thi công xây dựng công trình thủy lợi, chủ đầu tư có trách nhiệm san lấp lại mặt bằng và trồng cây phục hồi nguyên trạng rừng trên diện tích đã đào đất... Ông Bùi Văn Đạo, Đội trưởng xây dựng (Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh) - đơn vị thi công đập thủy lợi hồ Đồng Xô, cho biết: "Công trình đã cơ bản hoàn thành, chúng tôi đang cho công nhân hoàn thiện một số hạng mục nhỏ như sửa sang lại lan can đập, kênh mương, đập tràn..., dự kiến khoảng tháng 11 sẽ xong". Liên quan đến dự án, theo tìm hiểu được biết, dự án xây dựng hồ thủy lợi Đồng Xô được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt năm 2007, thời gian thi công trong 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Phân tích ban đầu về nguyên nhân gây ra nứt, sạt trượt sườn núi, ông Phan Thanh Sơn, Trưởng thôn Xoan và Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Đình Hồng cùng đưa ra hai khả năng. Thứ nhất, khu vực bị nứt vỡ có taluy dốc, nằm trọn trong hai lạch nước chảy vào mùa mưa, mùa khô có mạch ngầm ở bên dưới; thứ hai, địa chất ở khu vực núi Ba Vì có đặc trưng ở bên dưới có lớp đá cứng, bên trên là lớp đất màu cộng với địa hình quá dốc nên dễ gây sạt trượt khi mưa xuống. Quan sát tại thực địa cho thấy, địa hình khu vực núi bị nứt rất dốc, ở ngay bên dưới là suối Ngà, nên nhiều khả năng chân núi mất đối trọng, mất phản áp. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng không loại trừ khả năng khi hồ Đồng Xô tích nước, nước đã ngấm vào, gây ra hiện tượng yếu chân núi. Một giả thuyết khác cũng được đưa ra, đó là do ảnh hưởng từ quá trình thi công công trình thủy lợi hồ Đồng Xô, trong đó việc lấy đi một phần đất đá ở khu vực này đã tạo ra độ dốc quá lớn cho chân núi dẫn đến sạt lở bất thường. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Đình Hồng thì trên địa phận xã Vân Hòa từ trước tới nay chưa xảy ra hiện tượng nứt núi, kể cả trước đó ở suối Ngà đã xây dựng 4 con đập khác để tích nước nhưng chưa xảy ra hiện tượng khác thường này.

Chiều 21-10, phóng viên Báo Hànộimới đã làm việc với Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ và được biết, ngay khi có thông tin nứt núi ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Phòng Trồng trọt của Sở khẩn trương đến hiện trường kiểm tra, lập hồ sơ, tiến hành đo đạc, lên sơ đồ ban đầu để báo cáo UBND thành phố cho ý kiến xử lý. Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của thành phố, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với huyện Ba Vì, Vườn quốc gia Ba Vì ra thông báo cho nhân dân địa phương biết sự cố, đóng cọc, làm biển cấm vào khu vực nứt núi và thường xuyên theo dõi diễn biến sự cố báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý sớm.

Xuân Quang - Chí Đạo