"Y pháp trị quốc"-Trọng tâm Hội nghị lần 4 Đảng Cộng sản Trung Quốc
Thế giới - Ngày đăng : 09:35, 21/10/2014
Trung Quốc đưa vấn đề pháp quyền vào Hiến pháp từ những năm 1990. Đại hội lần thứ 15 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1997 đã quyết định đưa “pháp quyền” trở thành chiến lược cơ bản và “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là mục tiêu quan trọng trong quá trình hiện đại hoá chủ nghĩa xã hội.
Theo Tân Hoa Xã, Hội nghị lần này sẽ thảo luận một dự thảo nghị quyết của BCH Trung ương về “các vấn đề quan trọng liên quan tới việc thúc đẩy một cách toàn diện hệ thống luật pháp”, tạo cơ sở để Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy thực thi pháp luật một cách toàn diện trong tình hình mới.
|
Các chuyên gia cho rằng đây là lần đầu tiên một kỳ họp của CPC tập trung đặc biệt vào các vấn đề pháp quyền, đây sẽ là chìa khóa để thực hiện mục tiêu của đảng thúc đẩy việc hiện đại hóa, nâng cao năng lực bộ máy của Trung Quốc. Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng với cả đối nội và đối ngoại.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã trước kỳ họp, Tiến sĩ Mei Gechlik, giám đốc một dự án tại Trường luật Stanford, nói rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết để đạt được một loạt các mục tiêu vào năm 2020, bao gồm đảm bảo "độc lập và công bằng trong tòa án", và để cho "hệ thống tư pháp minh bạch hơn". Hai mục tiêu được nhấn mạnh trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về "các vấn đề quan trọng liên quan tới việc thúc đẩy một cách toàn diện hệ thống luật pháp" được thông qua vào tháng 12/2013.
Nghị quyết này được cho là tạo cơ sở để Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy việc thực thi pháp luật một cách toàn diện trong tình hình mới. Việc thực thi pháp luật sẽ đóng vai trò quan trọng chưa từng có trong mọi công việc của Đảng và của Chính phủ Trung Quốc.
Nhiều học giả cho rằng đó là một dấu hiệu tốt cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi "các quy định của pháp luật" là "cần thiết đối với Trung Quốc để đạt được tăng trưởng kinh tế, làm chính phủ trong sạch, tạo công bằng xã hội".
Khalid Mahmood, Chủ tịch Hội đồng Islamabad của Thế giới Vụ nói với Tân Hoa Xã hôm thứ sáu rằng chương trình nghị sự chính của các phiên họp sắp tới tập trung vào "củng cố các quy định của pháp luật, với những đặc điểm rõ ràng của Trung Quốc" là kịp thời và cần thiết với Trung Quốc.
Quyết định của lãnh đạo Trung Quốc nhằm tăng cường sự quản lý bằng pháp luật là khôn ngoan và có tầm nhìn, ông nói. Các quy định của pháp luật sẽ đảm bảo quyền con người cho dân thường, sẽ giúp cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc trừng phạt tội phạm và thiết lập luật pháp và trật tự trong nước.
Các quy định của pháp luật cũng sẽ thúc đẩy hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới và tăng sự tin tưởng của thế giới vào Trung Quốc, cũng như tăng cường năng lực trong cuộc chiến chống tham nhũng tại đất nước hơn 1 tỷ dân này, ông nói thêm.
Anita Kiamba, một nhà nghiên cứu về ngoại giao và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nairobi, cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện cải cách mạnh mẽ kể từ khi ông nắm quyền và CPC đã chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng.
David Fouquet, Giám đốc Viện châu Âu về Nghiên cứu Châu Á, nói: "Chúng tôi hy vọng và lạc quan rằng các lãnh đạo Trung Quốc sẽ đạt được các mục tiêu đầy tham vọng đặt ra gần đây. Họ phải đi một chặng đường dài hướng tới mục tiêu làm cho nền kinh tế, xã hội và hệ thống chính trị Trung Quốc công bằng hơn cho nhân dân".
Gerishon Ikiara, một chuyên gia kinh tế tại trường Đại học Nairobi, cho rằng việc cải tổ pháp luật sẽ tạo thêm động lực để chính phủ hiện nay đấu tranh loại bỏ tham nhũng ở mọi cấp chính quyền.
Trước kỳ họp, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã họp để quyết định nội dung của Hội nghị Trung ương 4 lần này. Tuyên bố của cuộc họp nhấn mạnh thực thi pháp luật là "điều bắt buộc" nếu Trung Quốc muốn phát triển đất nước, xây dựng một xã hội thịnh vượng về mọi mặt, đi sâu cải cách toàn diện, thúc đẩy chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc và nâng cao khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo báo chí phương tây, trong kỳ họp lần này, ngoài trọng tâm thảo luận về pháp quyền, một vài vấn đề khác được người dân quan tâm cũng được đề cập đến. Trong đó, giới phân tích cho rằng, hội nghị có thể sẽ chính thức thông qua báo cáo điều tra và cách chức 5 ủy viên và ủy viên dự khuyết BCH Trung ương là Tưởng Khiết Mẫn - cựu chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra và Quản lý Tài sản Nhà nước, Lý Đông Sinh - cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, Lý Xuân Thành - cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên, Vương Vĩnh Xuân - cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và Vạn Khánh Lương - cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.