Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:15, 21/10/2014
Như tin đã đưa, vào khoảng 20h30 ngày 18-10 khi nhận được tin báo xảy ra cháy lớn tại KCN Quang Minh, phóng viên Báo Hànộimới đã có mặt tại hiện trường. Tại khu vực xảy ra cháy, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho biết, nguyên nhân của vụ cháy bắt đầu từ nhà kho của Công ty Sơn Nippon. Chỉ trong vài phút, lửa bùng phát dữ dội nhanh chóng lan ra toàn bộ kho chứa hàng. Sau khi nhận được thông tin, Sở đã huy động toàn bộ lực lượng với 11 xe chữa cháy chuyên dụng cùng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội và Phòng Cảnh sát PCCC Mê Linh, Từ Liêm, Cầu Giấy tham gia công tác cứu hỏa. Dù đã rất nỗ lực nhưng thiệt hại do "bà hỏa" gây ra vẫn là rất lớn.
Hiện trường vụ cháy khu Nam Trung Yên, phường Yên Hòa. |
Đáng nói là ngay sau vụ cháy ở KCN Quang Minh chừng 1 giờ đồng hồ, cách vị trí này khoảng 20km, tại một garage ô tô, đối diện Trường Tiểu học Nam Trung Yên, thuộc lô E5, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cũng xảy ra cháy. Ngọn lửa nhanh chóng lan sang các khu vực xung quanh, trong đó có các cửa hàng ăn uống đông khách. Đến rạng sáng ngày 19-10, hai đám cháy mới được các lực lượng chức năng khống chế hoàn toàn. Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Hoàng Trung Kiên, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng sơ bộ ban đầu ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Hiện nguyên nhân cháy vẫn chưa được xác định.
Một ngày sau PV Báo Hànộimới trở lại hiện trường vụ cháy. Xung quanh khu vực, các quán hàng và dãy ki ốt cho thuê vẫn mở cửa buôn bán tấp nập. Lối ra vào khu vực xảy cháy được căng dây bảo vệ. Khi được hỏi, hầu hết các chủ ki ốt đều không có một chút kiến thức nào về phòng chống cháy nổ. Thậm chí nhiều ki ốt kinh doanh ăn uống, may mặc, sửa chữa xe máy… còn không được trang bị những thiết bị cứu hỏa thông thường như bình xịt cứu hỏa để đề phòng sự cố.
Thực tế, không phải đến bây giờ khi xảy ra hai vụ hỏa hoạn lớn trên địa bàn Hà Nội, chúng ta mới "giật mình" nhìn lại công tác PCCC, một lĩnh vực vốn được thành phố đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ ý thức của người dân và sự sâu sát của chính quyền địa phương trong thực tiễn triển khai.
Theo thống kê, hiện Hà Nội có 637 công trình cao từ 10 tầng trở lên, 125 chợ lớn và bán kiên cố, 90 siêu thị lớn, 28 trung tâm thương mại và nhiều khu dân cư tập trung đông người. Đó là những điểm nóng về nguy cơ phát sinh cháy nổ và việc triển khai PCCC gặp nhiều khó khăn. Ngay cả các khu chung cư như Vĩnh Phúc, Nam Trung Yên, Đền Lừ... mặc dù đều được bố trí hộp kỹ thuật PCCC nhưng thiết bị chữa cháy lại không thấy. Hỏi bảo vệ thì được biết, do hỏng hóc, quá hạn, bị lấy cắp… Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa cho biết, trong đợt kiểm tra công tác PCCC vừa qua tại một số chung cư trên địa bàn, đoàn kiểm tra tá hỏa khi phát hiện một số nơi, do mất nước tạm thời người dân đã tự ý mở họng cứu hỏa. Một số tổ trưởng dân phố được giao giữ chìa khóa bể chứa nước cứu hỏa đã lạm quyền mở cửa lấy nước để sử dụng trong sinh hoạt. Cùng với đó, nguy cơ cháy còn tiềm ẩn từ các chợ và trung tâm thương mại (TTTM), cụ thể là việc sắp xếp bố trí hàng hóa, khoảng cách an toàn chống cháy lan giữa các dãy, quầy sạp kinh doanh trong chợ, TTTM không bảo đảm theo quy định.
Bài học lớn nhất rút ra sau vụ cháy lớn xảy ra trên địa bàn Cầu Giấy đã được ông Hoàng Trung Kiên, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa quả quyết rằng ngay lập tức phải rà soát phòng chống cháy nổ tại các khu dân cư trên địa bàn, nơi tập trung các địa điểm kinh doanh nhạy cảm như karaoke, nhà hàng. Trước mắt, UBND phường kiến nghị dẹp bỏ các cửa hàng ăn uống, các ki ốt kinh doanh tại lô đất E5 đường Dương Đình Nghệ.
Khảo sát thực tế xung quanh khu vực lô E5 phường Yên Hòa, không khó để nhận thấy vẫn còn rất nhiều khu đất trống sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau: Họp chợ tạm, trông giữ phương tiện vi phạm giao thông, làm garage ô tô…, tất cả đều có một điểm chung là… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ!
Rút ra bài học kinh nghiệm từ hai vụ cháy vừa qua rõ ràng việc cần thiết, nhưng để làm tốt công tác PCCC cần có sự tham gia và nâng cao ý thức của toàn dân. Luật PCCC quy định rất rõ ràng: Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình. Luật cũng quy định lực lượng Cảnh sát PCCC có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.
Quy định thì như thế, song không ít người vẫn cho rằng phòng chống cháy nổ là việc của cơ quan quản lý, việc của lực lượng Cảnh sát PCCC chứ không phải của mình. Đó là quan điểm chưa đúng phải thay đổi bằng tuyên truyền giáo dục thậm chí có những biện pháp cần thiết để khắc phục.