Khí nhạc, thanh nhạc và vấn đề “màu cờ sắc áo”
Xã hội - Ngày đăng : 05:46, 20/10/2014
Trong một hội thảo mang tính quốc tế với chủ đề "Đào tạo chuyên ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay", do Viện Âm nhạc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội gần đây, bản tham luận của nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu có đoạn: "Tôi muốn dành nhiều lời hơn cho lĩnh vực có phần yếu thế hơn: Khí nhạc chuyên nghiệp, bởi đây là đối tượng liên quan trực tiếp tới đào tạo sáng tác, tới "lò" đào tạo âm nhạc uy tín nhất Việt Nam là Học viện Âm nhạc quốc gia. Hơn nữa, khi vươn ra ngoài biên giới quốc gia để hòa nhập vào cộng đồng âm nhạc chính thống quốc tế, tiếng nói đại diện cho dân tộc Việt lại không thuộc về thanh nhạc, không thuộc về những "bài hát yêu thích" hay những ca khúc được xếp hạng top này hít nọ của người Việt mê ca hát. Tiếng nói âm nhạc mang màu cờ sắc áo quốc gia phải là khí nhạc với thứ ngôn ngữ không cần phiên dịch, là những tác phẩm quy mô lớn hơn thể loại ca khúc mà hiện giờ, đáng tiếc, vẫn còn quá xa lạ với công chúng Việt Nam".
Đó là một nhận xét hoàn chỉnh về vị thế của khí nhạc hiện nay tại Việt Nam cho dù, chắc chắn là không phải ai cũng đồng tình với cụm từ "quá xa lạ" mà chị đã dùng. Nhiều người không thích nằm trong số công chúng "đứng ngoài khí nhạc", xa rời và bị cho là không hiểu gì về giao hưởng thính phòng, một thể loại được định danh âm nhạc hàn lâm. Những người cảm thấy đỏ mặt khi tự liên tưởng mình nằm trong số "xa lạ" với dòng nhạc kén người nghe có lý do để tự ái bởi cũng như ca trù, như hát xoan, như cồng chiêng Tây Nguyên thuần Việt, giao hưởng thính phòng vẫn "có khách" ở Việt Nam và một nhóm xã hội vẫn dành cho nó sự ưu ái đặc biệt, kiên trì theo đuổi ngay cả khi số đông quay lưng lại. Ít nhất là tỏ ý tôn trọng một cách chân thành, nhận thấy ở nhạc hàn lâm sự sang trọng, "có học", dù không thiếu ca khúc hay, chưa bao giờ có được vị thế không chính thức ấy. Người ta có lý do để coi nhạc hàn lâm, đại diện ưu tú là giao hưởng thính phòng không xa lạ, ít nhất là với một nhóm nào đó, bởi mạch ngầm giao hưởng thính phòng vẫn âm thầm chảy, không ngừng nghỉ. Tình yêu được nuôi dưỡng trong những gia đình nhỏ, nơi mà bà mẹ mang thai đến tuần nào đó là bắt đầu chọn mang J.Bach, W.Mozart, L.Beethoven… về, áp tai nghe vào bụng cho đứa con mới đang trong giai đoạn tượng hình. Nhạc giao hưởng thính phòng sống trong môi trường ít ồn ã, thường không được truyền thông đại chúng vời đến nhưng vẫn hiện diện trên một số diễn đàn chuyên biệt, những chương trình giao hưởng thường niên tại Việt Nam. Trong một nhóm nhỏ, chủ yếu là nhạc sĩ, nhạc công, nhà giáo âm nhạc, giới trí thức, những người "Tây học" và số người đang theo đuổi âm nhạc thử nghiệm, những gì liên quan đến khí nhạc vẫn là điều được quan tâm hàng đầu. Hai năm trước, ngay cả những người trẻ cũng dõi theo chương trình "Hòa nhạc mùa thu" do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tổ chức, cảm hứng của họ và từ họ xuất hiện trên diễn đàn, được cụ thể hóa qua những bài viết gây được sự chú ý, trong đó, ý tứ cho thấy rằng nhạc hàn lâm vẫn có chỗ đứng trong lòng người Việt. "Trong âm nhạc, người ta dễ cho rằng so sánh giữa Việt Nam với thế giới là không tương xứng nếu không muốn nói là khập khiễng. Với những gì Việt Nam đã và chưa làm được, nhận xét như vậy không có gì phiến diện. Nhưng sẽ là phiến diện nếu nói đời sống âm nhạc Việt Nam không có chỗ đứng cho âm nhạc hàn lâm nói chung và biểu diễn hòa nhạc giao hưởng nói riêng - một trong những tinh hoa nghệ thuật của nhân loại". Sau này, sự sốt sắng mà người Việt dành cho Luala concert, "Điều còn mãi", cũng như những chương trình hòa nhạc mang tên Toyota, Hennessy đã cho thấy điều đó. Người ta không thể võ đoán rằng những người bỏ tiền triệu cho một tấm vé vào Nhà hát Lớn - Hà Nội chỉ là vì sẵn tiền, thừa tiền, "thấy giao hưởng sang nên bắt quàng làm họ".
Nhưng, như thế là không đủ. Nhìn tổng thể, không thể bác bỏ thực tế là nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu đã nói đúng hiện trạng mất cân đối giữa thanh nhạc và khí nhạc. Chị viết rằng: "Người Việt vốn yêu ca hát - hát ca là tâm điểm trong sinh hoạt âm nhạc, vì thế, nhạc hát luôn chiếm ưu thế hơn so với nhạc đàn trong quá khứ cũng như trong đời sống âm nhạc hiện nay. Tình yêu ca hát đó lớn đến mức cũng góp phần tạo nên tình trạng mất cân đối giữa nhạc hát và nhạc đàn trong nhiều thập niên gần đây - một hiện trạng đáng lo ngại: Ca nhạc giải trí mang tính thị trường đang lấn át nhạc chính thống, và trong nhạc chính thống thì thanh nhạc, đại diện là ca khúc đại chúng, lại lấn át khí nhạc".
Cái hiện trạng nói trên, dù có gì đó mang màu sắc tất yếu khách quan, là "do người Việt vốn mê ca hát", thì vẫn không thể phủ nhận rằng chính chúng ta đã không tạo cơ hội đầy đủ cho các thể loại cơ bản về khí nhạc - vốn "đã có bước tiến đáng kể trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ". Sự tạo điều kiện cho nhạc hàn lâm không đủ để nó bứt lên, hay ít nhất là tạo vị thế ngang ngửa với thanh nhạc trong mối liên quan tới xu hướng tiêu dùng văn hóa hiện nay. Người làm công tác đào tạo sáng tác âm nhạc nói rằng thị trường đang dẫn dắt nhiều thứ, can thiệp thô bạo vào công việc chuyên môn của họ, dẫn đến một thực tế mà như PGS - nhạc sĩ Vĩnh Cát gọi là "nói một đằng, làm một nẻo". "Mặc dù lúc học, kỹ thuật sáng tác khí nhạc đã lấy đi bao nhiêu mồ hôi, sức lực nhưng ra trường lại không dễ ứng dụng. Cuộc sống là vậy. Trong cơ chế thị trường hiện nay, công chúng âm nhạc cần gì thì nhạc sĩ phải đáp ứng. Sáng tác khí nhạc cứ để đấy đã, trước hết chỉ cần sáng tác thanh nhạc, chỉ cần có bài hát là có cả tiếng tăm và tiền bạc". Nhạc sĩ sáng tác khí nhạc chịu bó tay một phần trước thời cuộc, bao gồm cả xu hướng hưởng thụ nghệ thuật âm nhạc và điều kiện phổ biến tác phẩm hiện nay. Cảm hứng sáng tạo bị "phanh" lại, tự điều chỉnh để thích ứng với điều kiện thực tế. Tổng phổ thưa thớt dần, điều khiến người quan tâm liên tưởng đến điều mà NSND Trọng Bằng từng nói cách đây nhiều năm, có lẽ trước dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, rằng ông có một bản tổng phổ - bốn, năm chương gì đó, bao lâu rồi mà không thể đưa nó vào đời sống vì không xoay đâu ra kinh phí dàn dựng, biểu diễn. Những bản giao hưởng một chương có cơ hội xuất hiện, xu hướng viết cho nhạc cụ độc tấu rõ ràng hơn, không có gì khác ngoài sự tự giới hạn khả năng sáng tác và sự vươn lên cần có của giao hưởng thính phòng. Nó không đủ để tạo cớ cho truyền thông, một số ít nhà tổ chức giải thưởng âm nhạc ở Việt Nam (tất nhiên không bao gồm giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam) quan tâm tới giao hưởng thính phòng có thể lập ra hạng mục giải thưởng cho thể loại này cũng như duy trì sự hiện diện của nó trong danh mục. Giải thường niên mang tên Cống hiến, thuộc số giải thưởng về âm nhạc được đánh giá cao nhưng trong nhiều năm đã không thể "động đến" giao hưởng thính phòng dù Thể thao & Văn hóa là tờ báo có nhiều bài viết thể hiện sự quan tâm đến khí nhạc, đến đời sống âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam. Sự hậu thuẫn không đủ mức cần đối với dòng nhạc bác học ở Việt Nam đã dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn.
Đó là một hiện trạng không có lợi cho khí nhạc, cho sự sống của nhạc hàn lâm ở Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu có lý khi bàn về khí nhạc trong mối liên quan đến cái gọi là màu cờ sắc áo quốc gia. Nhiều người đồng ý với chị cũng như nhiều nhạc sĩ khác, rằng nhạc hàn lâm và những gì liên quan tới nó, từ tác giả - tác phẩm đến nhạc công hay dàn nhạc, bao giờ cũng là đại diện ưu tú nhất, mang tính quyết định bộ mặt âm nhạc của một quốc gia mỗi khi cần phải so đo rộng rãi. Là người Việt Nam, không mấy người không cảm thấy tự hào với thành công của nghệ sĩ biểu diễn dương cầm Đặng Thái Sơn, của tài năng trẻ violon Bùi Công Duy, những người đủ tài để được thế giới biết đến họ, biết đến Việt Nam.
Nhưng còn tác giả - tác phẩm thì sao?