Không để “mất gốc”
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:31, 19/10/2014
Đây là năm thứ 7 liên tiếp cô trò Trường Tiếng Việt Sao Mai đón mừng năm học mới. Bà Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiếng Việt Sao Mai cho biết: 7 năm qua, với muôn vàn khó khăn, nhưng với ý chí và tình yêu thương vô bờ bến của tập thể giáo viên, ban phụ trách nhà trường đã kết hợp với phụ huynh, cùng nhau chung tay giữ gìn tổ ấm bé nhỏ, truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ con cháu người Việt giữa lòng thủ đô Berlin...
Lễ khai giảng của Trường Tiếng Việt Sao Mai tại CHLB Đức. |
Thành lập từ năm 2007, ban đầu chỉ có một lớp với vài cháu tham gia học tập, sau 7 năm, với sự giúp đỡ của Ban Giám đốc Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương ở Berlin, cùng sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức và một số hội đoàn, sự tận tâm của các cô giáo, Trường Tiếng Việt Sao Mai đã duy trì và liên tục mở các lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở CHLB Đức. Với các thế hệ Việt kiều thứ hai, thứ ba, hằng ngày chỉ nói tiếng Đức, sinh hoạt cùng người Đức, học tiếng Việt là cả quá trình nỗ lực không ngừng. Các cô giáo đã tình nguyện trở thành nhịp cầu nối, thay nhau động viên các con bằng mọi giá không bỏ học. Để tiếng Việt đến với các con một cách gần gũi nhất, các cô đã biến ngày học tiếng trở thành một hoạt động ngoại khóa thú vị. Buổi sáng, các con học tiếng Việt qua bài hát, ca dao, tục ngữ. Trưa đến, cô nấu cơm chia cho các con cùng ăn - thay vì "của ai nấy dùng" như cách sống phương Tây. Chiều các con lại học múa dân gian Việt Nam, học hát bằng tiếng Việt, được mặc các trang phục áo the, khăn xếp, áo tứ thân, váy Mường, váy Tây Nguyên…
Trong một ngày mà các con được tiếp nhận từ tiếng nói, hình ảnh quê hương đến văn hóa, phong tục, truyền thống dân tộc. Với 700 học sinh đang theo học, các cô giáo ở Trường Tiếng Việt Sao Mai hoàn toàn có thể tự hào rằng công sức mình bỏ ra không bị bỏ phí. Nhiều học sinh của trường giờ đây đã biết giao tiếp bằng tiếng Việt và có thể tự biên tự diễn các điệu múa dân gian, hát các bài hát bằng tiếng Việt.
Ông Vũ Quốc Nam - Chủ tịch Hội Đồng hương Kinh Bắc tại CHLB Đức cho rằng, công tác giảng dạy tiếng Việt của Trường Tiếng Việt Sao Mai mang ý nghĩa rất quan trọng. Theo ông, nếu không gìn giữ tiếng Việt, những thế hệ người Việt Nam tiếp sau sẽ bị "mất gốc" bởi các cháu được sinh ra, lớn lên tại CHLB Đức phải tiếp thu tiếng nói và nền giáo dục của nước sở tại. Trong khi đó các bậc phụ huynh, không phải ai cũng có điều kiện quan tâm, chăm sóc và dạy tiếng Việt cho các cháu.
Với tâm huyết của những người chuyển tải ngôn ngữ - tâm hồn, bản sắc văn hóa Việt Nam, việc thành lập Trung tâm Giáo dục Việt ngữ tại Berlin trên cơ sở Trường Tiếng Việt Sao Mai của bà Trịnh Thị Mùi - Chủ tịch HĐQT Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương đã phần nào hiện thực hóa trăn trở của nhiều người xa xứ: Nếu để cho con em không biết tiếng Việt là chúng ta có lỗi với tổ tiên.
TS Nguyễn Phúc Hiền, Bí thư Thứ nhất ĐSQ Việt Nam tại CHLB Đức: Việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ nối tiếp có tầm quan trọng đặc biệt. Đó là giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, tăng cường sự hiểu biết giữa các thế hệ trong gia đình. Mặt khác khi nắm vững tiếng Việt thì chính các cháu sau này cũng có thêm cơ hội tìm việc làm và góp phần phát triển quan hệ Đức - Việt. |