Phim mới: “Hàng xóm”
Văn hóa - Ngày đăng : 08:16, 12/08/2004
“Hàng xóm” là phim đầu tiên của đạo diễn Phạm Lộc làm sau khi từ Hãng phim truyện1 đầu quân về Hãng phim truyện Việt Nam. Anh bảo “dăm bảy năm rồi không làm cái nào, nên giờ muốn có những cái mới”. Quả là “Hàng xóm” có nhiều tìm tòi, thể nghiệm, và việc được, mất, hiệu quả thế nào chưa dễ bề thấy ngay. Chỉ biết sau khi duyệt, Bộ VHTT, Cục Điện ảnh đã quyết định chấm đây là phim chiếu nhân dịp 50 năm Giải phóng Thủ đô.
Chuyện phim xảy ra sát sạt với thời đương đại và gần gũi với giới làm ăn Hà Thành: cổ phần hóa, đi tìm đầu ra, xây dựng thương hiệu, cạnh tranh đến mức “tao sống mày chết”.Hà (Đức Khuê đóng), chủ một doanh nghiệp dệt hàng tơ tằm, bị vợ chồng Hùng (Hồ Tú) - Hương (Chiều Xuân) mua hớt mất phần nhà chung, có cửa hàng của Thu (Thủy Hương). Ngậm bồ hòn cộng tác với Hùng, Hà lập tâm đốt cửa hàng, rồi phá tiếp hạnh phúc của gia đình Hùng. Đoán ai là thủ phạm, Thu nhận lời làm việc với Hà, đưa Hà vào một “quả lừa” quốc tế.Nhưng trước khi thực hiện, Thu biết vợ chồng Hà chỉ làm ăn manh mún, còn rất vất vả, nên tha cho anh ta. Hà bị vợ rời bỏ, Thu cũng không còn, trở nên cô đơn trong sự dằn vặt.
Cái cốt quá nhiều sự kiện, tâm lý, hành động này, nằm trong kịch bản của Lưu Nghiệp Quỳnh, chỉ được chuyển tải trong 10 cuốn phim quả không dễ. Người thực hiện phải tìm ra ngôn ngữ thể hiện, lí giải cái ác, đem lại kết thúc hướng thiện cho thỏa đáng, thuyết phục... lắm lúc đem lại cảm giác “múa gậy trong bị”. Cổ xúy một cách có ý thức cho hàng nội hóa (tơ tằm), phim nêu được một đặc điểm phổ biến trong việc làm ăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tại: cạnh tranh khắc nghiệt trong hoàn cảnh manh mún. Lời cảnh tỉnh cũng thực tế: không biết đoàn kết, chung lưng vào sẽ mất hết. Đó cũng là lời “nhắc nhở” về đạo đức, giữ lấy một nếp sống hướng thiện, đừng chà đạp lên nhau. Hà, sau bao nhiêu manh tâm lập ác, phải thấm thía nỗi mất vợ con, bạn bè... Đạo diễn có những tìm tòi khi diễn tả tâm lý người làm ăn bị chèn ép, phải tìm cách tồn tại khi cho những cuộn vải rơi phần phật xuống quanh người Hà rồi bay hết ra sông. Tiếng động mạnh đã đem lại hiệu quả nhất định, báo hiệu sự bạo liệt. ống kính Lý Thái Dũng có những cảnh quay gợi: đám tằm nhả tơ, chung chiêng trong cuộc tranh ăn. Hà bày đặt xong đám cháy không đi ngay mà ngồi lại với một chút day dứt. Cái ác xuất hiện dần dần, được dẫn dắt, lý giải, chứ không đơn giản hóa như trong nhiều phim ta, là một cái mới “Hàng xóm” đem lại.
Nếu như ở phần tưởng tượng, suy đoán, để chỗ “ngưng” cho người xem nghĩ tiếp,phim có nhiều cái được, thì phần kể còn chưatới nhiều chỗ. Dầu sao cái cốt phải “đi” tức là vẫn phải kể, thì người xem hơi khó theo dõi được thấu đáo. Cái triết lý “ở hiền gặp lành” hoặc “chớ dại mà làm đục cái ao ta vẫn tắm” liệu có hợp với những doanh nhân, những người hay có xu hướng đơn giản hóa cuộc sống theo hướng “doanh thu là trên hết” ? Sự vào cuộc củadiễn viên mới, nếu như ít nhiều thành công ở Hồ Tú, đã chưa thoát được bóng hình người mẫu với Thủy Hương. Còn có những chỗ để băn khoăn khác: Hùng - Hương nghe tin báo cháy lúc 2 giờ đêm, ngoài cửa sổ trời đã sáng trưng. Tại sao Hà chuẩn bị rất kỹ cho đám cháy mà (dường như) không lo gì cho nhà mình ở chung ngôi ? Liệu có thể coi đó là những lỗi ?
HNM