Giá xăng dầu giảm, giá các mặt hàng thiết yếu không giảm: Nghịch lý không dễ xóa!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 18/10/2014
Thực phẩm giữ giá
Thống kê cho thấy, trong vòng hơn 2 tháng qua, xăng dầu liên tiếp 7 lần giảm giá. Cụ thể, xăng đã giảm giá 2.500 đồng/lít, dầu diesel giảm 2.580 đồng/lít, dầu hỏa giảm là 2.450 đồng/lít. Thường thì khi giá xăng tăng cao, giá nhiều hàng hóa, dịch vụ lập tức điều chỉnh với lý do cước vận chuyển tăng. Thế nhưng, trái với kỳ vọng của người dân, khi giá xăng giảm mạnh, hầu hết các hàng hóa, dịch vụ vẫn giữ nguyên giá bán.
Giá thực phẩm tại các siêu thị không giảm trong thời gian vừa qua.Ảnh: Đàm Duy |
Tại một số khu chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, rau củ, thịt, trứng vẫn giữ nguyên giá bán. Giá rau muống vẫn ở mức 8.000 đồng/mớ, rau cải 8.000 đồng/kg, thịt bò loại ngon 250.000 đồng/kg, mực ống từ 180.000 đồng/kg, giá trứng gà, vịt vẫn lần lượt ở mức 35.000 và 32.000 đồng/chục. Các mặt hàng gạo cũng hầu như giữ nguyên giá bán, trong đó, gạo tám Hải Hậu, tám Điện Biên ở mức 18.000 đồng/kg, gạo Xi dẻo ở mức 14.000 đồng/kg. Theo phản ánh của các tiểu thương, giá lương thực, thực phẩm chưa giảm bởi giá bán buôn từ các đầu mối vẫn giữ nguyên. Một nhà quản lý của một siêu thị lớn tại Hà Nội cũng cho biết, trước đây vài tháng, có nhà cung cấp đã đề xuất tăng giá một số nhóm hàng do chi phí vận chuyển tăng theo giá xăng. Nhưng khi xăng giảm giá, chưa thấy nhà cung cấp nào thông báo giảm giá sản phẩm.
Trong khi giá hàng tiêu dùng không giảm khi giá xăng, dầu giảm mạnh thì đã xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi hậu thuẫn cho việc giảm giá sản phẩm. Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước cuối tháng 9 vừa qua, cơ quan quản lý giá và thị trường cùng có chung nhận định: Do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, tâm lý chi tiêu dè dặt, thị trường hàng hóa thời gian tới sẽ không có sự tăng giá đột biến. Mặt bằng giá 9 tháng qua vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng nông sản, thực phẩm sản xuất khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào. Trong khi đó, nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng được điều hành theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 2.145.470 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 6,22%. Điều này cho thấy sức mua trên thị trường đã nhích lên tuy vẫn ở mức thấp. Thêm vào đó, CPI 9 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 2,25% so với tháng 12 năm 2013 và tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013. Theo dự báo của các cơ quan chức năng, CPI tháng 10 sẽ tăng không cao hơn nhiều so với tháng 9.
Cục Quản lý giá cho biết, sau khi tăng giá trong 2 tháng đầu năm, giá sữa nguyên liệu (gồm cả sữa bột gầy và bột nguyên kem) trên thị trường thế giới liên tục giảm. Thế nhưng hiện chưa có doanh nghiệp sữa nào đăng ký giảm giá bán sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nguyên nhân là do nhiều mặt hàng sữa bột được sản xuất trong nước nên sữa nguyên liệu chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu giá sản phẩm. Ngoài ra, các hợp đồng cung cấp sữa cũng có độ trễ nên việc điều chỉnh giá bán phải mất một thời gian. |
Điều hành theo thị trường
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, một nghịch lý đang tồn tại là giá xăng tăng thì hàng hóa thi nhau tăng theo giá xăng. Nhưng khi giá xăng đã giảm thì hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là giá cước vận tải, taxi chưa có biến động lớn. Điều này là vô lý bởi ngành năng lượng tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và giá cả hàng hóa dịch vụ nói riêng. Thế nhưng, đại diện các DN kinh doanh vận tải lại cho rằng, đợt giảm giá xăng lần này sẽ không tác động đến giá cả của hoạt động vận tải trên địa bàn. Bởi cước taxi tuyến cố định liên tỉnh mặc dù giá xăng biến động tăng giảm hơn chục lần từ năm ngoái đến nay, nhưng gần như các hãng vận tải của Hà Nội không tăng giá. Lý do là vì việc tăng giá rất khó khăn, phải làm nhiều thủ tục.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mặc dù giá xăng đã 7 lần giảm liên tục, nhưng hiện nay, xăng dầu cũng chỉ chiếm 0,17% trong việc tính chỉ số CPI. Chính vì thế, xăng, dầu cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu tác động đến hàng hóa trên thị trường dù trên thực tế, việc xăng dầu giảm giá sẽ tác động đến dịch vụ hàng hóa, cụ thể là dịch vụ vận tải và một số ngành sản xuất sử dụng dầu DO. Thêm vào đó, việc giá hàng hóa không giảm khi xăng, dầu xuống giá là do giá hầu hết các sản phẩm hàng hóa đều đã vận hành theo cơ chế thị trường, nên việc tăng hay giảm giá sẽ phụ thuộc vào cung cầu, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để kéo giá xuống. Ngoài ra, cũng cần tính đến việc các DN hiện đang phải đối mặt với việc giải quyết lượng hàng tồn kho đang ở mức khá cao, các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng giá không giảm… Đây chính là các yếu tố khiến DN buộc phải cân nhắc trước khi giảm giá bán lẻ.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, giá hàng hóa tăng nhanh theo xăng rồi lại giảm chậm là nghịch lý không dễ xóa bỏ. Giá xăng dầu điều hành còn chưa theo thị trường đúng nghĩa đã tạo nên nghịch lý xăng dầu giảm mà hàng hóa đứng yên. Nếu có một DN thống lĩnh thị trường thì Nhà nước phải quản lý và bình ổn giá, còn nếu để tự do thì không thể cho Petrolimex chiếm 50% thị phần, mà cần cho DN xăng dầu nước khác vào cạnh tranh. Với tư duy điều hành giá này, không thể xóa bỏ nghịch lý về giá. Bởi điều hành kinh tế là phải điều hành theo cung cầu thị trường. Điều hành giá kém thì người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.