Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị làm việc tại huyện Ba Vì

Chính trị - Ngày đăng : 11:13, 17/10/2014

(HNMO)- Ngày 17-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị làm việc với huyện Ba Vì về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt; lãnh đạo các sở, ngành của thành phố;… cùng tham dự buổi làm việc.

Đầu giờ sáng, Bí thư Thành ủy đã đến thăm gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng- hộ chăn nuôi bò sữa tại xóm 1, xã Vân Hòa (Ba Vì). Gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng hiện đang nuôi 12 con bò sữa (10 con đang cho sữa), thu nhập bình quân 4-5 trăm triệu đồng/năm… Trên địa bàn xã Vân Hòa có tổng số 4.200 con bò sữa (hộ nuôi nhiều nhất 40 con; bình quân 5-6 con).

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đến thăm gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng- chăn nuôi bò sữa tại xóm 1, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì


Bí thư Thành ủy biểu dương và động viên gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa của gia đình, từ đó ngoài việc tăng thu nhập và làm giàu cho gia đình, còn góp phần giải quyết việc làm cho bà con trong xóm, trong làng…

Tiếp đó, Bí thư Thành ủy đã đến thăm nhà máy sữa của Công ty cổ phần sữa Quốc tế IDP trên địa bàn xã Tản Lĩnh. Theo báo cáo của lãnh đạo Công ty, Công ty được thành lập năm 2005, với 1 nhà máy dây chuyền sản xuất sữa chua, công suất 5 triệu lít/năm, doanh số gần 15 tỷ đồng/năm. Đến nay, Công ty đã phát triển 3 nhà máy tại: Chương Mỹ, Ba Vì (Hà Nội) và Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) với 4 dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất thiết kế đạt 400 tấn sữa/ngày (tương đương 120 triệu lít sữa/năm); doanh thu đạt gần 1.500 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động đạt 7 triệu đồng/người/tháng; đóng góp ngân sách nhà nước 40 tỷ đồng năm.

Bí thư Thành ủy thăm nhà máy sữa Ba Vì của Công ty cổ phần sữa Quốc tế IDP


Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sữa Quốc tế IDP, thành công lớn nhất của Công ty gần 10 năm qua là đã tập trung đầu tư xây dựng được vùng nguyên liệu sữa tươi tại Ba Vì và các vùng phụ cận với trên 10.000 con bò sữa, lượng sữa thu mua được gần 100 tấn/ngày. Trong đó, riêng đàn bò sữa Ba Vì từ 1.600 con (năm 2007), đến nay đã đạt trên 8.000 con, năng suất bình quân 15-16kg/con/ngày và cung cấp ổn định 50-60 tấn sữa tươi/ngày với giá 4.000 đồng/kg, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho bà con nông dân nuôi bò sữa của huyện Ba Vì. Đáng chú ý, Công ty đã tập trung xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm sữa Ba Vì. Sản phẩm sữa Ba Vì là một trong những thương hiệu mạnh của ngành sữa Việt Nam, của thị trường Việt Nam và là sản phẩm chủ lực của thành phố Hà Nội.

Cần lập đề án khả thi phát triển chăn nuôi bò

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Lê Văn Minh đã báo cáo với Bí thư Thành ủy về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong 9 tháng đầu năm và tình hình phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt trên địa bàn trong những năm qua.

Theo đó, hiện nay trên địa bàn huyện, tổng đàn bò sữa có 8.100 con, (chiếm 65% tổng đàn bò sữa toàn TP), sản lượng sữa đạt 26,5 nghìn tấn, tập trung chủ yếu tại các xã: Vân Hòa, Yên Bái và Tản Lĩnh. Hình thức chăn nuôi chủ yếu là nông trại hộ gia đình, bình quân từ 5-6 con/hộ. Chăn nuôi bò sữa hiện nay đã trở thành một nghề cho thu nhập khá, nhiều hộ thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm từ nuôi bò sữa, góp phần phát triển kinh tế gia đình và đổi mới diện mạo nông thôn của huyện.

Bên cạnh đàn bò sữa, huyện Ba Vì cũng chú trọng phát triển đàn bò thịt. Đến nay, tổng đàn bò thịt của huyện đạt 42,5 nghìn con, trong đó có nhiều giống bò có giá trị kinh tế cao như bò BBB, Angus, Zebn.. Đặc biệt, huyện triển khai dự án lai giống bò BBB với bò Sin A. Đến nay đã có 4.200 con bê lai F1, giá trị trung bình tăng từ 5-7 triệu đồng/con so với các giống bê khác.

Bí thư Thành ủy làm việc với huyện Ba Vì về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, sáng nay (17-10)


Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Minh, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện còn mang tính nhỏ lẻ, thủ công theo quy mô hộ gia đình, diện tích đất đủ điều kiện để chuyển đổi xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi còn hạn chế; việc trồng cỏ, chế biến thức ăn thô và tinh chưa trở thành tập quán, thói quen của người dân. Trong khi địa bàn huyện chưa có nhà máy sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm nên thiếu chủ động. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi còn hạn chế…

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị ghi nhận những kết quả về kinh tế- xã hội mà huyện Ba Vì đã đạt được trong những năm qua. Về tình hình phát triển đàn bò sữa, bò thịt trên địa bàn, Bí thư Thành ủy cho rằng, huyện Ba Vì là địa phương có điều kiện thuận lợi, tiềm năng và thế mạnh (trồng cỏ) và bề dày kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Tuy nhiên, thời gian tới, để phát triển đàn bò sữa của huyện cần sự phối hợp chặt chẽ và sâu sát hơn nữa của các sở, ban, ngành TP.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, ngoài chương trình chung về phát triển chăn nuôi của thành phố, thời gian tới, riêng tại huyện Ba Vì cần xây dựng đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt để khai thác và phát hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tránh để lãng phí.

Tuy nhiên, trong lúc chờ hoàn thành đề án, Bí thư Thành ủy lưu ý các sở, ngành và huyện Ba Vì trước mắt cần rà soát lại quy hoạch đất đai để nắm bắt rõ còn bao nhiêu quỹ đất dành cho phát triển vùng cỏ, thức ăn nuôi bò; rà soát lại giống cỏ đã bảo đảm chất lượng, cho năng suất cao hơn so với các giống cỏ hiện có ở trong nước. rõ những vùng quy hoạch để phát triển vùng nguyên liệu, đa dạng hóa các giống cỏ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, phối hợp với tỉnh bạn như Tuyên Quang- địa phương mà theo bà con chăn nuôi bò sữa có nhà máy chế biến thức ăn tinh cho bò đạt chất lượng để liên kết, đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn tăng hơn nữa năng suất chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì. Cùng với đó, quan tâm thực hiện tốt các vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường, thú y…

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng đề nghị, các sở, ngành thành phố, các huyện Ba Vì cần tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi bò phát triển, mở rộng quy mô, số lượng đàn bò nuôi. Bí thư Thành ủy gợi ý tập trung vào các gia đình đã có kinh nghiệm chăn nuôi, hiện có số bò sữa đang nuôi nhiều (khoảng 10 con) để đầu tư mở rộng quy mô. Trong đó rất cần quan tâm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các hộ chăn nuôi bò sữa, nên chăng bên cạnh thế chấp bằng sổ đỏ để vay vốn, ngân hàng có thể xem xét cho các hộ dân thế thấp vay vốn bằng chính đàn bò sữa của nhà mình.

Theo Bí thư Thành ủy, để thật sự phát triển đàn bò sữa, bò thịt tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện Ba Vì, vẫn rất cần nhà nước đứng ra chắp khâu nối với các doanh nghiệp, ngân hàng với bà con nông dân.

Chiều nay, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm và làm việc tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì.


Hưng Thịnh