Phải ràng buộc tỷ lệ nội địa hóa

Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 15/10/2014

(HNM) - Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), ngoài những chính sách thiết thực cần phải ràng buộc tỷ lệ nội địa hóa đối với các nhà sản xuất. Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) tại buổi lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về phát triển CNHT do Bộ Công thương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.


Ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp

Để phát triển ngành CNHT, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về "Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ" và Quyết định 1483/QĐ-TTg về "Danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển". Tuy nhiên, sau ba năm triển khai, chỉ có một DN nước ngoài tiếp cận được các ưu đãi của Chính phủ.

Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải là một trong những nhà sản xuất có tỷ lệ nội địa hóa cao.



Theo ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), vì chưa có DN trong nước nào nhận được ưu đãi trong các quyết định trước nên nghị định lần này sẽ tập trung vào "ươm mầm" để DN tham gia sản xuất sản phẩm CNHT. Cụ thể, nghị định về phát triển CNHT sẽ giúp cho những DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận được những chính sách ưu đãi thuận lợi hơn. Trong dự thảo Nghị định, bên cạnh các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN, giảm tiền thuê đất… còn tập trung vào ưu đãi phát triển nguồn nhân lực như hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ sư, kỹ thuật viên của các DN sản xuất CNHT, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia… Nghị định cũng tập trung vào các biện pháp nhằm hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, đào tạo nhân lực và có cả tiếp cận khách hàng…

Ông Châu Minh Nguyện, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho rằng, ưu đãi theo dự thảo nghị định này là khá nhiều nên nếu được thông qua là tin mừng cho ngành CNHT. Theo ông Châu Minh Nguyện, các DN chưa thể cung cấp sản phẩm CNHT trong chuỗi cung ứng bởi rất ít DN vừa và nhỏ của Việt Nam đạt được 3 tiêu chí bắt buộc khi tham gia chuỗi cung ứng là: Chất lượng tốt, giá thành hợp lý và thời gian giao hàng chính xác. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng phòng Mua hàng của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam lại cho rằng chất lượng không ổn định là vấn đề lớn nhất của các DN Việt Nam. Một số DN khi làm sản phẩm để chào hàng thì rất tốt, nhưng đến khi giao hàng nhiều thì chất lượng không đạt yêu cầu. Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, vấn đề có thể do hệ thống quản lý chất lượng của các DN không đồng bộ, xuyên suốt từ trên xuống dưới nên cần có những chương trình đào tạo về hệ thống quản lý chất lượng cho DN. Ngoài ra, trách nhiệm xã hội của DN liên quan đến các tiêu chuẩn về môi trường, lao động… cũng là yếu tố bắt buộc nếu muốn làm đối tác với nước ngoài, vì vậy rất cần các quy định của Chính phủ hỗ trợ và giám sát các tiêu chí này.

Tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng

Dung lượng của thị trường được các DN đánh giá là một trong những lý do chính gây khó khăn cho việc phát triển ngành CNHT. Nhiều DN cho biết, rất khó tiếp cận các nhà sản xuất lớn vì họ đã có sẵn khách hàng và không muốn thay đổi. Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP Hồ Chí Minh, các nhà sản xuất nước ngoài đều có công ty phụ trợ đi theo nên các công ty Việt Nam đầu tư CNHT rất khó cạnh tranh.

DN sản xuất sản phẩm cuối cùng không phải là "ông chủ" mà phải xắn tay vào để đưa tỷ lệ nội địa hóa lên, ông Bùi Hoàng Điệp - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Cơ khí Hàng Hải (PTSC) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam nêu quan điểm; đồng thời cho rằng cần phải ràng buộc các nhà sản xuất đưa tỷ lệ nội địa hóa vào sản phẩm. Ông Bùi Hoàng Điệp nêu kinh nghiệm khi làm việc tại Brunei, theo đó, trong hồ sơ chào thầu của nước này quy định rất rõ tỷ lệ nội địa hóa ít nhất 25-50% giá trị dự án. Chưa hết, trong quá trình thực hiện dự án họ tăng cường giám sát buộc nhà thầu phải thực hiện, thậm chí phải giúp đỡ các nhà cung cấp nội địa để họ cung cấp sản phẩm.

Nhiều DN cho rằng, Nhà nước không thể hỗ trợ phát triển CNHT theo kiểu chung chung mà phải tập trung vào các lĩnh vực DN Việt Nam đủ tiềm năng phát triển. Chẳng hạn, trong các lĩnh vực CNHT hiện nay thì ngành công nghệ điện tử rất khó vì lĩnh vực này phản ứng rất nhanh với thị trường, chỉ vài tháng, thậm chí chỉ một tháng là có đổi mới. Vì vậy cần tập trung hỗ trợ phát triển CNHT trong lĩnh vực cơ khí phục vụ cho ô tô, máy móc dân dụng… vốn phù hợp với các DN vừa và nhỏ Việt Nam. Bên cạnh đó, lâu nay vẫn xảy ra tình trạng chủ trương thì có nhưng chính sách thì "mất tích" bởi việc thực hiện chưa đồng bộ hoặc chưa "chạm" vào nhu cầu thực sự của DN. Thế nên, Ban soạn thảo cần phối hợp với các bộ liên quan, nhất là Bộ Tài chính, để việc ban hành chính sách và thực hiện được thống nhất.

ĐẶNG LOAN