Mở đường xuất khẩu văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 06:40, 15/10/2014
Chưa định hình rõ nét
Một đất nước giàu truyền thống, đa dạng bản sắc văn hóa như Việt Nam lẽ ra phải cung ứng được nhiều sản phẩm văn hóa ra thị trường quốc tế. Thế nhưng, người Việt đã và đang phải nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm văn hóa hằng ngày, hằng giờ. Bằng chứng rõ nhất là các bộ phim nước ngoài được trình chiếu dày đặc trên sóng truyền hình Việt Nam, trong khi lượng phim Việt đến với công chúng quốc tế không đáng là bao. Sách, truyện dịch chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các cửa hàng, siêu thị sách. Âm nhạc truyền thống chưa tìm được chỗ đứng thỏa đáng ngay trong lòng công chúng trong nước. Điều đáng nói là lượng phim truyện nhựa sản xuất trong nước có thể "bơi" được ra thị trường và thu lợi nhuận từ việc bán vé chỉ đếm trên đầu ngón tay…
Hát quan họ tại lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa 2014” tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lê Quang |
Về tình trạng này, TS. Bùi Hoài Sơn (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhận xét: Nước ta đang để lãng phí nguồn tài nguyên phát triển CNVH. Sự lãng phí này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác ngoại giao. Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành CNVH hằng năm cao hơn hai lần so với ngành công nghiệp dịch vụ và gấp bốn lần so với lĩnh vực sản xuất. Trong thời đại toàn cầu hóa, CNVH được coi là "đại sứ" ngoại giao, hợp tác quốc tế. Chẳng hạn, điệu nhảy Gangnam Style (Hàn Quốc) đã lan rộng trên thế giới, qua đó, các quốc gia biết về đất nước và con người Hàn Quốc nhiều hơn. Tương tự, khi bộ truyện tranh Đôrêmon của Nhật Bản được xuất khẩu ra nước ngoài, ấn phẩm này vừa mang lại doanh thu hàng tỷ đô la, vừa góp phần quảng bá văn hóa Nhật Bản. Ở các nước Châu Âu, ngành CNVH tạo ra khoảng 500 tỷ euro mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), 85% thu nhập tại đây có được nhờ là ngành CNVH.
Phân tích nguyên nhân khiến ngành CNVH ở Việt Nam chưa phát triển, chuyên gia của UNESCO Tom Fleming chỉ rõ: Việt Nam có nguồn nhân lực, có nhiều tài năng trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, nhưng việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của họ thiên về lĩnh vực văn hóa truyền thống, đó là một sự lãng phí. Mặt khác, Việt Nam chưa có cơ quan, đơn vị chuyên trách phát triển công nghiệp sáng tạo theo mô hình tương tự như Hội đồng Nghệ thuật Anh hay Hội đồng Sáng tạo của một số quốc gia. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam hầu như nhận sự đầu tư của Nhà nước, bởi vậy, sự tham gia của các đơn vị, tổ chức quốc tế là khá hạn chế…
Theo định nghĩa chung nhất của UNESCO, CNVH là ngành công nghiệp kết hợp giữa 3 yếu tố là sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế. Ở Việt Nam, CNVH gồm quảng cáo, kiến trúc, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in - xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh - truyền hình… |
Hợp tác để phát triển
Vượt lên những khó khăn, bất cập, vài năm trở lại đây, một số tổ chức, cá nhân và ngành văn hóa đã chủ động phối hợp với các nước có nền CNVH phát triển để tìm hướng đi. Năm 2014, Việt Nam đã có khá nhiều dự án âm nhạc, phim ảnh hợp tác với nước ngoài, bước đầu gặt hái thành công. Chẳng hạn như lễ hội Âm nhạc quốc tế "Gió mùa 2014" vừa được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long vào đầu tháng 10-2014. Trong ba đêm nhạc chính thức, khán giả Thủ đô đã được thưởng thức nghệ thuật âm nhạc chất lượng cao, tìm hiểu những xu hướng âm nhạc mới của thế giới thông qua phần trình diễn của nhiều nghệ sĩ tài năng trong nước, quốc tế. Hay như Festival Âm nhạc mới Âu - Á (diễn ra từ ngày 8 đến 12-10-2014), do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai, đã thu hút sự tham gia của gần 200 nhạc sĩ của 30 quốc gia. Vừa qua, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) và Tập đoàn truyền thông CJ E&M (Hàn Quốc) đã ký dự án hợp tác sản xuất bộ phim truyền hình dài tập "Tuổi thanh xuân". Bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng, kịch bản thú vị, ê kíp sản xuất chuyên nghiệp cùng sự tham gia của dàn diễn viên tên tuổi của hai nước, hứa hẹn thu hút khán giả. Song song với việc hợp tác, một số đơn vị nghệ thuật đã đưa nghệ sĩ, diễn viên ra nước ngoài học tập. Theo Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận, hình thức đào tạo này đã giúp đội ngũ nghệ sĩ trưởng thành hơn. "Sau chuyến du học Nhật Bản của một số diễn viên, Nhà hát Tuổi trẻ bước đầu áp dụng một số hình thức thể hiện mới trong các vở chính kịch. Đó là cách mà thế giới thường làm", ông Trương Nhuận khẳng định.
Mới đây, có thêm một tín hiệu vui nữa về tiến trình quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, đó là việc 4 nhà thiết kế của Việt Nam (Minh Hạnh, Công Khanh, Quang Nhật, Lan Hương) đã chinh phục công chúng Italia - một trong những quốc gia có nền công nghiệp thời trang phát triển bậc nhất thế giới - thông qua các mẫu thiết kế được chọn cho buổi biểu diễn tại bảo tàng nổi tiếng Museo Di Roma. Đó là tiền đề cho việc thành lập "Hội đồng Thời trang Italia - Việt Nam", mở ra cơ hội để ngành công nghiệp thời trang Việt Nam tiến ra thế giới.
Xây dựng và phát triển CNVH là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Với những kết quả bước đầu đã được khẳng định, hy vọng các tổ chức, cá nhân cũng như ngành văn hóa sẽ có những cách làm mới, hướng đi mới để ngành CNVH ở Việt Nam định hình rõ nét hơn, góp phần phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.