Nhà sản xuất phải có ý thức!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:48, 15/10/2014

(HNM) - Từ hội nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và tiếp theo là Hà Nội mở hội nghị về việc thực hiện cuộc vận động này có nhiều thông tin đáng chú ý.

Theo các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương và doanh nghiệp đã 2.000 lần đưa hàng về nông thôn, mở 1.785 cuộc triển lãm và 3.000 hội chợ với gần 86.000 doanh nghiệp tham gia, thu hút 3 triệu lượt người xem và mua hàng. Có thể nói hiếm có cuộc vận động nào được thực hiện nghiêm túc, bền bỉ, có hiệu quả như cuộc vận động này. Chính nhờ sự tích cực và bền bỉ ấy, đến nay qua thăm dò, đã có 92% số người được hỏi quan tâm đến hàng Việt; 92% hàng trong siêu thị, 80% hàng trong các chợ và trung tâm thương mại là hàng Việt. Nhiều hàng Việt Nam như mì ăn liền, quần áo may sẵn, giày da, thuốc, quạt điện, ổn áp, đồ dùng gia đình đã chiếm lĩnh thị trường trong nước. Danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao" ngày càng khẳng định uy tín trên thị trường.

Thị trường Hà Nội trước đây chủ yếu là nơi tiêu thụ và phân phối hàng ngoại. Gần đây, một số mặt hàng Việt Nam như cà phê, nước giải khát, quần áo may sẵn, giày da, giày vải… đã cơ bản chiếm lĩnh thị trường. Một số mặt hàng khác như đồ điện tử, thuốc bệnh, hoa quả, thực phẩm chế biến đang trong quá trình cạnh tranh quyết liệt để tự khẳng định. Tới các nơi buôn bán của Hà Nội, ngay cả các khu phố đồ chơi trẻ em cũng dễ nhận thấy hàng Việt đang khởi sắc và tạo được thiện cảm với người dân Thủ đô.

Như vậy là người tiêu dùng Việt Nam rất có ý thức giữa hai sản phẩm cùng loại, chất lượng như nhau nhiều người chọn hàng Việt. Người tiêu dùng Việt Nam, nhất là người tiêu dùng Hà Nội cũng luôn thể hiện ý thức bảo vệ và sự ưu ái đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc vận động này không nhằm bắt buộc người tiêu dùng phải sử dụng hàng Việt, bất chấp giá cả, chất lượng. Cuộc vận động cũng không nhằm hạn chế việc buôn bán, dù là hàng nội hay hàng ngoại, miễn rằng việc buôn bán đó không vi phạm pháp luật, không thiệt hại tới người tiêu dùng. Vì lẽ đó, khi hàng Việt có được sự tin cậy của người tiêu dùng, cũng là lúc các nhà sản xuất, các doanh nghiệp cần nêu cao chữ tín, không làm tổn thương đến lòng tin của họ.

Chúng ta chống hàng lậu, điều đó đúng! Nhưng mấy người trong chúng ta đã tự hỏi: Vì sao ra sức chống nhưng hàng lậu vào ta nhiều như vậy? Vì theo quy luật thị trường, hàng rẻ hơn, tốt hơn sẽ tràn về những nơi có nhu cầu. Vì sao hàng Trung Quốc, chẳng hạn như xe máy, điện thoại, quần áo, đồ chơi trẻ em có thể nói hầu hết các hàng hóa luôn rẻ hơn, mẫu mã bắt mắt hơn hàng Việt? Có thể trả lời vì các nhà sản xuất và doanh nghiệp Trung Quốc luôn cải tiến công nghệ, tiết kiệm chi phí hướng tới hạ giá thành, còn chúng ta thì chưa thật quan tâm đến vấn đề này. Thiết bị chúng ta nhập về phần lớn đã lạc hậu về công nghệ. Lao động chúng ta rẻ nhưng việc khai thác và nâng cao chất lượng chưa tốt, năng suất lao động của người Việt Nam thấp hơn hàng chục lần so với thế giới. Đã thế, nhiều nhà sản xuất và doanh nghiệp nước ta vẫn làm ăn theo kiểu "khôn sống mống chết". Có thể nêu ra những thí dụ ngay ở các siêu thị, hiện nay không ít đồ ăn chín được chế biến từ nguyên liệu ôi thiu; không ít rau sạch là rau bẩn; không ít hàng hóa tiêu dùng được đánh tráo nhãn mác, phẩm cấp… Đây thực sự là những vấn đề rất đáng quan ngại.

Người tiêu dùng có ý thức tốt đã là rất tốt nhưng nếu người sản xuất và các doanh nghiệp thương mại có ý thức tốt nữa thì cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" sẽ không dừng ở mức này.

Vũ Duy Thông