Bộ Y tế cảnh báo: Bệnh sốt mò xuất hiện quanh năm ở Việt Nam
Sức khỏe - Ngày đăng : 05:54, 14/10/2014
Ngày 13-10, thông tin từ Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế cho biết, bệnh sốt mò xuất hiện ở Việt Nam quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10, đỉnh cao vào tháng sáu - bảy). Bệnh thường tản phát nhưng có thể bùng thành dịch khi có nhiều người chưa miễn dịch đi vào đúng ổ dịch.
Bệnh gặp chủ yếu ở vùng nông thôn rừng núi chiếm tới hơn 80%, hiếm ở thành thị. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng chủ yếu ở lứa tuổi lao động, phân bố theo tính chất nghề nghiệp như lâm nghiệp, nông nghiệp, bộ đội. Theo Cục Y tế dự phòng, thời kỳ ủ bệnh sốt mò trung bình từ 8-12 ngày. Lúc đầu, tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau nên bệnh nhân thường không chú ý. Vào thời kỳ toàn phát, người bệnh có thể sốt cao, liên tục, kéo dài 15-20 ngày thậm chí tới 27 ngày nếu không điều trị; có khi rét run 1-2 ngày đầu kèm theo sốt, nhức đầu nặng, đau mỏi cơ. Bệnh nhân nặng hay gặp các dấu hiệu như tiếng tim mờ, huyết áp thấp, mạch chậm so với nhiệt độ, chảy máu cam, viêm phế quản, viêm phổi không điển hình... Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng tránh bệnh sốt mò người dân tránh ngồi, nằm, phơi quần áo hoặc đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Khi đi phát nương làm rẫy, hành quân dã ngoại, trinh sát trong rừng cần mang giày và tất, chít ống quần; tốt nhất là tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò hoặc sử dụng các kem xua diệt mò. Người dân có thể diệt mò trong môi trường bằng cách phun thuốc diazinon, fenthion vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20cm quanh nhà, nhất là các nơi râm mát...; phát quang bụi rậm xung quanh nhà.