Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than vào năm 2016
Kinh tế - Ngày đăng : 15:29, 13/10/2014
Hiện TKV đã ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để cấp than cho một số dự án như Vĩnh Tân 4 với khối lượng xấp xỉ 5 triệu tấn. Đồng thời, Tập đoàn cũng đàm phán với các chủ đầu tư để cung cấp than nhập khẩu cho một số dự án khác, đàm phán với nhà cung cấp than tại một số nước để tìm kiếm nguồn than nhập khẩu về Việt Nam.
Lãnh đạo TKV cũng cho biết, về lâu dài, nhu cầu than sẽ tăng cao, nhất là sau năm 2018. Vì thế, ngoài ký hợp đồng qua các nhà cung cấp than, Tập đoàn đã làm việc với các nước có nguồn tài nguyên khoáng sản để hợp tác, khai thác, chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo cho nhà máy điện sau này.
Mặt khác, lãnh đạo TKV cho biết: Với việc thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, TKV đã thu về 1.600 tỷ đồng. Nguồn tiền này bao gồm phần bán toàn bộ vốn tại Công ty Tài chính TKV, Ngân hàng SHB và một số công ty bảo hiểm, chứng khoán. Dự kiến, việc thoái hết vốn tại các công ty bất động sản, hạ tầng, từ nay đến hết năm 2015, Tập đoàn sẽ tiếp tục thu về trên 200 tỷ đồng.
Tập đoàn đã hoàn tất giảm tỷ lệ sở hữu của công ty mẹ tại Công ty cổ phần Than miền Nam từ 77,1% xuống còn 34%; hoàn thành phương án rút vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Than miền Trung. Tuy nhiên, thực tế việc giảm tỷ lệ cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp than không mấy thuận lợi. Điển hình, trong thời qua, dù đã 3 lần rao bán cổ phần tại Than Uông Bí, song các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm, trong khi TKV đã lần lượt công bố thoái đến 30% cổ phần thay vì 10% như lần đầu phát hành ra công chúng.