Ô nhiễm do kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:08, 13/10/2014
Do không có biện pháp bảo vệ môi trường, toàn bộ nước thải sau khi giết mổ đều xả ra môi trường, gia cầm sống sau khi nhập về được quây nhốt ngay sát nhà ở... đã và đang gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao.
Hầu hết hộ dân làng Kỳ Úc kinh doanh gia cầm sống tại gia đình. |
Đúng như phản ánh của bạn đọc, ngay từ cổng làng Kỳ Úc (thuộc cụm 6, thị trấn Phúc Thọ) có nhiều hộ kinh doanh gia cầm sống ngay tại gia đình. Có mặt tại khu vực chuồng quây nhốt gà, vịt, ngan của một số hộ dân trong làng, chúng tôi nhận thấy môi trường bị ô nhiễm nặng. Bụi, lông gà, vịt phát sinh trong quá trình kinh doanh; mùi hôi thối của phân gia cầm bốc lên rất khó chịu; tiếng gà, vịt kêu ồn ã. Tìm hiểu được biết, thị trấn Phúc Thọ có 4 làng với 8 cụm dân cư, trong đó chỉ có làng Kỳ Úc (gồm cụm 6, cụm 7) với khoảng 90% số hộ tương đương gần 600 hộ có nghề phụ kinh doanh và giết mổ gia súc, gia cầm. Chủ yếu các hộ giết mổ dưới 10 con gia cầm/ngày, chỉ có 2 hộ giết mổ gia súc và hơn 20 hộ kinh doanh gia cầm sống (quy mô 3 tạ đến 1 tấn/ngày) hoặc giết mổ gia cầm quy mô vài chục con/ngày. Nhờ có nghề phụ phát triển mà đời sống của người dân trong làng được nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Văn Đông (cụm 6), hành nghề kinh doanh gia cầm sống được 10 năm nay cho biết: Mỗi ngày, gia đình ông nhập khoảng 1 tấn gà công nghiệp để bán buôn cho tiểu thương quanh khu vực. Mặc dù hàng bán hết trong ngày, nhưng quá trình nhập, xuất hàng diễn ra ngay tại nhà nên không tránh khỏi ô nhiễm. Hằng ngày, lượng nước thải từ rửa xe vận chuyển gà, lồng chứa gà... đều được xả trực tiếp ra hệ thống kênh tiêu nước của làng. "Biết là kinh doanh gia cầm tại nhà gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thế nhưng đến nay huyện Phúc Thọ và thị trấn Phúc Thọ chưa quy hoạch được điểm kinh doanh, giết mổ tập trung nên chúng tôi đành phải chấp nhận kinh doanh tại nhà" - ông Đông nói. Cùng cảnh ngộ, ông Đinh Văn Khánh (cụm 6) cho biết: Do không có mặt bằng nên từ khi vào nghề (năm 2010) đến nay, gia đình ông phải dành 200m2 đất thổ cư cạnh ngôi nhà đang ở để quây lưới nhốt gia cầm. Bình quân mỗi ngày gia đình ông nhập, xuất 5-7 tạ vịt. Vì kinh doanh gia cầm ngay tại nhà nên cuộc sống của gia đình ông bị ảnh hưởng bởi môi trường sống không được bảo đảm.
Trao đổi với phóng viên Đường dây nóng về những nội dung bạn đọc phản ánh liên quan đến nghề kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm ở làng Kỳ Úc, ông Nguyễn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phúc Thọ thừa nhận: UBND thị trấn đã tích cực vận động các hộ dân chuyển kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm ra xa khu dân cư nhưng do khó khăn về quỹ đất nên đến nay mới chỉ có một hộ thực hiện được; các hộ còn lại vẫn giết mổ, kinh doanh gia cầm sống tại gia đình. UBND thị trấn đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các hộ dân kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm; thường xuyên chỉ đạo hai cụm dân cư tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, tăng cường phun thuốc vệ sinh tiêu độc phòng, chống dịch bệnh... Tuy nhiên, đến nay môi trường vẫn bị ô nhiễm. Thị trấn đã đề nghị huyện Phúc Thọ xây dựng điểm kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Trước thực trạng trên, nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng Kỳ Úc, đồng thời giúp người dân duy trì và phát triển nghề, đề nghị huyện Phúc Thọ sớm quy hoạch, xây dựng khu kinh doanh, giết mổ tập trung.