Doanh nhân, doanh nghiệp Thủ đô: Một chặng đường phát triển
Doanh nhân - Ngày đăng : 06:20, 13/10/2014
Trong thời kỳ miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc (1954-1975), số lượng các doanh nghiệp vẫn còn ít, hầu hết là các doanh nghiệp nhà nước với nhiệm vụ chính: Sản xuất phục vụ cho chiến trường miền Nam và cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhân dân miền Bắc. Những đóng góp của doanh nghiệp trong thời kỳ này đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Từ năm 1975-1986, khi đất nước thống nhất, các doanh nghiệp bước sang đảm đương vai trò mới trong công cuộc khôi phục, tái thiết và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Năm 1986, khi thực hiện chính sách "Đổi mới" của Đảng, vai trò của doanh nghiệp đã được nâng cao, lúc này các doanh nghiệp tư nhân được Nhà nước cho phép thành lập cùng tham gia sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào công cuộc phát triển chung của thành phố và đất nước.
Lắp ráp ti vi tại Công ty LG Electronic Vietnam. Ảnh: Trần Hải |
Sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 1999 và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) năm 2005, số lượng doanh nghiệp đăng ký ngày càng tăng, tính đến nay thành phố có hơn 17 vạn doanh nghiệp đăng ký thành lập, hoạt động thu hút hàng chục vạn lao động.
Trong những năm qua, cùng với các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, góp vốn, các doanh nghiệp dân doanh đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thành phố. Hàng năm, các doanh nghiệp Thủ đô đóng góp trung bình 60% tổng thu ngân sách thành phố, năm sau cao hơn năm trước. Tham gia, huy động nhiều nguồn lực (tài lực, trí lực, nhân lực) để đầu tư- phát triển, xây dựng Thủ đô, các doanh nhân Thủ đô đã thể hiện sự sáng tạo, năng động, bản lĩnh trên thương trường và dần khẳng định mình không chỉ tại thị trường trong nước mà còn tại các thị trường quốc tế. Nhiều sản phẩm, lĩnh vực đầu tư trước đây đều do doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận, nhưng đến nay các doanh nghiệp dân doanh dần chiếm lĩnh, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, từ lĩnh vực tài chính - ngân hàng; bất động sản đến các hoạt động chế tạo, sản xuất công nghiệp.
Trong những năm gần đây, cuộc khủng hoảng kinh tế tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản. Thách thức này đòi hỏi các doanh nghiệp dần phải cơ cấu lại mô hình hoạt động sao cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời vẫn phải bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội vượt qua khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn. Bên cạnh Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, những năm gần đây, thành phố luôn dành khoản ngân sách không nhỏ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông qua các chương trình: Hỗ trợ lãi suất vốn vay (năm 2013 có 10 đơn vị được thụ hưởng với số tiền là 9.083 triệu đồng); hỗ trợ lãi suất sau đầu tư (có 13 đơn vị thụ hưởng với số tiền là 19.886 triệu đồng); hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ thương hiệu; chương trình khuyến công; bình ổn giá; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam... Những hỗ trợ của thành phố phần nào giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Các doanh nhân - người điều hành các doanh nghiệp chính là những người lính thời bình, luôn đi tiên phong trong mọi lĩnh vực, đương đầu chèo chống trước những khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, thời hạn phải thực hiện các cam kết gia nhập thị trường thế giới cũng như khu vực đang đến gần, đòi hỏi hơn bao giờ hết sự nỗ lực quyết tâm của các doanh nhân, doanh nghiệp. Đứng trước thời cơ, thách thức mới, để cùng hòa vào biển lớn, đòi hỏi các doanh nhân, doanh nghiệp phải đổi mới mạnh mẽ để thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh chung của khu vực và thế giới. Doanh nghiệp cần chủ động tái cơ cấu trên các lĩnh vực: Vốn, thị trường, lao động... nâng cao năng lực quản trị điều hành, đổi mới công nghệ và rà soát quá trình sản xuất nhằm giảm chi phí và giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng, giá cả, dịch vụ, mẫu mã, tích cực tìm kiếm thị trường, gắn kết giữa các doanh nghiệp để tạo sức mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong không khí lịch sử kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, thành phố trân trọng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp vào sự nghiệp phát triển của Thủ đô trong thời gian qua, những đóng góp hết sức ý nghĩa, thiết thực, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống của người lao động và đóng góp nguồn ngân sách cho đầu tư - phát triển thành phố như ngày nay. Chính quyền thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới.
Nhân dịp này, xin gửi lời chúc sức khỏe, thành công tới cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Thủ đô tiếp tục vượt khó, vươn lên góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng, phát triển doanh nghiệp và Thủ đô.