Lấy dân làm gốc
Chính trị - Ngày đăng : 06:09, 13/10/2014
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thấu hiểu sâu sắc sức mạnh của nhân dân. Ngay từ những năm đầu tìm đường cứu nước, Người đã tiên đoán, nhân dân sẽ được thức tỉnh để hình thành "một lực lượng khổng lồ". Trong Di chúc, Người gọi nhân dân là "lực lượng vĩ đại". Người khẳng định, ý chí của nhân dân còn mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân", và "lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó".
PGS, TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: "Với Hồ Chí Minh, nhân dân chính là một trong những động lực chủ yếu, là lực lượng có sức mạnh vô địch và là lực lượng quyết định sự thành bại của cách mạng trong cả giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và giai đoạn xây dựng xã hội mới văn minh, tốt đẹp". Theo PGS, TS Nguyễn Tất Giáp: "Với Hồ Chí Minh, dựa vào dân, coi dân là gốc và lấy dân làm gốc hoàn toàn không phải là một khẩu hiệu, một "nghệ thuật" chính trị, mà đó là một chiến lược cách mạng xuyên suốt trong các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử. Người cũng không coi dân là phương tiện, công cụ để phục vụ riêng lợi ích của Đảng và Nhà nước, mà xem đây chính là động lực vĩ đại và vĩ đại nhất của cách mạng, là mục đích cao nhất của Đảng và Nhà nước. "Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân chính là có ý nghĩa như vậy".
Không chỉ thấu hiểu sức mạnh nhân dân, vận dụng sức mạnh đó để lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi, mà suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương mẫu mực về ứng xử của người cán bộ, đảng viên đối với nhân dân. Trong mỗi cử chỉ, lời nói, lúc nào Người cũng trân trọng, thân thiết với nhân dân. Cho đến trước khi ra đi về cõi vĩnh hằng, trong Di chúc, Người vẫn khẳng định, điều phải hối tiếc duy nhất là không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng và phục vụ nhân dân lâu hơn, nhiều hơn nữa. Người được nhân dân tin yêu, gọi là "vị cha già dân tộc" cũng vì như vậy.
2. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 45 năm qua, Đảng, Nhà nước đã hiện thực hóa tư tưởng trọng dân, thân dân của Người bằng cả lý luận và thực tiễn. Văn kiện Đại hội Đảng nhiều nhiệm kỳ qua đều nhấn mạnh yêu cầu: "Ðảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Ðảng". Hiến pháp năm 2013, ngay trong Điều 2 quy định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân". Tiếp theo, Điều 3 quy định: "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện".
Năm 2011, trong Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển), Đảng đã chỉ rõ một trong những bài học kinh nghiệm lớn là: "… sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng".
Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước luôn coi con người là trung tâm của chiến lược phát triển; đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Những năm qua, trong bối cảnh khó khăn về kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước vẫn ưu tiên thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục là những thành quả không chỉ làm thay đổi cuộc sống hàng triệu người dân Việt Nam mà còn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
3. Nói đến tư tưởng trọng dân, thân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không đề cập đến mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước với nhân dân. Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã triển khai chương trình xây dựng pháp luật, cải cách hành chính bài bản, quyết liệt. Hàng nghìn thủ tục rườm rà, không cần thiết được cắt bỏ.
Thói quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch với dân trong thực thi công vụ đã được khắc phục đáng kể bằng những biện pháp, chế tài mạnh. Hệ thống tiếp công dân từ trung ương đến địa phương được củng cố, tăng cường. Chủ tịch UBND các cấp định kỳ tiếp công dân hằng tháng, tiếp thu ý kiến của dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho dân sẽ phải bồi thường cho dân...
Tuy nhiên, hằng ngày vẫn xảy ra không ít vụ việc đáng tiếc về cách ứng xử thiếu chuẩn mực, thậm chí vô cảm, hách dịch với dân của một số cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước. Đó là biểu hiện thoái hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã được Đảng chỉ rõ trong Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI); là vấn đề cấp bách đang đặt ra; là việc trước mắt, cũng là việc lâu dài cần tập trung khắc phục. Thực hiện tư tưởng trọng dân, thân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết thực nhất là đẩy lùi biểu hiện thoái hóa đó.