Cơ hội và sự lan tỏa
Kinh tế - Ngày đăng : 06:25, 12/10/2014
Sự chuyển mình từ IHI
Cái tên Tập đoàn IHI hoàn toàn không xa lạ đối với giới đầu tư Việt Nam. Là nhà tiên phong trong ngành công nghiệp nặng của Nhật Bản, IHI đến nay đã có hơn 160 năm phát triển và là tập đoàn toàn cầu về kỹ thuật, xây dựng và sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp then chốt: Tài nguyên, năng lượng và môi trường; cơ sở hạ tầng xã hội và phương tiện vận tải biển; hệ thống công nghiệp và máy móc đa năng; động cơ máy bay, không gian và quốc phòng. IHI cũng là nhà thầu tin cậy trong các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, mang đến những công nghệ và kỹ thuật ưu việt trong xây dựng các nhà máy thủy điện, cảng biển và cầu đường. Dự án xây dựng cầu Nhật Tân tại Hà Nội là một trong những dự án xây dựng hạ tầng điển hình mà Tập đoàn IHI làm nhà thầu. Trước đó, tập đoàn này cũng từng là nhà thầu chính của dự án xây dựng cầu Bính (nguồn vốn ODA của Nhật Bản), dự án cải tạo hệ thống đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, dự án hệ thống bơm nước cho các trạm cứu hỏa phòng cháy chữa cháy Việt Nam.
Mới đây, Tập đoàn IHI cùng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư mở diễn đàn đặc biệt về hiện đại hóa cho giai đoạn phát triển kế tiếp của Việt Nam. Đây cũng là dịp IHI công bố chính thức là Tập đoàn Nhật Bản tiên phong trong chiến lược mở rộng kinh doanh mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Nhà máy của Công ty TNHH IHI Infrastructure Asia tại Khu công nghiệp Đình Vũ - Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 50 triệu đô la Mỹ sắp đi vào hoạt động trong năm 2015 là một minh chứng điển hình cho bước phát triển đột phá này. Bằng việc đầu tư một dây chuyền sản xuất kết cấu thép tiêu chuẩn quốc tế với công suất lớn, lãnh đạo của IHI khẳng định, sẽ chủ động nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các dự án của IHI trong tương lai thay vì phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, lãnh đạo của IHI cũng khẳng định, tập đoàn sẽ thể hiện sự đa dạng, chuyên nghiệp trong các giải pháp công nghiệp cùng với năng lực tư vấn và cung cấp sản phẩm và dịch vụ toàn diện, trọn gói ở tầm quốc gia trên mọi lĩnh vực: Công nghệ mỏ, xây dựng các nhà máy điện, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, duy tu động cơ máy bay, cho đến việc đưa vệ tinh Việt Nam vào không gian để dự báo, phòng tránh và đối phó với các thảm họa thiên nhiên. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch & Đầu tư, việc Tập đoàn IHI lựa chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư đã khẳng định sự hấp dẫn thu hút đầu tư của Việt Nam.
Chớp cơ hội để phát triển nhân lực
Mục tiêu đặt ra là tới năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, hướng tới những mục tiêu tăng tỷ trọng GDP giữa công nghiệp dịch vụ và nông nghiệp hợp lý. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, một nước dù có tài nguyên thiên nhiên phong phú, máy móc kỹ thuật hiện đại nhưng thiếu nhân lực có trình độ thì khó có khả năng phát triển như mong muốn. Chính vì vậy, Việt Nam cần chớp cơ hội phát triển nguồn nhân lực giỏi khi hợp tác với các tập đoàn lớn của Nhật Bản.
Cùng quan điểm này, ông Đỗ Nhất Hoàng, cho rằng, Nhật Bản là nước có công nghệ rất phát triển, đã giúp Việt Nam cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục… Sắp tới, cầu Nhật Tân khánh thành cũng sẽ là một trong những công trình tiêu biểu cho sự hợp tác của Nhật Bản và Việt Nam. Sau khi hoàn thành công trình này, trình độ của đội ngũ kỹ sư, công nhân, lao động Việt Nam đã có cơ hội nâng cao hơn. Theo ông Tamotsu Saito, Chủ tịch Tập đoàn IHI, trong quá trình thực hiện các dự án tại Việt Nam, Tập đoàn IHI đã đào tạo nâng cao tay nghề cho hàng nghìn lao động và hơn 500 thực tập sinh từ các trường kỹ thuật cao tại Việt Nam. Để giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Tập đoàn IHI cho biết sẽ tiếp nhận khoảng 400 thực tập sinh để đào tạo, tập huấn tại các nhà máy ở Nhật Bản. Hiện nay, IHI cũng đang nhận vào làm và đào tạo thêm khoảng 200 kỹ sư Việt Nam tại các nhà máy tại Hải Dương, Hải Phòng…
Tạo sức lan tỏa
Theo các chuyên gia kinh tế, để trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn hơn, chúng ta cần không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ. Trong Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ - dự kiến sẽ trình Chính phủ và ban hành cuối năm 2014, sẽ tập trung vào các biện pháp nhằm hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất,… nhằm khắc phục các điểm yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Nghị định cũng bổ sung một số ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định về đầu tư xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia cung cấp linh kiện và vật liệu toàn cầu đầu tư vào Việt Nam. Mục tiêu của Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp hỗ trợ là đến năm 2020 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cơ bản đáp ứng 45% nhu cầu trong nước và nâng lên 60% vào năm 2025.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 9-2014, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 2.410 dự án và 36,3 tỷ USD vốn đầu tư. Chắc chắn, sự việc hỗ trợ các DN Nhật Bản thành công trong đầu tư và mở rộng dự án có quy mô lớn sẽ tạo tiếng vang tốt, sức lan tỏa mạnh mẽ về một Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. |