Nghe tiếng rao đêm lại nhớ một thuở Hà Nội

Văn hóa - Ngày đăng : 07:43, 11/10/2014

(HNM) - Mấy hôm trước tôi đi xem vở kịch kể về thời Hà Nội trước năm 1954. Ngay màn giáo đầu để dựng lại không khí phố phường một thời, những người làm vở diễn này đã tạo ra cảnh các tiếng rao hàng đêm. Quả tình tôi thấy gai gai bởi một hạt sạn nhỏ khi cô diễn viên cất tiếng lảnh lót:

Tiếng rao trong đêm đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội.


Quê gốc tôi ở làng Chèm, nhưng vào những năm 1953, 1954 - khi tôi 5, 6 tuổi nhà tôi ở giữa phố Duy Tân (tức Hàng Bài ngày nay). 60 năm trôi qua vẫn không thể xóa đi những gì tôi nhớ về Hà Nội thuở ấy. Vào những năm trước 45, bà ngoại tôi vốn là chủ một cửa hàng bán mắm muối của cả khu vực Chèm và vùng lân cận. Sau một thời tao loạn, 10 gian nhà ngói của bà tôi nằm bên Bến Ngự bị đốt sạch. Bà tôi quy tiên. Phải chăng đây chính là nguyên cớ mẹ đưa tôi ra phố Duy Tân, sinh nhai bằng việc buôn sỉ thuốc lào và chè mạn. Nhiều tối mẹ tôi cho tôi theo mẹ đi giao hàng. Những con đường xuôi về nhà thương Cống Vọng (Bệnh viện Bạch Mai bây giờ) mới 7 - 8h tối đã vắng teo, hun hút. Lác đác dưới ánh đèn đường đỏ đọc là những chiếc xích lô bò chậm chạp trên đó là hình dáng uể oải, mệt mỏi của bác phu xe, những chiếc xe đạp vội vã của "phú lít" (cảnh sát) đi tuần đêm. Chỉ cần đi đến cuối phố Bà Triệu chạm đến hồ Thiền Quang đã thấy một sự hoang u đến rợn người. Ban ngày, thảng hoặc tôi còn theo mấy anh học trò lớp nhất, lớp nhị (lớp ba, lớp bốn ngày nay) xuống mạn này bắt cà cuống hay tuốt trứng của chúng bám vào nhánh cỏ lác ven hồ, nhưng khi bóng đêm ập xuống thì khu vực này âm u, bí hiểm và rùng rợn đến ngay người lớn cũng không dám lai vãng. Dọc hè phố, những pa nô to hình chữ nhật vẽ lính viễn chinh Pháp đầu đội mũ sắt, mặt đầy sát khí, hai tay cầm ngang khẩu súng có gắn lưỡi lê treo trên cột điện, nay dựng ở góc phố. Thỉnh thoảng buổi tối mẹ tôi cho tôi đi xem tuồng ở rạp Quảng Lạc, cũng thấy cái pa nô vẽ người lính viễn chinh chĩa lưỡi lê. Sau này tôi mới hiểu dạo đó ta đang mở chiến dịch Điện Biên Phủ, nên người Pháp phải dựng pa nô để kích tinh thần lính Pháp đang rã đám.

2. Mỗi khi nhớ về Hà Nội những năm tháng đó tôi chỉ nhớ đến những thú vui và những món quà Hà Nội một thời. Nhà tôi cách phố Tràng Tiền, Tràng Thi và Bờ Hồ chỉ vài ba trăm mét. Trước nhà tôi lại có đường ray xe điện leng keng chạy qua. Mỗi khi mẹ đi vắng là tôi lại lọ mọ đi ngược lên phía Bờ Hồ. Lên Bờ Hồ, nơi tôi tha thẩn đầu tiên bao giờ cũng là quầy bán hoa tươi nằm bên phía bờ hồ ngay hè ngã tư Tràng Tiền - Tràng Thi. Những cô gái tân thời, những bà mệnh phụ xách làn, ngồi xích lô hình như bao giờ cũng bắt đầu một ngày mới bằng việc ghé vào chọn mua những bó hoa long lanh sương từ tay những cô bán hoa luôn luôn mặc áo tứ thân the nâu, thắt đôi vạt trước bụng. Ngắm hoa một lúc tôi mới vòng ra bờ hồ phía sau quầy hoa tươi. Ở đó không biết bao nhiêu thứ hấp dẫn đang chờ đón một đứa trẻ như tôi. Những chiếc xe đẩy bán nước giải khát lưu động ven hồ, nước cam, nước bạc hà thứ nào cũng chỉ một xu một cốc mà mát lịm, ngọt thỉu. Rồi đến bác bán kẹo kéo, một vai đeo cái hộp gỗ gấp, vai bên kia đeo giá đỡ, tay rung chuông lanh lảnh để hòa nhịp với tiếng rao: "Kẹo kéo, kéo kéo đ..ơ..i. Mua một xu quay xung quanh sẽ được một, được hai, được ba.. khúc kẹo ơ.. ơ". Khi thấy đám trẻ ùa đến, bác liền hạ giá xuống, đặt chiếc hộp gỗ lên mở ra. Lập tức một chiếc bàn hiện, trên đó có một cái trục gắn mũi tên quay trên hình tròn đánh số từ 1 đến 10. Cạnh đó là cục kẹo tròn, dài trắng phau được bọc nửa kín nửa hở bằng mảnh khăn trắng bong như màu kẹo. Cho đến bây giờ tôi vẫn thích thú vị kẹo kéo ngọt thanh bởi đường và nha hòa cùng vị bùi ròn tan của nhân lạc. Không chỉ mê vị kẹo mà hầu như đứa trẻ nào cũng bị hấp dẫn, hau háu nhìn theo đôi bàn tay khéo léo của người bán kẹo kéo thanh kẹo dài ra, rồi đột ngột bác chém tay. Một tiếng "cách" vang lên khe khẽ, gọn gàng. Một khúc kẹo rời ra đúng ý bác. Liền với mấy quầy giải khát là mấy ông bà bán kem thùng. Bà Vi lác bán kem que lấy từ bên Thủy Tạ, bà Lý thọt lại lấy kem ở Tràng Tiền, nhưng riêng tôi rất thích những cái kem gói của ông Năm rỗ. Chao ôi, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được mùi thơm, độ cứng và sự dẻo của cái kem vuông... Nhưng tất cả những món quà có sức hút đến đâu vẫn không thể làm bọn trẻ chúng tôi quên được thú chơi cực kỳ quyến rũ, đó là trò xi nê nhòm. Có lẽ ông xi nê nhòm mỗi hôm đi một phố thì phải, hôm nay ở góc đường Tràng Thi, mai lại sang ngã tư Thủy Tạ, rồi lên vườn hoa Chi Linh… Đó là một cái thùng dài phủ vải đen kín mít, có 3 lỗ nhỏ, một dành cho ông chủ, còn hai lỗ kia dành cho bọn trẻ bỏ tiền ngó vào. Chiếc hòm nhìn bề ngoài thật đơn giản nhưng khi đưa cho ông xi nê một chinh ghé mắt vào thì chao ôi, cả một thế giới sống động hiện ra trên cái màn hình nhỏ chỉ bằng hai bàn tay chập lại. Sự sống động càng tăng lên cùng tiếng thuyết minh khàn khàn của ông xi nê "Tắc Giăng đang đuổi cá sấu. Cá sấu giờ tức mình quay lại đuổi Tắc Giăng. Chạy nhanh. Chạy nhanh. Quá giỏi. Thế là không đớp được chân Tắc Giăng rồi". Tôi đang hồi hộp theo dõi thì ông xi nê đẩy vai tôi ra: Thằng này hết giờ rồi. Thằng kia vào đi. Tôi tiếc rẻ dời cái hòm thì ông xi nê đã nói “Tắc Giăng Giăng bắt được cá sấu rồi. Bắt được rồi"...

3. Đêm mùa đông. Mới gần chín giờ tối mà đường phố vắng teo. Nằm trong nhà trùm chăn ngồi chép chính tả nhưng tai tôi luôn luôn nghe thấy những tiếng động ngoài phố dội vào. Đó là tiếng chuông leng keng của chuyến tàu điện cuối từ Mơ đang chạy lên vội vã. Sau đó là sự im lặng mông lung, tiếng gió len lén dạo trên những mái nhà. Rồi đột ngột tiếng sực tắc lách cách vẳng lên từ xa đến gần. Tiếng gõ ròn vang đến ngang nhà tôi rồi cứ thế xa dần, nhỏ dần cho đến khi tan biến vào khoảng không. Ngay cả bây giờ, đã gần trọn một đời người tôi cũng chưa thể quên tiếng rao sực tắc ròn rã nhưng đầy cô đơn, như thân phận của một đời người luôn ám ảnh và trở đi trở lại trong tôi. … Tiếng sực tắc tan dần đến vắng lặng một lúc để rồi thay vào đó là những tiếng rao "Ai bánh tây ba tê đây", "Ai bánh khúc, xôi lạch đ.. ơ…i", "Dầu cháo quẩy nóng... Dầu cháo quẩy nóng", "Phá xa, húng lìu nóng ròn đây"… Những tiếng rao đêm tưởng chừng không dứt, tiếng nọ nối vào tiếng kia nghe khắc khoải giữa đêm đông Hà Nội.

Ôi, những tiếng rao một thời nằm lịm trong nỗi nhớ Hà Nội một thuở của tôi.

Quỳnh Mai 4-10-2014

Nguyễn Hiếu