Duy tu, sửa chữa “Con đường gốm sứ”: Cần giải pháp triệt để!
Đời sống - Ngày đăng : 07:10, 11/10/2014
Ảnh: VNN.VN |
Nhiều đoạn bị bong tróc, nứt toác
Sau gần 4 năm, bức tranh gốm sứ tái hiện dòng chảy của lịch sử Việt Nam với nhiều hoa văn đặc trưng, tiêu biểu… đã và đang xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, xuống cấp, các mảnh gốm bị bong tróc nham nhở, những vết nứt kéo dài. Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng hư hỏng, rạn nứt xuất hiện hầu như khắp "Con đường gốm sứ". Cụ thể, đoạn đối diện Bảo tàng Lịch sử, trước số nhà 879 đường Hồng Hà, Trường Đào tạo cán bộ BIDV, trước số nhà 115 Hồng Hà, đối diện Vietcombank Trần Nhật Duật... là những nơi xuất hiện những vết nứt nhỏ kéo dài, có nơi bị rơi rụng một số mảnh tranh gốm. Sự xuống cấp trở nên trầm trọng hơn ở khu vực từ chợ Long Biên đến cửa khẩu Tân Ấp. Những vết nứt ở đây lớn hơn và chắn ngang bức tranh. Không chỉ vậy, các mảnh gốm bị bong tróc, rơi rụng cũng nhiều hơn, tạo thành từng mảng lớn. Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm riêng ở quận bị bong tróc khoảng 30m2. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra tổng thể, xác định: Hiện tại "Con đường gốm sứ" có nhiều vị trí các mảnh gốm bị bong bật, một số đoạn tường gốm bị nứt kết cấu, nứt tách giữa tường gạch và kè bê tông. Có những đoạn bị nứt cả theo chiều ngang và chiều dọc bức tranh, đoạn nứt tách nhìn thấy được dài khoảng 220m, đoạn có thể đã nứt bên trong lớp gốm sứ dài khoảng 1.530m. Tổng diện tích bị bong gạch là trên 30m2. Hiện, nhiều đoạn tường vẫn tiếp tục có dấu hiệu bong tróc mới. Cần phải khẳng định rằng, việc bong tróc, nứt tách xảy ra trên bức tranh gốm sứ này không phải là chuyện gần đây mà đã xảy ra nhiều năm. Cụ thể, chỉ hơn nửa năm sau ngày hoàn thành, từ tháng 5-2011, đã bắt đầu xuất hiện những đoạn tranh tường bị bong tróc. Một công dân phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm) cho biết: Năm nào cũng vậy, thỉnh thoảng lại có một vài công nhân đến sửa chữa, vá víu, đắp lại chỗ gốm bị rơi rụng song sau một thời gian đâu lại hoàn đấy. Tường vẫn cứ nứt, các mảnh gốm vẫn cứ bong. Thậm chí gần đây những vết nứt ngày càng rộng hơn".
Mới chỉ sửa "phần ngọn"
Quá trình tìm hiểu phóng viên được biết, sau giai đoạn hoàn thiện dự án "Con đường gốm sứ", Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội (sau đây xin gọi là Công ty Tân Hà Nội) - Chủ dự án chịu trách nhiệm bảo hành công trình trong 2 năm (hết hạn bảo hành ngày 25-5-2013). Giai đoạn này, công ty đã nhiều lần thực hiện sửa chữa bằng cách gắn lại những đoạn tranh bị bong tróc. Sau đó, công tác sửa chữa, duy tu "Con đường gốm sứ" được BQL Chỉnh trang đô thị Hà Nội (Sở Xây dựng) tiếp nhận. Đơn vị này thực hiện công tác duy tu sửa chữa công trình theo kế hoạch hằng năm. Năm 2013, đã duy tu, phục hồi 35m2 gạch gốm sứ bị hư hỏng với mức kinh phí hơn 93 triệu đồng. Năm 2014, kinh phí cho công tác duy tu được bố trí là khoảng 700 triệu đồng. Tuy nhiên, gần đây tường gốm bị nứt kết cấu, nứt tách; các mảnh gốm bị bong bật xảy ra nhiều hơn, nghiêm trọng hơn, làm mất mỹ quan đô thị, giảm giá trị nghệ thuật… Ngày 5-8-2014, Sở Xây dựng có công văn gửi UBND thành phố nêu rõ: Việc tiến hành sửa chữa, cải tạo ngay công trình là vô cùng cần thiết. Những hư hỏng này vượt quá khối lượng và kinh phí dự toán đặt hàng năm 2014 đối với công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên công trình. Khối lượng dự kiến duy tu sửa chữa là 85m2 gạch Mosaic, 250,79m2 tranh gốm Mosaic; kinh phí khái toán khoảng 3,5 tỷ đồng.
3,5 tỷ đồng cho việc sửa chữa theo như đề xuất của Sở Xây dựng là con số không nhỏ. Nhiều người đặt câu hỏi: Năm nào cũng cấp kinh phí duy tu, thực hiện cải tạo, sửa chữa song tại sao chưa có biện pháp khả thi chấm dứt được hiện trạng trên?
Mới đây, để bảo đảm hiệu quả công tác quản lý, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa của công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đối với công trình “Con đường gốm sứ” ven sông Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Sở Xây dựng bàn giao công tác quản lý, duy trì công trình “Con đường gốm sứ” ven sông Hồng để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý, duy trì theo quy định đối với các công trình văn hóa; hoàn thành việc bàn giao, tiếp nhận quản lý công trình trong tháng 9-2014. UBND TP cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình “Con đường gốm sứ” theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn của công trình văn hóa. Sở Tài chính bố trí kinh phí quản lý, duy trì, sửa chữa công trình. |
Trong quá trình ghi nhận hiện trường, phóng viên Báo Hànộimới đã gặp và trao đổi với nhóm công nhân của Công ty Tân Hà Nội đang thực hiện tu sửa bức tranh gốm (đoạn trước số 115 đường Hồng Hà). Một công nhân (đề nghị không tiết lộ danh tính) cho biết: "Đã 5 năm trôi qua rồi thì việc xuống cấp cũng là điều đương nhiên, nhất là trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Việt Nam như thế này. Mấy hôm trước trời mưa, mấy hôm sau lại nắng to. Tường gốm ngấm nước, gặp nắng to bốc hơi nhiều, gạch bong, tường nứt là đương nhiên. Đấy là chưa kể tuyến đường có mật độ giao thông lớn, buổi tối xe tải trọng lớn chạy qua nhiều tạo các rung lắc lớn, ảnh hưởng đến kết cấu và chất lượng công trình". Theo Giám đốc Công ty Tân Hà Nội, bên cạnh nguyên nhân thời tiết và rung chấn thì công trình "Con đường gốm sứ" bị xuống cấp một phần do kết cấu bức tranh gốm sứ làm sai. Bức tranh được thiết kế trên hai bức tường ghép vào nhau. Phía dưới là tường bê tông chắn đê, ở trên là bức tường bằng gạch được xây dựng bổ sung để ghép tranh. Giữa hai bức tường chỉ gắn kết bằng mạch vữa không có trụ nên việc xảy ra rạn nứt là tất yếu. Về hướng khắc phục lâu dài, Công ty Tân Hà Nội đề xuất phương án sửa chữa: Phải gia cố để tăng tính bền vững (giữa khe tường bê tông dày 30cm) và đoạn xây thêm chỉ dày 20cm (chênh nhau 10cm).
Nguyên nhân xuống cấp do đâu: Do thời tiết, rung chấn hay do kết cấu? Xác định đúng nguyên nhân để từ đó tìm giải pháp "trị đúng bệnh" là điều cần làm hiện nay. Ông Vũ Minh Tuấn - Phó Giám đốc BQL Chỉnh trang đô thị Hà Nội cho biết: Cái khó của BQL ở chỗ khi tiếp nhận công trình hoàn toàn không có hồ sơ hoàn công, gây khó khăn trong việc đánh giá kết cấu. Vì vậy cần tìm đơn vị tư vấn đánh giá tổng thể, xác định nguyên nhân để xây dựng sửa chữa.