Thái Lan - Myanmar: Nỗ lực gắn kết

Thế giới - Ngày đăng : 06:58, 11/10/2014

(HNM) - Myanmar đã trở thành điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha kể từ khi nhậm chức hồi tháng trước. Với chuyến thăm tới thủ đô Nay Pyi Taw trong hai ngày (9 và 10-10), cựu Tư lệnh Lục quân Thái Lan kỳ vọng đây sẽ là cơ hội ra mắt thế giới trong vai trò tân Thủ tướng,


Thủ tướng Thái Lan Chan-ocha đã chọn Myanmar là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.


Theo Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai, ông Prayuth chọn Myanmar làm điểm đến đầu tiên không chỉ vì nước này đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) do Thái Lan là thành viên sáng lập, mà bắt nguồn từ những tương đồng giữa ông với Tổng thống Thein Sein. Ông Prayuth, người lãnh đạo cuộc đảo chính hồi tháng 5-2014 lật đổ chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra, mới đây đã từ chức Tư lệnh Lục quân để ngồi vào ghế Thủ tướng. Trước đó, Tướng Thein Sein cũng cởi bỏ quân phục để trở thành Tổng thống chính quyền dân sự vào năm 2011. Hiện cả hai ông đang thực hiện "lộ trình" cải cách nhằm đem đến cho người dân cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng. Mặc dù vẫn tồn tại khác biệt khi Tổng thống Thein Sein cam kết đưa Myanmar từ chính quyền quân sự sang "nền dân chủ có kỷ luật", trong khi Thủ tướng Prayuth chủ trương chuyển đổi đất nước từ dân chủ sang "dân chủ kiểu Thái", nhưng cả hai "phiên bản" đều duy trì quyền lực của quân đội, chính thức lẫn phi chính thức. Hiện hầu hết thành viên Quốc hội Thái Lan là tướng lĩnh quân đội và cảnh sát (kể cả đã về hưu), còn 1/4 số ghế trong cơ quan lập pháp Myanmar được dành cho các quân nhân đương chức.

Thế nên, để tăng cường quan hệ với quốc gia láng giềng đồng thời đang giữ chức Chủ tịch ASEAN, cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và Tổng thống Myanmar Thein Sein không nằm ngoài những vấn đề về kinh tế-chính trị giữa hai nước và trong khu vực, bao gồm khởi động dự án cảng biển nước sâu Dawei, ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy xuyên biên giới, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Đất nước Chùa Vàng hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Myanmar sau Trung Quốc, với tổng kim ngạch thương mại 5,7 tỷ USD trong năm tài khóa 2013-2014. Thái Lan hiện phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Myanmar, cũng như lực lượng lao động và nhu cầu an ninh, nhất là cuộc chiến chống ma túy. Về phần mình, Myanmar đang hưởng lợi từ các khoản ngoại tệ do người lao động làm việc tại Thái Lan gửi về cũng như các khoản viện trợ, vay, thỏa thuận đầu tư và các chương trình hợp tác phát triển khác. Điểm đáng chú ý trong quan hệ Myanmar - Thái Lan hiện nay là đại dự án Dawei, có giá trị khoảng 50 tỷ USD sẽ hoàn tất vào năm 2018. Dự án này do công ty liên doanh Italian - Thai Development Pcl dẫn đầu và được thực hiện ở miền Nam Myanmar. Dawei - một trong những dự án quan trọng nhất của Myanmar trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài - bao gồm khu công nghiệp rộng 250km2 bao gồm một nhà máy sản xuất thép, nhà máy hóa dầu và lọc dầu. Khi hoàn thành, cảng Dawei sẽ đóng vai trò là cửa ngõ kinh tế mới của Thái Lan, Myanmar, các nước ASEAN khác và Trung Quốc.

Thực tế, sự cải cách về chính trị và kinh tế của Myanmar đang biến Đông Nam Á thành một khu vực phát triển về GDP, nhờ các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và sự kết nối giao thông, liên lạc ngày càng tăng. Các quan hệ Thái Lan-Myanmar và hành lang chiến lược mà họ tạo ra có thể góp phần định hình tương lai của khu vực Đông Nam Á, tác động đối với toàn bộ Châu Á. Tuy nhiên, việc giữ cân bằng quyền lực giữa các nước lớn tại khu vực này, từ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN đến Trung Quốc cũng là một thử thách không nhỏ. Cả hai nước sẽ phải đối mặt với những cạnh tranh tất yếu, nhưng quan trọng là phải tìm được cách cùng phát triển khi mục tiêu ưu tiên là ổn định xã hội và phát triển kinh tế bền vững. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Prayuth tới Nay Pi Taw có ý nghĩa đặc biệt với hai quốc gia trong bối cảnh mới và phát đi thông điệp đầy tích cực, khẳng định rằng Myanmar và Thái Lan đang nỗ lực tạo nên mối quan hệ đối tác gắn kết trong thế kỷ XXI.

Thùy Dương