Âm vang khúc ca tháng Mười

Văn hóa - Ngày đăng : 06:44, 11/10/2014

(HNM) - Như thấu hiểu lòng người, tiết trời thu Hà Nội trong ngày kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô trải ánh nắng vàng dịu ngọt, gió mơn man, khe khẽ khiến cho các sự kiện hoạt động, chương trình văn hóa nghệ thuật diễn ra trên địa bàn Thủ đô vốn đã sôi động càng trở nên tưng bừng, rộn rã.

Với những người Hà Nội và cả những khách phương xa đến Thủ đô trong những ngày mùa thu tháng Mười này, mỗi người có một tâm trạng, một cảm xúc khác nhau, nhưng tất thảy đều mong muốn được tìm hiểu về mảnh đất linh thiêng và hào hoa, thành phố Anh hùng từng phải trải qua, từng phải gánh chịu biết bao đau thương mất mát, mưa bom bão đạn trong các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, từng phải gồng mình để vượt qua biết bao gian khó để trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Thăng Long - Hà Nội vẫn "mấy nghìn năm chói chang rực rỡ", vẫn xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng "của núi sông hôm nay và mai sau".

Pháo hoa tại khu vực Hồ Gươm tối 10-10-2014. Ảnh: Nhật Nam



Chính vì lẽ đó, các cuộc triển lãm, trưng bày giới thiệu về Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) nói riêng, Hà Nội thời kỳ xây dựng và kiến thiết, phát triển đi lên văn minh hiện đại luôn có sức hút đặc biệt với công chúng. Di tích Nhà tù Hỏa Lò - nơi giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng kiên trung, trong những ngày vừa qua, đã đón hàng nghìn lượt khách tham quan, tìm hiểu. Triển lãm chuyên đề "Những thế hệ tù chính trị nhà tù Hỏa Lò với Thủ đô Hà Nội" đang diễn ra tại đây một lần nữa khẳng định điều này. "Tham quan triển lãm giúp em hiểu hơn về truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường đã giúp ông cha ta vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, anh dũng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bạo tàn để đưa dân tộc ta đến độc lập tự do, đưa đất nước đến hòa bình, thống nhất, để đất nước và Thủ đô phát triển đàng hoàng, to đẹp như ngày hôm nay" - Bạn Nguyễn Hồng Nga, Khoa Lịch sử (Đại học Hùng Vương, Phú Thọ) xúc động nói.

Biểu diễn nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Vườn hoa Lý Thái Tổ.
Ảnh: Viết Thành



Dùng hình ảnh "kể" về Hà Nội giai đoạn 1946-1954, trưng bày "Một số di tích kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Hà Nội 1946-1954" tại nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) đón lượng khách không nhỏ trong ngày 10-10. Đến đây, công chúng có thể bắt gặp hình ảnh những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng an toàn trong đêm 17, rạng sáng 18-2-1947 tại bến đò Tứ Tổng (nay thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ), hình ảnh những tên lính viễn chinh Pháp lầm lũi rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên vào chiều 9-10-1954, hay hình ảnh 5 cửa ô tưng bừng cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về…

Cách di tích 48 Hàng Ngang không xa, công chúng cũng đã "gặp" một Hà Nội khác tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Đây là nơi giới thiệu chi tiết không gian sinh hoạt của gia đình trung lưu ở Thủ đô trước năm 1954 với những đồ dùng rất đỗi quen thuộc với một lớp người Hà Nội thuở ấy như: Tủ, bàn ghế, dụng cụ nhà bếp, quạt máy, máy chữ... Xem không gian trưng bày đặc biệt này, ông Trần Trung Tá đến từ xã Vũ Đông, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nói: "Bằng cách rất riêng, những người Hà Nội sinh ra sau năm 1954 và cả những người dù không sinh ra, lớn lên ở Hà Nội cũng phần nào cảm nhận được nét thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội. Dù bom rơi, đạn nổ, dù chiến tranh tàn phá, nét thanh tao ấy vẫn được người Hà Nội gìn giữ, phát huy... Tôi nghĩ rằng phẩm chất, cốt cách đáng quý ấy chính là một trong những thứ "vũ khí" khiến giặc ngoại xâm phải khiếp sợ, đồng thời là nền tảng để người Hà Nội luôn tiên phong trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…". Các điểm di tích lớn, hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống trên địa bàn Thủ đô cũng đều mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu về Hà Nội trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Điểm nào cũng đông khách, cũng để lại những cảm xúc khó có thể diễn tả bằng lời với những người đặt chân đến.

Sau giây phút lắng đọng với những không gian về Hà Nội của một thời hào hùng, người dân Thủ đô và du khách hòa mình vào các chương trình văn hóa nghệ thuật sôi động, mang đậm dấu ấn, bản sắc Hà Nội. Nào là chương trình "Hà Nội niềm tin và hy vọng" tại 4 điểm cầu: Vườn hoa Lý Thái Tổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám và Trường quay Đài Truyền hình Việt Nam, phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1. Nào là những tiết mục nghệ thuật đường phố tại phố Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện… (quận Hoàn Kiếm); hay chương trình ca múa nhạc, xiếc, hài kịch phục vụ nhân dân quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, huyện Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh… Người yêu điện ảnh có thể xem phim "Sống cùng lịch sử" tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ), trong khi nhân dân thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) hay xã Đồng Thái (huyện Ba Vì) cũng háo hức khi được xem những thước phim thời sự, tài liệu về Hà Nội do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hà Nội trình chiếu. Chia sẻ cảm xúc khi biểu diễn phục vụ công chúng Thủ đô, Phó Trưởng đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Trọng cho hay: "Còn gì vui hơn khi chúng tôi vừa có cơ hội giới thiệu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc với đông đảo nhân dân Hà Nội và du khách trong nước, quốc tế, vừa được sống trong bầu không khí náo nức của ngày hội lớn của Thủ đô".

Và như thường lệ, Hồ Gươm - trái tim của Thủ đô, vẫn là tâm điểm của chuỗi sự kiện, hoạt động chào mừng 60 năm ngày Thủ đô được giải phóng. Trong ngày 10-10, chẳng hẹn mà gặp, hàng trăm bạn trẻ đã đến khu vực hồ Hoàn Kiếm chụp ảnh cưới, ảnh lưu niệm trong thời khắc đáng nhớ. Đến cuối buổi chiều, mọi nẻo đường xung quanh Hồ Gươm đã chật cứng dòng người đổ về xem bắn pháo hoa. Tương tự, ở 29 địa điểm khác trên khắp địa bàn thành phố, hàng vạn người dân cũng náo nức thu xếp công việc, có mặt từ rất sớm tại trung tâm các quận, huyện, thị xã chờ đón pháo hoa. Chưa kể, rất nhiều người ở khu vực nội đô đã chọn cho mình cách thưởng lãm pháo hoa đặc biệt: Trên nóc các tòa cao ốc chọc trời của Thủ đô như chung cư Trung Hòa - Nhân Chính, chung cư Mỹ Đình, Khu đô thị Royal City, Vincom Plaza… Và đúng 21h, pháo hoa đồng loạt vụt sáng trên bầu trời Thủ đô cũng là lúc người dân hân hoan nắm tay cùng tấu khúc nhạc lòng theo giai điệu bài hát "Hà Nội niềm tin và hy vọng". Trong ánh sáng pháo hoa rực rỡ trên nền trời đêm Hà Nội, tỏa ánh lung linh rực rỡ xuống mặt nước Hồ Gươm huyền ảo, nhìn những nụ cười hân hoan và cả những giọt nước mắt rưng rưng, cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ trong thời khắc thiêng liêng kỷ niệm 60 năm Ngày Thủ đô Giải phóng, bất chợt lại ùa về trong ta những vần thơ Tạ Hữu Yên đã viết trong bài thơ "Cảm xúc Tháng Mười":

"… Một sớm thu trong đất thắm sao vàng.
Năm cửa ô xòe năm cánh rộng
Đoàn quân về nhấp nhô như sóng
Những ngôi nhà dường muốn cao thêm
Tháng Mười ấy là khúc ca say
Khúc ca mở những chiến công đầy
Ôi Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội
Nghìn năm vẫn một trái tim này".

Minh Ngọc