Sau Metro, hàng loạt doanh nghiệp FDI sẽ bị thanh tra

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:26, 10/10/2014

Bộ Tài chính cho biết, đã có kế hoạch thanh tra hàng loạt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian tới, trong đó có Metro với 19 điểm kinh doanh.

Tại cuộc họp báo chiều 9/10, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Tính đến tháng 9/2014, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 39.000 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2013; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra 7.440 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ.

Sau Metro, Bộ Tài chính sẽ thanh tra hàng loạt doanh nghiệp FDI.


Theo đó, số tiền thuế nộp vào ngân sách là 5.278 tỷ đồng, bằng 70,9% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và tăng 30,7 % so với cùng kỳ năm 2013.

Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm, ngành thuế tập trung rà soát trong số 39.637 doanh nghiệp thì có 1.938 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu 1.317,9 tỷ đồng giảm lỗ 4.129,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ hoàn thuế 82,8 tỷ đồng.

Ông Cao Anh Tuấn cho biết thêm, năm 2015, trong tổng số doanh nghiệp mà ngành thuế kiểm tra sẽ tập trung vào 15 - 20% doanh nghiệp kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá.

Cũng về chống chuyển giá, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có đề án triển khai chống chuyển giá. Qua rà soát, cơ quan thuế đã tập hợp các dấu hiệu chuyển giá, đặc biệt với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo đánh giá của cơ quan thuế, với trường hợp đầu tư ban đầu lớn như các ngành công nghiệp nặng, khai thác quặng mỏ.., chi phí đầu tư ban đầu, khấu hao lớn nên doanh nghiệp kê khai lỗ mà không phải là chuyển giá.

Trường hợp thứ hai là kinh doanh thua lỗ, rút vốn kinh doanh khỏi Việt Nam. Hàng năm, có hàng chục trường hợp doanh nghiệp FDI trả lại giấy phép đầu tư và từ bỏ dự án.

Với trường hợp kê khai lỗ do vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu nên chi phí lãi vay lớn nên lỗ. Tuy nhiên, vốn vay lại thuộc công ty mẹ, công ty thành viên hỗ trợ nên số lỗ được tính vào công ty mẹ ở nước ngoài.

Đặc biệt, với trường hợp khai lỗ do nâng giá thiết bị đầu vào, mua thiết bị, nguyên liệu đầu vào, có giao dịch liên kết với công ty mẹ ở nước ngoài, Bộ Tài chính đánh giá đây trường hợp này được xem là chuyển giá.

Với thực trạng chuyển giá hiện nay, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã có kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp FDI, trong đó có Metro với 19 điểm kinh doanh.

Bộ Tài chính cũng cho hay, việc thanh tra chuyển giá với Metro phức tạp do DN hoạt động trải rộng trên cả nước với 19 trung tâm. Do đó, Tổng cục thuế đã phải thành lập đoàn thanh tra riêng đối với trường hợp Metro để làm rõ vì sao doanh nghiệp này lỗ triền miên như vậy. Bộ Tài chính đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và sẽ sớm cung cấp kết quả thanh tra về Metro.

Cụ thể, theo tin tức trên Diễn đàn đầu tư, trong 12 năm hoạt động, chỉ có duy nhất năm 2010 Metro báo lãi còn lại đều liên tục thua lỗ. Tính đến năm 2012, Metro lỗ lũy kế lên đến 598 tỷ đồng và chưa từng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Song đơn vị này lại liên tục mở rộng hệ thống siêu thị lên đến 19 trung tâm trên cả nước.

Thông tin trên báo Giáo dục Việt Nam cho hay, chủ đầu tư Metro Cash&Carry đã thống nhất chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Berli Jucker (Thái Lan) với giá 876 triệu USD. Việc chấp hành chính sách về thuế của công ty này sẽ chờ kết luận của thanh tra thời gian tới.

Tuy nhiên, trước mắt riêng về hoạt động chuyển nhượng vốn Metro VN là công ty 100% vốn nước ngoài gắn với chuyển nhượng bất động sản. Do đó, chủ đầu tư phải kê khai và nộp thuế theo hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thuế suất 22%.

Theo Hải Anh