Không xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ mất cơ hội lớn

Xã hội - Ngày đăng : 15:37, 10/10/2014

(HNMO) - Sáng 10-10 tại Hà Nội, Bộ GTVT đã có buổi trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành.


Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không sớm triển khai, ngành hàng không nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ mất đi những cơ hội lớn để phát triển. Khi đó, các sân bay của Việt Nam sẽ chỉ đóng vai trò sân bay vệ tinh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương…

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không VN Nguyễn Nguyên Hùng trả lời các câu hỏi của các phóng viên. Nguồn: Báo GTVT.


Ông Nguyễn Nguyên Hùng-Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) nhấn mạnh: việc xây dựng CHK Long Thành là rất cấp thiết. Trong vòng 15 năm qua (1999-2013), sản lượng hành khách thông qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,8% về hành khách (16,7% quốc nội và 11,2 % quốc tế) và 12,9% về hàng hóa (14,7% quốc nội và 12,2% quốc tế). Năm 2013, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt lưu lượng 20 triệu hành khách/năm, dự kiến đến năm 2016-2017 sẽ đạt công suất thiết kế là 25 triệu hành khách/năm và sẽ trở nên quá tải vào những năm sau đó (dự kiến đến năm 2025 sản lượng hành khách là 40,4 triệu hành khách/năm; đến năm 2030 đạt 53,4 triệu hành khách). Do đó, việc phải nhanh chóng đầu tư mở rộng hoặc xây mới một CHK là cần thiết, bởi sau 2017 thì Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng được nữa.

Trong khi đó, theo dự báo đến những năm 2015, 2020 và 2030, tổng lượng hành khách thông qua hệ thống CHK của Việt Nam đạt tương ứng 55 triệu, 90 triệu và 175 triệu hành khách/năm. Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với cửa ngõ là khu vực TP.Hồ Chí Minh được dự báo sẽ đạt hơn 50 triệu hành khách thông qua vào năm 2030. Việc mở rộng Tân Sơn Nhất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm TP.Hồ Chí Minh như gây ô nhiễm về tiếng ồn, khí thải, không đáp ứng được các yêu cầu về phát triển bền vững, an toàn hàng không… Chi phí mở rộng và nâng công suất CHK Nội Bài cũng đã được tính tới nhưng sẽ phải di dời khoảng 140.000 hộ dân, tương đương với hơn nửa triệu dân, kinh phí đầu tư ước tới trên 9 tỷ USD song về lâu dài sẽ không bền vững bởi thiếu thiếu kết nối với hệ thống giao thông quốc gia.

Phương án mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa theo ông Nguyễn Nguyên Hùng cũng không khả thi bởi chi phí cải tạo lớn (7,5 triệu USD), hạn chế về vùng trời, nhiễm độc dioxin chưa xử lý được và sân bay này đang là sân bay quân sự then chốt.

Đóng vai trò là chuyên gia phản biện độc lập đối với dự án này, GS. Lã Ngọc Khuê-chuyên gia giao thông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, nếu không sớm triển khai CHK quốc tế Long Thành, các sân bay của Việt Nam hiện tại sẽ chỉ đóng vai trò là sân bay vệ tinh cho các sân bay trong khu vực và lâm vào tình thế phụ thuộc, mất cơ hội phát triển. Việc xây dựng CHK Long Thành không chỉ là chuyện giảm tải cho CHK Tân Sơn Nhất hay tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội cho toàn bộ khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam mà là vấn đề chiến lược quốc gia.

Vấn đề đang khiến nhiều ý kiến băn khoăn là nguồn vốn đầu tư. Liệu xây CHK Long Thành có làm tăng nợ công hay không và vay rồi liệu có trả được không? Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, các cơ quan lên quan đã tính toán kỹ lưỡng, tác động các khoản vay dự án lên GDP theo giá hiện hành của từng năm là không đáng kể. Kết quả phân tích cho tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 22,1%, cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội (mức tiêu chuẩn EIRR cho các công trình công cộng tại Việt Nam trong khoảng từ 10% đến 12%) nên dự án có khả năng trả nợ tốt. Thực tế đã chứng minh, các dự án đầu tư trong lĩnh vực hàng không đều có hiệu quả tài chính tốt, doanh nghiệp vay lại vốn ODA được Chính phủ luôn đảm bảo tự trả nợ đúng hạn (cụ thể như dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 - Nội Bài). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 165 nghìn tỷ, trong đó vốn ngân sách là 85 nghìn tỷ. Trong quá trình đầu tư dự án, ngay từ đầu, Bộ GTVT đã trình Quốc hội rằng sẽ đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, ngoài vốn ngân sách (trái phiếu, ngân sách, ODA), Bộ đang trình Chính phủ hướng vay ODA ưu đãi để kéo dài trả nợ trong nhiều năm. Nhiều đối tác nước ngoài đang rất quan tâm dự án và sẵn sàng cung cấp ODA. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa chọn nhà đầu tư nào mà vẫn đang lựa chọn cả nguồn vốn, công nghệ.

Tuấn Lương