Hà Nội niềm tin yêu hy vọng
Chính trị - Ngày đăng : 05:59, 10/10/2014
Hà Nội - Nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”. Ảnh: Xuân Chính |
1. Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tồn tại gần 1.000 năm. Đây là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam và là một biểu tượng văn hóa tiêu biểu của Hà Nội. Giá trị tinh thần cao quý của nơi đây xứng đáng là "một huyền thoại để tôn thờ, là di sản bất diệt của ngàn năm văn hiến". Hoàng thành Thăng Long - dấu ấn của Hà Nội xưa là di sản văn hóa thế giới. Nét đẹp của người Hà Nội thể hiện ở sự hào hoa trong đối nhân, xử thế. Từ con người thanh lịch, phục trang thanh lịch đến giọng nói chuẩn mực, truyền cảm... nét đẹp mang tính "nhân văn của đất Việt" đã kết tinh một cách hài hòa ở người Hà Nội từ ngàn xưa cho đến ngày nay.
Hà Nội không chỉ đẹp và thanh lịch. Trong cuộc đấu tranh giữ nước, Thăng Long - Hà Nội đã viết nên những trang sử vẻ vang nhất của đất Việt. Những chiến công hiển hách của Thái úy Lý Thường Kiệt, của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, của Bình Định Vương Lê Lợi, của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ trước kia và của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay đều gắn liền với một Thăng Long - Hà Nội Văn hiến và Anh hùng, xứng đáng được ghi vào sử sách của nước nhà như những trang vàng chói lọi. Ngày xưa Thăng Long tự hào có Chu Văn An - Vạn thế sư biểu (người thầy của muôn đời) với "Thất trảm sớ" kinh thiên, động địa. Ngày nay Hà Nội tự hào có những chiến sĩ Vệ quốc sẵn sàng cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, giữ vững từng tấc đất của Thủ đô trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ.
Sau đó, Hà Nội đã trải qua một cuộc kháng chiến vĩ đại thứ hai chống lại một đế quốc hùng mạnh nhất của nhân loại ở thế kỷ XX. Cả Thủ đô ta đã sục sôi đánh Mỹ. Những cô gái mắt đen tươi sáng, súng trên vai sao vuông đầu mũ đã hiên ngang đọ sức với "thần sấm", "con ma" gieo rắc chết chóc trên bầu trời Hà Nội. Rồng lửa Thăng Long đã thiêu cháy 34 pháo đài bay B52 trong trận Điện Biên Phủ trên không cuối tháng Chạp 1972, đánh sập uy danh pháo đài bay - niềm kiêu hãnh của Không lực Hoa Kỳ. Xác B52 ngập trong bùn của làng hoa Ngọc Hà - Nhật Tân; những phi công Mỹ lom khom cúi đầu bước trước mũi súng của những cô gái bé nhỏ.
Hà Nội cùng hậu phương lớn miền Bắc đã chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hàng vạn thanh niên hăng hái lên đường "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"... Bao tấm gương của những anh hùng liệt sĩ đã xếp bút nghiên lên đường cứu nước như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Bùi Ngọc Dương... mãi mãi là niềm tự hào của người Hà Nội và làm cho những kẻ bên kia chiến tuyến cũng phải ngả mũ bái phục! Chiếc gậy Trường Sơn "luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi, luyện cho tinh thần chỉ tiến không lui" của thanh niên Hòa Xá đã mãi mãi đi vào lịch sử như một biểu tượng hào hùng của tuổi trẻ "đường ra trận mùa này đẹp lắm", đi đánh Mỹ mà như trẩy hội... Một Hà Nội hào hùng đã hun đúc khí thế của những chàng trai trong những đoàn quân coi "cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù" để cùng cả nước viết nên bản hùng ca đẹp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa đến thống nhất vẹn toàn cho non sông Việt Nam.
2. Sau chiến tranh, nhân dân ta đã chung tay xây dựng lại Thủ đô "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", xứng tầm với một Việt Nam đang vươn lên "sánh vai với các cường quốc năm châu" trong xu thế hội nhập và phát triển, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Trên con đường hội nhập, Việt Nam đã đạt được những thành quả bước đầu đáng khích lệ với mục tiêu độc lập, tự chủ, tự cường, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh để sớm trở thành "nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chính trị và xã hội ổn định; dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững..." đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của dân tộc. Thủ đô Hà Nội đã và đang đi đầu trong công cuộc đó. Sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thực hiện khát vọng vươn tới tương lai với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XV của Đảng bộ TP Hà Nội và là nhiệm kỳ đầu tiên sau khi hợp nhất theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII đã minh chứng cho sự đoàn kết, nhất trí của Đại hội và Đảng bộ Thủ đô với tinh thần dân chủ, đoàn kết. Thủ đô Hà Nội, với vai trò "hết sức quan trọng, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, về kinh tế và giao dịch quốc tế - một vị trí đặc biệt quan trọng" (Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị).
Với quyết tâm đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội đã đề ra những biện pháp cụ thể, sáng tạo, đi đầu phát huy quyền làm chủ của nhân dân để cùng nhân dân Thủ đô thực hiện có hiệu quả "5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá của Thủ đô". Hà Nội đã xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ bình yên cho Thủ đô...
Hà Nội đã và đang đi đầu trong việc thu hút nhân tài để xây dựng Thủ đô theo hướng văn minh hiện đại bởi vì Hà Nội luôn coi trọng hiền tài, coi trọng nguyên khí quốc gia. Những công trình hiện đại của đất rồng thiêng đang cất cánh bay lên: Đó là cầu Nhật Tân - cây cầu đẹp nhất Hà Nội - biểu tượng đẹp trong mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, đêm đêm tỏa sáng lung linh soi bóng xuống sông Hồng; cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống là công trình hiện đại khánh thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - đẹp và hiện đại nhất Việt Nam - dự kiến hoàn thành cuối năm 2014. Tuyến đường dài 12km - đẹp nhất Hà Nội - nối cầu Nhật Tân với Sân bay Nội Bài mang tên một Vĩ nhân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng ta đã "chắp thêm vần" cho "lời thơ Bác năm xưa" xây dựng một Thủ đô rộng lớn và ngày càng hiện đại, văn minh, thanh lịch, xứng đáng với truyền thống văn hiến nghìn năm là "niềm tự hào của nhân dân cả nước trong việc mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước" trong suốt bề dày hơn mấy nghìn năm lịch sử.
Hà Nội mãi mãi là niềm tin yêu, hy vọng của núi sông Việt Nam hôm nay và mai sau.