“Nóng bỏng” Kashmir

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:56, 10/10/2014

(HNM) - Sau một thời gian tạm lắng, căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Ấn Độ và Pakistan lại bùng phát sau khi binh sĩ hai nước tiếp tục đấu súng tại khu vực biên giới Kashmir.


Vụ đụng độ mới nhất xảy ra sáng 9-10 khiến 2 phụ nữ thiệt mạng và 25 người khác bị thương do đạn pháo của Pakistan bắn vào khu vực Samba thuộc bang Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Song đây chỉ là một trong nhiều cuộc đọ súng dữ dội những ngày gần đây khi binh sĩ hai bên không ngừng cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại đường Ranh giới kiểm soát (LoC) ở khu vực biên giới Kashmir.

Căng thẳng bùng phát mạnh kể từ đêm 5-10 vừa qua sau khi các binh sĩ Ấn Độ và Pakistan đấu súng ở khu vực biên giới Kashmir khiến ít nhất 10 dân thường của cả hai phía thiệt mạng và 43 người bị thương. Đây được xem là một trong những vụ vi phạm nghiêm trọng nhất tại LoC kể từ khi hai quốc gia láng giềng tại Nam Á đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2003. Theo cáo buộc của Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ - Đại tá Manish Mehta, quân đội Pakistan đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại LoC khi sử dụng vũ khí hạng nhẹ trong cuộc giao tranh này khiến quân đội Ấn Độ phải đáp trả. Tuy nhiên, cố vấn của Thủ tướng Pakistan về các vấn đề an ninh và ngoại giao Sartaj Aziz lại lên tiếng hối thúc Ấn Độ ngừng bắn ngay lập tức, với tuyên bố Pakistan đang hết sức kiềm chế và hành xử một cách có trách nhiệm.

Đây không phải lần đầu tiên quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan "tăng nhiệt" do những tranh chấp tại khu vực Kashmir. Hơn một thập kỷ qua kể từ khi hai nước tuyên bố ngừng bắn tại LoC phân tách hai nước dài 720km ở Kashmir, các cuộc đọ súng vẫn thường xuyên xảy ra. Các cuộc giao tranh diễn ra trong bối cảnh cả hai quốc gia Nam Á này đều có những thay đổi trên chính trường. Nếu như chính phủ của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif ngày càng thể hiện vai trò quyết đoán hơn sau các cuộc biểu tình bạo lực vừa qua thì chính phủ mới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kể từ khi nhậm chức tháng 5 vừa qua lại hứa hẹn sẽ áp dụng chính sách ngoại giao cứng rắn hơn trong xử lý tranh chấp biên giới lãnh thổ, trong đó có Pakistan. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, tình trạng bất ổn hiện nay là hệ quả tất yếu của mối quan hệ chính trị ngày càng đi xuống giữa hai quốc gia láng giềng. Các cuộc đối thoại cấp cao giữa Ấn Độ và Pakistan bị đình trệ kể từ sau vụ tấn công khủng bố ở thành phố Mumbai của Ấn Độ năm 2008 khiến hơn 170 người thiệt mạng. Phía Ấn Độ cáo buộc một nhóm phiến quân ở Pakistan đứng sau vụ tấn công, trong khi Pakistan bác bỏ liên quan đến vụ này. Một ví dụ nữa cho thấy sự lạnh nhạt trong quan hệ song phương là dù Thủ tướng N.Sharif đã đến New Dehli tham dự lễ nhậm chức của Thủ tướng N.Modi, nhưng lãnh đạo hai bên vẫn không gặp gỡ trực tiếp tại cuộc họp của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) hồi tháng 9 vừa qua.

Một lần nữa quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Ấn Độ và Pakistan lại trở nên căng thẳng do bạo lực tại khu vực biên giới tranh chấp Kashmir. Căng thẳng vừa được đẩy lên một mức cao hơn trong 48 giờ qua sau khi Ấn Độ triệu Phó Đại sứ Pakistan tại New Delhi Mansoor Ahmed Khan tới để trao công hàm phản đối Islamabad vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời yêu cầu nước này chấm dứt các vụ bắn phá khiêu khích qua biên giới gây thương vong cho dân thường. Không những thế, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã đình chỉ cuộc họp cấp chỉ huy các lực lượng bán vũ trang với Pakistan theo kế hoạch để thảo luận về tình trạng bạo lực leo thang dọc LoC. Đáp lại động thái trên của Ấn Độ, Pakistan cũng đã có hành động ngoại giao tương tự khi cho triệu Phó Đại sứ JP Singh tại Islamabad đến để trao công hàm phản đối.

Tuy chưa bao giờ thực sự bình yên nhưng đây là một trong những lần hiếm hoi các khu dân cư tại khu vực biên giới Kashmir này trở thành mục tiêu tấn công của quân đội hai nước. Vì thế, dư luận đang hết sức quan ngại những căng thẳng này có thể phát triển thành một cuộc xung đột toàn diện, một khi cả hai nước đều không nhượng bộ và tìm ra được một giải pháp lâu dài giải quyết tranh chấp.

Đình Hiệp