Giá trị không gian Hồ Gươm: Giữ gìn, tôn tạo cách nào?

Xã hội - Ngày đăng : 05:39, 10/10/2014

(HNM) - Sức ép của quá trình đô thị hóa cùng sự phát triển của kinh tế - xã hội đã đặt ra những bài toán nan giải trong việc bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc văn hóa lịch sử của Hồ Gươm.


Cuộc hội thảo xoay quanh vấn đề này do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, UBND quận Hoàn Kiếm và Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp tổ chức đã thu hút đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc. Những câu chuyện về "nơi lắng hồn núi sông" được xới xáo một lần nữa cho thấy việc bảo tồn các giá trị của Hồ Gươm vẫn thường trực trước những sức ép của đô thị hóa.

Hồ Gươm hôm nay. Ảnh: Xuân Chính


Trong lịch sử phát triển của Thủ đô, Hồ Gươm luôn được đánh giá là khu vực có cảnh quan đặc thù, luôn được chú trọng bảo tồn, chỉnh trang nâng tầm giá trị và đến nay đã được công nhận là di tích quốc gia. Tuy nhiên, trước sức ép của quá trình đô thị hóa, đặc biệt là kinh tế thị trường khiến việc giữ gìn, quản lý và sử dụng hiệu quả không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử xung quanh Hồ Gươm đang đứng trước những thách thức không nhỏ và còn nhiều tồn tại. KTS Lê Văn Lân, cho rằng: "Hồ Gươm như đang bé lại dần so với cảm nhận 10 năm về trước". Và ông thừa nhận: "Về việc này hẳn chúng ta đã có lỗi trong việc giải quyết chiều cao". Dù thừa nhận khu vực Hồ Gươm đã được giữ gìn khá tốt trong thời gian gần đây, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế đô thị vẫn thẳng thắn thừa nhận những nỗ lực đó đang dừng ở mức giữ gìn thụ động, chứ chưa có những giải pháp cơ bản để ứng phó với những đổi thay, những yêu cầu của thời đại. Thực trạng ô nhiễm môi trường, các mô hình khai thác không gian dẫn đến làm lu mờ dấu ấn di sản vẫn gióng lên những tiếng chuông cảnh báo trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của không gian kiến trúc văn hóa, lịch sử hồ Hoàn Kiếm.

Trong cuộc hội thảo lần này, cùng với việc nhìn nhận, đánh giá lại những vấn đề đang tồn tại trong công tác quản lý, quy hoạch, kiến trúc xây dựng khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhiều ý kiến cũng đã đưa ra những đề xuất định hướng, giải pháp phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… nhằm mang lại sức sống mới cho không gian đặc biệt quan trọng này của Thủ đô. PGS, TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng nên xây dựng thành phim hay video clip chiếu trên một số địa điểm ở khu vực hồ Hoàn Kiếm; phục dựng lại đền thờ vua Lê Thái Tổ trong quần thể khu tượng đài vua Lê và nhà hàng Lục Thủy, xây dựng lại tuyến tàu điện quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm… Với mong muốn "Hồ Gươm thuộc về tất cả chúng ta", KTS Hoàng Thúc Hào đề xuất trả lại không gian yên tĩnh mang tính tâm linh cho khu di tích lịch sử và đô thị; kiến tạo chuỗi không gian mở liên hoàn, tạo hình ảnh mới, mang tính đột phá cho khu di sản đồng thời giải tỏa áp lực giao thông quanh hồ bằng cách tạo các tuyến phố đi bộ hoặc xe điện. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý từ điều chỉnh quy hoạch đã có, thiết kế đô thị và quy chế quản lý; nhận diện đầy đủ giá trị của khu đô thị lịch sử này với cách tiếp cận là không gian sống, không gian công cộng… Bên cạnh đó, các giải pháp cho các vấn đề phát triển không gian đô thị, bảo vệ môi trường, chiếu sáng đô thị, công tác duy trì bảo tồn các cây bóng mát, cổ thụ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, việc tổ chức các tuyến phố đi bộ trong khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng đã được đưa ra luận bàn.

Những đề xuất, những giải pháp cho Hồ Gươm liệu có thành hiện thực - lời đáp cho câu hỏi này có lẽ vẫn chờ ở thời gian. Song như KTS Lê Văn Lân khẳng định: "Không gian kiến trúc Hồ Gươm không phải là một đầu bài để mỗi chúng ta thỏa mãn với những đề xuất cải tạo, đột phá. Đơn giản đây là một không gian cần được bảo vệ, giữ gìn cho ngày càng đẹp hơn".

Gia Phú