Thẳm sâu trong nỗi nhớ
Văn hóa - Ngày đăng : 06:43, 09/10/2014
Quây quần bên những người Hà Nội xa quê hương trong cuộc họp mặt nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Thiếu tướng Bùi Nam Hà, nguyên Phó Tổng Thanh tra quân đội như được trở về thời khắc lịch sử cách đây 60 năm, dù ông đã bước sang tuổi 91. Ngày Giải phóng Thủ đô, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 (thuộc Sư đoàn 308 - Đại đoàn Quân tiên phong) và chính Trung đoàn ông đã cắm lá cờ đỏ sao vàng trên Tháp Rùa. “Sau đó, cả gần tháng trời, bộ đội đều được người dân mang cơm đến tận nơi. Tình cảm của nhân dân Thủ đô dành cho bộ đội ta khó có thể lột tả hết”, vị tướng xúc động kể lại.
Ông Nguyễn Lê Xá, Trưởng ban Liên lạc cán bộ hưu trí Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh: "Dù không có điều kiện về Thủ đô trong những ngày tháng 10 lịch sử này nhưng hàng vạn người con Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh chúng tôi vẫn luôn luôn hướng về Thủ đô với niềm yêu quý và trân trọng nhất. Chúng tôi luôn theo dõi sát sao sự đổi thay từng ngày của TP Hà Nội và thật vui mừng khi Thủ đô - trái tim của cả nước, ngày một giàu mạnh, ấm no và hạnh phúc. |
Còn nỗi nhớ Thủ đô với nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn (năm 1946), nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội (1959-1961) Nguyễn Thọ Chân là nét thanh lịch của người Tràng An trong từng nếp sống ngày thường. Đã 95 tuổi rồi nhưng cụ vẫn rất minh mẫn đọc lên hai câu thơ:“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Rồi cụ chậm rãi phân tích: “Đấy là câu thơ người Hà Nội xưa thường dùng để nói về nét văn hóa đặc trưng của đất kinh kỳ văn hiến. Người Hà Nội trước, trong và sau ngày giải phóng vẫn luôn nêu cao phẩm chất thanh lịch trong toàn bộ cách ứng xử. Hà Nội ngày đó, trên mọi ngõ nhỏ hay đường phố đều không có chuyện xả rác, lấn chiếm lòng lề đường. Mọi thứ đều quy củ và ngăn nắp bởi mỗi người dân đều ý thức giữ gìn vệ sinh chung”, người lãnh đạo của Hà Nội thuở nào bồi hồi kể.
Hà Nội bây giờ, với bà Nguyễn Thu Quế (nguyên cán bộ TTX nghỉ hưu, hiện ở phường 6, quận 3) đã có một sức sống khác. Mang những hoài niệm về Thủ đô yêu dấu ra kể cho những người con xa quê chưa có điều kiện trở về, bà Quế bảo, với vai trò vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, sự pha trộn, đa dạng về văn hóa từ các vùng miền ở Hà Nội là điều không tránh khỏi. “Tuy nhiên người Hà Nội không những vẫn giữ được bản sắc riêng mà còn tiếp thu tinh hoa văn hóa, những nét đẹp truyền thống từ những vùng miền khác, tạo nên một Hà Nội đa sắc màu và đang chuyển mình mạnh mẽ”, bà Quế phấn khởi nói.
Còn “miền ký ức” của một người Hà Nội đang giữ một vị trí chủ chốt trong đội ngũ lãnh đạo TP Hồ Chí Minh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Mạnh Hà, lại là trách nhiệm của người đương thời. “Thành phố Hà Nội nay đã khác xưa rất nhiều bởi sự phát triển không ngừng về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội và đã được vinh danh Thành phố Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình. Điều đó khiến những người con Hà Nội như chúng tôi tự hào lắm! Tự hào để rồi chúng tôi càng phải thấy được trách nhiệm để cùng xây dựng và phát triển Thủ đô thân yêu ngày một văn minh, hiện đại và thanh lịch”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ.