Bulgaria: Lún sâu vào khủng hoảng
Thế giới - Ngày đăng : 07:58, 08/10/2014
Dù giành được tỷ lệ ủng hộ cao nhất song lãnh đạo đảng GERB - cựu Thủ tướng Boyko Borisov - phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để thành lập chính phủ liên hiệp. |
Kết quả chính thức dựa trên 94% số phiếu được kiểm cho thấy đảng cánh hữu GERB của cựu Thủ tướng Boyko Borisov giành 32,6% số phiếu, tương đương 90 ghế và còn thiếu 31 ghế mới hội đủ đa số tuyệt đối. Đứng ở vị trí thứ hai là đảng Xã hội đứng đầu chính phủ liên hiệp đã từ chức vào tháng 7 vừa qua với 15,3% phiếu bầu, tương đương 36-42 ghế. Theo sau là đảng MRF của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ với 35-39 ghế. Đây cũng là đảng ủng hộ chính phủ tiền nhiệm. Ngoài ra còn có 4-5 đảng khác vượt ngưỡng 4% phiếu bầu cần thiết để có đại diện trong Quốc hội mới.
Cuộc bầu cử Quốc hội lần này vốn được kỳ vọng là chìa khóa mở ra cơ hội thành lập một chính phủ mới có thể giúp Bulgaria chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị, giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện đang trầm trọng và thúc đẩy khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, GERB sẽ không dễ dàng tập hợp được số đảng đủ để thành lập chính phủ liên minh vì tình trạng tranh giành quyền lực và quan điểm các phe phái trên chính trường Bulgaria hiện nay có quá nhiều khác biệt. Nếu không thể thành lập chính phủ liên minh, Bulgaria sẽ phải tiến hành bầu cử lại vào trước Giáng sinh. Đây là điều các cử tri hoàn toàn không trông đợi khi đất nước đang cần sự ổn định về chính trị để đối phó với rất nhiều thách thức. Trong 2 năm qua, với 5 lần thay chính phủ, tình hình kinh tế Bulgaria vốn đang là nước nghèo nhất Liên minh Châu Âu, không những không được cải thiện mà còn đứng trước nguy cơ tụt lùi. Khủng hoảng chính trị kéo dài khiến niềm tin của các nhà đầu tư cũng dần "bốc hơi". Kết quả thống kê gần đây nhất cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia Đông Âu đã giảm hơn 1/5 trong năm nay.
Vấn đề mà Chính phủ mới của Bulgaria nếu được thành lập cần phải xử lý hiện nay là giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngân hàng bùng phát cách đây 3 tháng, buộc chính phủ phải mở rộng gói tín dụng trị giá 2,3 tỷ USD dành cho hai ngân hàng lớn thứ ba và tư của nước này gồm Corporate Commercial Bank (KTB) và First Investment Bank (FIB) để ổn định tình hình. Cho đến nay, KTB vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại trong khi ngân hàng này đang cố gắng loại bỏ những vấn đề dưới sự giám sát khẩn cấp của Ngân hàng Trung ương Bulgaria.
Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích kinh tế, khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) tiếp tục tác động mạnh đến nền kinh tế Bulgaria. Mặc dù thời gian qua, nước này đã tiến hành cải cách kinh tế và luật pháp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của EU. Tiến độ cải cách ì ạch cũng như thất bại trong chống tham nhũng, đặc biệt trong việc chống các băng tội phạm có tổ chức của Sofia là một trong những yếu tố khiến các định chế tài chính quốc tế, trong đó có IMF chưa thật sự muốn trợ giúp Sofia trong quá trình cải cách để phát triển.
7 năm sau khi gia nhập EU, gần 1/4 dân số Bulgaria vẫn sống dưới mức nghèo (theo quy chuẩn chính thức của EU). Bế tắc chính trị đe dọa sẽ tàn phá nền kinh tế của quốc gia Đông Âu với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt khoảng 1,6% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, chiếm tới khoảng 20% lực lượng độ tuổi lao động. Một bộ phận cử tri phàn nàn rằng, các chính khách đang dành quá nhiều thời gian cho các cuộc tranh giành quyền lực và làm giàu bản thân, chưa thực sự quyết tâm giải quyết những khó khăn của đất nước. Do vậy, những bế tắc trên chính trường sẽ chỉ khiến quốc gia vùng Balkan này tiếp tục lún sâu vào những khó khăn mới.