Bên trong cánh cửa

Xã hội - Ngày đăng : 07:16, 08/10/2014

(HNM) - Vóc dáng Hà Nội đổi thay: Đúng rồi! Bộ mặt Hà Nội đổi thay: Đúng rồi! Và khi ta mở cánh cửa vào nhà ai đó thật dễ dàng nhận thấy sự đổi thay và thông qua vật chất, cách bài trí có thể thấy quan niệm, suy nghĩ của người Hà Nội đã khác…


Anh bạn thân của tôi mới mua căn hộ cao cấp ở khu chung cư cao ngất nằm ở phía tây Hà Nội. Người ta bảo giá bất động sản đã chạm đáy nhưng căn hộ 180m2 nhà anh nếu cộng cả chi phí sửa sang nội thất cũng ngót nghét 10 tỷ đồng. Lên thăm nhà mới của anh với tôi là phức tạp và nhiêu khê, đầu tiên phải gửi xe, phải tự tìm cầu thang máy, nếu không biết nó nằm ở chỗ nào lại phải tìm anh bảo vệ đội mũ kê pi chỉ dẫn. Rồi phải nhớ mã, ấn đúng số cánh cửa cầu thang mới chịu mở. Nhà nước đang thực hiện cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục phiền hà lên thăm bạn mà sao phiền hà thế. Anh bạn tôi cười: "Vài lần là quen ngay". Bạn tôi nói như "thật", cái gì làm đi làm lại chả thành quen.



Nhớ lại sau ngày giải phóng Thủ đô, bộ đội, cán bộ từ chiến khu về nên Hà Nội đông hơn. Rồi Hà Nội bước vào một cuộc kiến tạo mới với hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở phía tây thành phố. Xây dựng phải có công nhân, nhà máy sản xuất phải có công nhân, thế là số dân Hà Nội tăng lên. Và thế là hàng loạt các khu tập thể thấp tầng, cao tầng ra đời. Riêng khu phố cổ thì trẻ con lớn hơn nên càng chật trội hơn. Một gian nhà chừng mấy chục mét vuông có tới năm bảy người thuộc ba thế hệ sinh sống. Trong cái khó ló cái khôn, chả biết ai đó đã phát minh ra gác xép. Những cây xà bằng gỗ chôn vào tường và người ta đặt lên đó những tấm ván gỗ thông vốn là thùng hàng có chữ CCCP được bào một mặt, thế là có chỗ cho vợ chồng anh cả. Chỉ có điều vợ chồng anh cả ở trên gác xép lúc nào cũng phải rón rén, nhẹ nhàng.

180m2 thì rộng quá đối với gia đình bạn tôi chỉ có 3 người. Quả thật ở trên cao cũng hay, mắt có thể với tới những tòa nhà rất xa. Tuy nhiên tôi đem băn khoăn hỏi bạn: Với số tiền đó dư sức mua căn nhà rộng rãi ở mặt đất, sao lại phải treo thân lên tầng cao với vô số sự phức tạp? Bạn tôi cười: Ở chung cư không phải lo chỗ đỗ ô tô, xe máy, trên tầng cao yên tĩnh chẳng lo bị strress, cũng không có bụi nên sức khỏe bảo đảm hơn, mọi thứ riêng biệt nên hàng xóm không ai làm phiền ai. Hằng ngày từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ, các thành viên trong gia đình luôn nhìn thấy nhau. Nếu 180m2 nhà ống, con ở một tầng, cha mẹ ở một tầng, sáng nó đi học sớm nhiều khi bố mẹ cũng không biết. Lại có nhà cho con phòng riêng, văn minh thật nhưng luôn kèm theo nỗi lo vì con làm gì bên trong cánh cửa cha mẹ cũng chịu… Đấy là một cách nghĩ và nếu ai cũng chỉ ở mặt đất thì lấy đâu ra đất trong khi đất không nở ra?

Ngay sau đổi mới, bên trong cánh cửa của các gia đình đã chuyển động. Việc đầu tiên là ai cũng cố gắng có một khu phụ riêng. Khu phố cổ không còn cảnh công nhân tối tối đi đổ thùng và câu chuyện "nhà mới làm xong khu phụ" là niềm vui của nhiều người chia sẻ với bạn bè, người thân. Xong cái công trình phụ, dân Hà Nội mới chú trọng đến phòng khách. Thời bao cấp, ngày Tết anh em trong cơ quan rồng rắn kéo đến nhà này, rồi kéo sang nhà khác, ngồi chen nhau trên cái ghế dài đóng bằng gỗ xà cừ vừa để ngồi cũng lại là giường ăn nốt gói mứt chảy nước. Giữa những năm 1990, những cái ghế này được thay bằng bộ sa lông kiểu mới bọc da điệu đà lại có thêm cái gối mềm bên cạnh. Phòng khách là bộ mặt gia đình nên ai cũng cố sắm cái ti vi "inh" càng to càng tốt, bên cạnh để dàn cát sét. Khách đến chơi mở tí "miu zic" cho có không khí cũng là có ý khoe. Có nhà bỏ cái tủ ly hai cánh thay bằng tủ ba mặt kính cao ngồng bên trong bày vài ba chai rượu Tây, bộ ly pha lê trong suốt, kể ra cũng buồn cười vì sự "Âu hóa" rất hồn nhiên ấy. Bây giờ thì nhà có điều kiện có phòng nghe nhạc riêng, phòng xem ti vi riêng vì "khách đến nhà mình đâu phải xem ti vi". Phòng khách nhà bạn tôi đơn giản vì nó không còn là bộ mặt của một gia đình, anh bảo "bộ mặt gia đình bây giờ đã chuyển sang khu bếp". Tôi không am hiểu lắm chuyện bếp núc nhưng hai vợ chồng anh thay nhau kể rồi chỉ, "đây là bếp từ, để dùng bếp này phải có nồi chảo đồng bộ, giá cái chảo khoảng hơn 6 triệu đồng. Nước trong chảo sôi nhưng sờ quai không thấy nóng, rất an toàn cho đứa trẻ hiếu động". Tôi chợt nhớ một thời Hà Nội ăn thịt gà phải cắt bằng kéo thủ công màu đen vì chặt sợ hàng xóm nghe tiếng cho nhà mình là tư sản có thể dẫn đến phiền phức. Vợ bạn tôi kể ra tên đồ bếp hãng này, hãng kia nổi tiếng thế giới giờ đều có bán ở Việt Nam. Và từ lâu, gia đình bạn tôi cũng không kéo nhau đi ăn bít tết ngoài hàng vì "họ làm bằng thịt bò ta, sao ngon bằng bò Mỹ, bò Úc". Ra cái gu ẩm thực trong một bộ phận gia đình trẻ cũng đã khác. Cái bếp bây giờ không còn bồ hóng, không còn cái rá đan bằng những nan tre chuốt nhẵn để vo gạo, cũng không còn cái rổ bằng tre để rửa rau…

Câu chuyện của gia đình bạn tôi có lẽ cũng khá giống với nhiều gia đình trẻ ở Hà Nội. 60 năm qua, Hà Nội đã thay đổi và hiện tại nó vẫn đang chuyển động lên phía trước và tôi tin rằng không lâu nữa, mở cửa nhà của các gia đình, ta thấy đồ đạc có nhiều thứ "Made in Việt Nam" hơn ngày hôm nay…

Nguyễn Ngọc Tiến