Tài sản quý của Thủ đô

Giáo dục - Ngày đăng : 07:08, 08/10/2014

(HNM) - Bao lâu nay, nhân sĩ, trí thức Hà Nội đã không ngừng nêu cao trọng trách là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Thu hút, hội tụ nhân tài sẽ góp phần giúp Hà Nội ngày càng phát triển. Ảnh: Viết Thành


Hơn nửa thế kỷ qua, Thủ đô Hà Nội giữ vững vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Chặng đường phát triển đã qua của Thủ đô và cả nước có sự đóng góp đáng giá của đội ngũ trí thức Hà Nội, nơi tập trung đông đảo các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, những trường đại học hàng đầu. Thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ... đồng thời đầu tư một khoản ngân sách rất lớn cho việc triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ, khoa học xã hội. Đó là những điều kiện và cơ sở quan trọng để đội ngũ trí thức Hà Nội phát huy tài năng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, từ năm 2008 đến năm 2014, giới khoa học tham gia thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ cấp thành phố đã triển khai hơn 600 đề tài nghiên cứu ở cả hai lĩnh vực khoa học công nghệ và khoa học xã hội - nhân văn, cùng 56 dự án sản xuất thử nghiệm. Tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn với các đề tài là trên 70%, với các dự án là 100%. Kết quả và các sản phẩm nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Trong lĩnh vực văn hóa, các nghiên cứu tập trung vào hệ thống các giá trị lịch sử, văn hóa đã và đang góp phần duy trì và nâng cao bản sắc văn hiến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại; xác lập các giá trị văn hóa mới của Thủ đô trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập phát triển với khu vực và thế giới...

Nhiều nghiên cứu đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo trong các doanh nghiệp, trường học, công tác dân vận của chính quyền cơ sở trong giai đoạn hiện nay; dự báo những nhân tố tác động và những vấn đề đặt ra với công tác quốc phòng, quân sự của Thủ đô, đề xuất các giải pháp xây dựng khu vực phòng thủ trong tình hình mới. Trong nông nghiệp, đã có nhiều nghiên cứu về phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, giá trị gia tăng lớn. Hà Nội cũng đã nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ cao trong y học hiện đại (công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ sinh học phân tử...).

Đặc biệt, với tiềm năng và ưu thế của mình, đội ngũ trí thức Thủ đô đã tiến hành hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng hiệu quả, đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các dự án quan trọng về kinh tế, xã hội của Thủ đô và đất nước. Những năm gần đây, hàng trăm lượt trí thức đã tham gia đóng góp ý kiến, thẩm định nhiều đề án, công trình đầu tư của thành phố như: Đồ án Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; Chiến lược KH&CN đến năm 2020; Quy hoạch hệ thống bệnh viện và mạng lưới y tế đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Quy hoạch trường học và hệ thống giáo dục đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Quy hoạch phát triển văn hóa đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất đai giai đoạn 2011-2015 của thành phố.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đất nước đang đứng trước yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Nguồn lực thúc đẩy đổi mới quan trọng nhất không gì khác ngoài nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành TƯ khóa X về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Hà Nội đã ban hành Quyết định số 91/2009/QĐ-UBND về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, nổi bật là chính sách quy định việc thu hút và sử dụng sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, sinh viên thủ khoa, thạc sĩ, tiến sĩ, người có thành tích được công nhận trong các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, y học... Từ năm 2011 đến nay, Hà Nội đã áp dụng cơ chế đặc thù, tổ chức thi và tuyển chọn 500 sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và người có trình độ thạc sĩ để đào tạo cán bộ nguồn. Hằng năm, thành phố đều tổ chức lễ tuyên dương sinh viên xuất sắc, thủ khoa các trường đại học, cao đẳng và có chính sách thu hút, tuyển dụng những sinh viên có kết quả học tập cao, tạo môi trường công tác tốt, thu hút những trí thức giỏi và động viên họ nỗ lực công tác, cống hiến.

Năm 2013, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 14 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Theo đó, có nhiều đối tượng được ưu tiên tiếp nhận hoặc xét đặc cách tuyển dụng không qua thi tuyển, được hưởng hỗ trợ đãi ngộ một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, đó là những thủ khoa tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo đại học ngành, chuyên ngành mà thành phố đang có nhu cầu; các tiến sĩ có công trình, đề án khoa học và chuyên ngành đào tạo đáp ứng chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, giáo viên, giảng viên có thành tích huấn luyện học sinh, sinh viên đạt giải nhất, nhì trong kỳ thi học sinh giỏi; các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân... Sau 2 năm công tác, những người này sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo bậc sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ 30 lần mức lương tối thiểu khi làm luận văn thạc sĩ và hỗ trợ bằng 80 lần lương tối thiểu khi làm luận án tiến sĩ, được hỗ trợ phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, nghiên cứu...

Với những nỗ lực này, Hà Nội thể hiện quyết tâm xây dựng một đội ngũ trí thức vững mạnh, thực sự coi họ là tài sản quý giá của Thủ đô, là "chiếc chìa khóa vàng" mở cánh cửa vào kinh tế tri thức, vươn lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Quỳnh Phạm