Thành phố vì hòa bình

Chính trị - Ngày đăng : 06:52, 08/10/2014

(HNM) - Thập kỷ 9 của thế kỷ XX, thế giới có nhiều biến động, xáo trộn lớn: Liên Xô tan rã, bức tường Beclin bị dỡ bỏ, nước Đức thống nhất, các nước Đông Âu đi tìm con đường mới để xây dựng, phát triển… và nguy cơ bạo lực đang hiện hữu tại nhiều nơi trên thế giới.

Việt Nam như hầu hết các nước trên thế giới đều biết là đất nước đã phải chịu đựng những cuộc chiến tranh liên miên từ thập kỷ 4 đến thập kỷ 7 của thế kỷ trước. Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lại đến cuộc đụng đầu lịch sử chống đế quốc Mỹ. Hòa bình chưa kịp phôi thai, tiếng súng lại vang trên biên giới Tây nam và biên giới phía Bắc. Các thế lực xâm lược có hùng mạnh tới đâu thì những cuộc chiến tranh phi nghĩa cũng nhận được kết cục giống nhau là thất bại thảm hại.

Ngược lại, người Việt Nam buộc phải đứng lên chống lại các đội quân xâm lược. Truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông được thể hiện bằng quyết tâm cao độ: Ai có súng dùng súng, có gươm dùng gươm, không có thì dùng dáo, mác, gậy gộc, đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ - giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh… Và dân tộc ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” (năm 1954) và Mùa xuân toàn thắng (30-4-1975).

Thủ đô Hà Nội cũng không bao giờ yên bình, giặc muốn san bằng để đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá. Không! Cả nước anh dũng đánh giặc và chiến thắng. Thủ đô Hà Nội đánh thắng trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972.

Chúng ta tiến hành chiến tranh chính nghĩa để bảo vệ hòa bình, không phải chỉ cho Việt Nam, mà còn góp phần bảo vệ hòa bình cho các nước trong khu vực, Châu Á và thế giới.

Các cuộc kháng chiến chống xâm lược của Việt Nam không có ý nghĩa nào khác, trước hết là vì hòa bình, bảo vệ hòa bình. Thủ đô Hà Nội những năm 90 chưa được khang trang như bây giờ. Nhưng những gì có lúc đó đều đã đạt được yêu cầu của UNESCO. Đó là một thành phố tuy mới ra khỏi chiến tranh chưa lâu nhưng đã từng bước được xây dựng hiện đại. Một thành phố năng động, hội nhập, phát triển mạnh mẽ toàn diện. Nhiều khu đô thị, nhà cao tầng mọc lên, giao thông được quy hoạch, mở rộng phố xá sạch sẽ, đẹp đẽ. Người Hà Nội có cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng cải thiện, khách du lịch đến với Hà Nội ngày càng nhiều. Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được bảo vệ, tôn tạo. Nhiều trường học, bệnh viện chất lượng cao được xây dựng, việc chăm lo cuộc sống nhân dân được thành phố hết sức coi trọng. Hà Nội có những đỉnh cao về trí tuệ, có các nhà khoa học, học sinh giỏi tầm cỡ quốc tế.

Lễ vinh danh Hà Nội - Thành phố vì hòa bình. Ảnh: Viết Thành


Những năm 90, nhiều người trước đây đã từng ở Hà Nội, khi quay lại cảm thấy ngỡ ngàng về sự thay đổi kỳ diệu, bà con Việt kiều về thăm Hà Nội giật mình vì sức vươn quá lớn trong thời gian quá ngắn. Lãnh đạo một số thành phố lớn trong nước cũng đến Hà Nội để tham khảo công cuộc xây dựng Thủ đô. Hồi đó, Hà Nội thay đổi từng ngày còn là vì hướng tới năm 2000, mốc thời gian kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 990 năm tuổi. Những di tích lịch sử, những công trình văn hóa như: Thành cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên, Viện Bảo tàng, các công trình kiến trúc nghệ thuật, công viên, đình, chùa, được bảo tồn, tôn tạo, nhiều công trình được xây mới, ở khu phố cổ, người dân sửa sang nhà cửa, phố xá trật tự văn minh, thanh bình, dưới bóng cây xanh…

Với truyền thống chống giặc để bảo vệ hòa bình và nay lại phát triển vượt bậc vì một nền hòa bình lâu dài. Như vậy là chúng ta đã hội tụ đủ tiêu chí để đăng ký với UNESCO tham gia cuộc bình chọn khá khắt khe: Toàn thế giới chỉ có 5 thành phố, Châu Á - Thái Bình Dương chỉ được chọn một thành phố, trong khi Bắc Kinh, Quảng Châu… cũng đăng ký. Chúng ta đăng ký tuyển chọn thành phố vì hòa bình cũng để tri ân, tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống vì hòa bình cho cuộc sống, cho Thủ đô và đất nước.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng thông qua thị sát thực địa, qua các kênh thông tin ngoại giao, UNESCO đã tổ chức bỏ phiếu bình chọn vào ngày 16-7-1999 tại thủ đô nước Cộng hòa Bolivia. Và kết quả đúng như mong đợi: 48/51 nước thành viên ủng hộ việc công nhận “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình và kỷ niệm 990 năm”.

Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Việc vinh danh này là vinh danh đất nước với lịch sử hàng nghìn năm chiến đấu bảo vệ công lý, bảo vệ hòa bình, mà Hà Nội vinh dự được thay mặt đón nhận. Tự hào với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, 15 năm qua với sự nỗ lực không ngừng Hà Nội đã vươn lên tầm cao mới đẹp hơn, khang trang, hiện đại hơn rất nhiều. Thủ đô có nhiều tòa nhà cao, nhiều khu đô thị lớn, có những cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng: Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Đông Trù. Cầu Nhật Tân được coi là đẹp, hiện đại và dài nhất nước. Kinh tế tri thức - công nghệ thông tin phát triển. Hà Nội có những con đường rộng rãi như Đại lộ Thăng Long, những công trình thể dục thể thao tầm cỡ khu vực, có thể đăng cai các giải thể thao lớn, có các trung tâm hội nghị quốc gia, quốc tế; có nhiều phương tiện giao thông phát triển theo xu hướng của một thành phố hiện đại văn minh. Chính quyền thành phố với phương châm: “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” đang từng bước xây dựng Thủ đô theo quy hoạch đã đề ra đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, để nhân dân có cuộc sống thanh bình ngày càng sung túc. Làm được như thế cũng là thực hiện mục tiêu của UNESCO: Xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ và sự bình đẳng trong cộng đồng. Hà Nội mãi mãi xứng đáng với sự tin yêu của bạn bè thế giới đã vinh danh Thủ đô Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình”.

Công Nghĩa Hoàn