Hà Nội bừng tiến quân ca
Chính trị - Ngày đăng : 06:44, 08/10/2014
Người dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, cờ hoa tưng bừng "đón mừng đoàn quân tiến về" trong niềm hân hoan, vui sướng… 60 năm đã trôi qua, những chàng trai trẻ của đội hình quân tiên phong ngày ấy giờ đều đã ở tuổi 80, nhưng kỷ niệm của một thời "tiến về Hà Nội" vẫn nguyên vẹn, hào hùng như xưa…
Thủ đô Hà Nội sáng 10-10-1954. Ảnh tư liệu |
Những người "tiền trạm"
Để có một Hà Nội rực rỡ cờ hoa trong ngày 10-10 năm ấy, ít ai biết rằng Tiểu đoàn Bình Ca, còn gọi là Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô), Sư đoàn 308 (Đại đoàn Quân tiên phong) đã về Hà Nội trước 2 ngày để nắm chốt những vị trí quan trọng, đấu tranh phòng chống âm mưu phá hoại của quân địch trước khi rút đi.
Ngay sau khi Hiệp định Genève ký kết, Hội nghị quân sự Trung Giã giữa quân đội ta và Pháp cũng đi đến kết quả về việc phân chia thời gian, địa điểm rút quân. Theo đó, địch phải rút khỏi Hà Nội sau Hội nghị Genève 80 ngày. Ngày 19-9, Bác Hồ gặp cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 tại Đền Hùng và giao nhiệm vụ cho đơn vị về tiếp quản Hà Nội. Cuối tháng 9, Tiểu đoàn Bình Ca được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng về tiếp quản những địa điểm quan trọng của Hà Nội như các trụ sở làm việc, nhà máy điện, nhà máy nước, các trọng điểm giao thông…, bảo đảm giữ được nguyên vẹn tài sản, không cho đối phương phá hoại hoặc mang theo khi rút quân. Hai ngày cùng canh gác với quân Pháp, Tiểu đoàn Bình Ca đã giữ nguyên vẹn 35 địa điểm an toàn. Không những thế, họ đã kịp thời ngăn chặn ý định phá hoại giếng nước lọc của Nhà máy Nước Yên Phụ; doanh trại pháo binh Ngọc Hà...
Ở một mặt trận khác, CCB Nguyễn Tiến Trang, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, người được cử tham gia Ủy ban Liên kiểm Việt - Pháp giám sát việc bàn giao giữa quân đội Pháp với quân đội Việt Nam trước ngày tiếp quản Thủ đô nhớ lại: Khi Hiệp định Genève được ký kết, ông và đồng đội nhận nhiệm vụ mới là học tập chính trị, học cách ứng xử, thậm chí học cả cách sử dụng điện, nước và đồ gia dụng của người Hà Nội để chuẩn bị vào tiếp quản Thủ đô. Khi về Hà Nội, đơn vị đóng tại Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện 108), sáng ra xuống sân bay Bạch Mai làm việc, đấu tranh không cho Pháp phá, tháo máy móc đem đi hoặc cài mìn, cài ngụy quân ở lại… Ông kể: "Tôi được phân công phụ trách giám sát việc tiếp quản từ chợ Mơ và dọc hai bên đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài đến Bờ Hồ, qua Hàng Ngang, Hàng Đào, bốt Hàng Đậu ra đến đầu cầu Long Biên và tiễn những người lính Pháp cuối cùng qua cầu rút sang Gia Lâm trong buổi chiều muộn 9-10-1954. Những người lính Pháp mà tôi gặp đều im lặng, cúi đầu…".
Vinh dự và tự hào
Đại tá Lê Văn Tính, nguyên chiến sĩ Đại đội 283, đơn vị trợ chiến trực thuộc Trung đoàn Thủ đô nhớ như in cái ngày trung đoàn hành quân từ Phùng (Đan Phượng) về Cầu Diễn qua Cầu Giấy rồi tiến vào nội thành. "Đây là lần đầu tiên tôi được về Hà Nội nhưng sự chào đón nồng ấm của người dân Thủ đô cho tôi cảm giác mình như người con đi xa lâu ngày trở về quê hương". Ông còn nhớ như in lời dạy của Bác Hồ: “Các cháu vào tiếp quản Thủ đô, nhớ giữ gìn kỷ luật, cái gì chưa biết thì phải hỏi dân nếu không sẽ gặp phải những viên đạn "bọc đường".
Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp, nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng kể, ngày được biên chế ở Tiểu đoàn 58, Trung đoàn Thủ đô, ông mới tròn 16 tuổi. Trước ngày 10-10-1954 gần một tháng, đơn vị được lệnh hành quân về phía nam Hà Nội (khu vực Thường Tín) để học tập, chuẩn bị công tác tiếp quản Thủ đô. "Là người con Hà Nội xa quê đi chiến đấu đã gần 8 năm nên khi biết đơn vị chuẩn bị làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô tâm trạng tôi rất sung sướng, bồi hồi. Tối 9-10, cả đơn vị hành quân từ Thường Tín vào khu vực Đông Dương học xá (nay là Đại học Bách khoa). Sáng 10-10, đơn vị tiếp tục hành quân từ Bạch Mai đi Phố Huế, Bờ Hồ để tiếp quản dọc sông Hồng (khu vực từ cầu Long Biên đến Nhà thương Đồn Thủy). Bộ đội đi đến đâu, nhân dân chào đón đến đó, những gương mặt rạng rỡ, những nụ cười, những ánh mắt thân thương. Đường phố rực rỡ cờ hoa, tiếng hò reo như sóng dậy...".
Trong đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong ngày thu tháng 10 lịch sử ấy có ông Nguyễn Thụ (80 tuổi, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng). Đã 60 năm trôi qua, trong ông vẫn vẹn nguyên không chỉ hình ảnh Hà Nội cờ hoa rợp trời với hàng vạn người dân đổ ra đường đón chào đoàn quân chiến thắng trở về mà còn có cả những giọt nước mắt. Đại tá Nguyễn Thụ kể: "Có cụ già khóc vì nhìn thấy con trai hành quân qua mà không thể gọi được. Có người phụ nữ bật khóc tức tưởi vì mỏi mắt tìm chồng sau 8 năm chinh chiến bặt tin mà vẫn không thấy đâu. Lại có chị bất chợt bắt gặp chồng trong hàng quân liền vỡ òa vui sướng, giật ngay mảnh khăn tang trên đầu xuống xé tan…". Những cảm xúc dồn nén ấy sau này ông Thụ viết thành truyện ngắn "Từ cõi chết trở về", được phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1992. Ông Thụ còn kể, sau khi vào tiếp quản Hà Nội, chứng kiến lính Pháp lặng lẽ rút qua cầu Long Biên, trong lòng ông và đồng đội lại trào dâng niềm tự hào khi nhớ về 9 năm trước, chính tại cây cầu này, chính xác là dưới gầm của nó, những người lính Trung đoàn Thủ đô - chính là Trung đoàn 102 của ông - đã rút lui để bảo toàn lực lượng sau 61 ngày đêm kiên cường chiến đấu bảo vệ Liên khu I. Và giờ đây, sau hơn 3.000 ngày kháng chiến gian lao mà anh dũng, Trung đoàn Thủ đô lại vinh dự đi tiên phong trong đoàn quân chiến thắng trở về.
60 năm đã trôi qua, những kỷ niệm của những ngày tiếp quản Thủ đô vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi người lính Đại đoàn Quân Tiên phong năm xưa. Đấy là niềm tự hào, hành trang để họ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hôm nay, những người lính đi trong đoàn quân chiến thắng ngày ấy lại trở thành nhân chứng lịch sử cho sự đổi thay của Thủ đô. Hà Nội hôm nay đã là "Thành phố vì hòa bình", là điểm đến của nhiều du khách nước ngoài, trong đó có cả những người trước đây ở bên kia chiến tuyến...