Khởi sắc nông thôn Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 06:32, 08/10/2014
Những miền quê từng ngày đổi mới
Xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, từ trên triền đê sông Hồng phóng tầm mắt ra xa, khắp trong đồng, ngoài bãi đều phủ một màu xanh của cây ăn quả, rau gia vị. Trong khu dân cư là những ngôi nhà bề thế ngày một nhiều, minh chứng cho sự trù phú của một ngôi làng ven sông. Bí thư Đảng ủy xã Đông Dư Nguyễn Đức Thể cho biết, xã có 8 thôn với hơn 1.500 hộ dân, trong cơ cấu kinh tế của xã chiếm 46% là nông nghiệp, nhưng Đông Dư không trồng lúa, toàn bộ diện tích 135ha được phủ kín ổi tứ quý và rau gia vị (mùi tàu, tía tô). Trong đó, 115ha trồng ổi tứ quý, người dân thu quanh năm chứ không thu theo mùa vụ như trước đây, đạt giá trị 250-300 triệu đồng/ha; cây rau gia vị còn cho giá trị cao hơn, khoảng 300 triệu đồng/ha. Đến nay, xã có 15/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM… Những đổi thay đến với người dân không chỉ trên những cánh đồng cho năng suất cao mà còn ở đời sống tinh thần được nâng lên rõ rệt. Trưởng thôn 2 Dương Thị Hiệp vui mừng giới thiệu về khu nhà văn hóa có khuôn viên rộng khoảng 700m2 vừa hoàn thành, trong đó, diện tích xây dựng nhà văn hóa là 200m2 với kinh phí đầu tư 3 tỷ đồng. Trước kia, khi chưa có nhà văn hóa, mỗi khi thôn có công việc lại phải mượn đình làng làm nơi sinh hoạt, nay có nhà văn hóa, ngoài phục vụ họp hành, đây còn là địa chỉ vui chơi, giải trí của nhân dân.
Sản xuất rau sạch tại huyện Mê Linh. Ảnh: Thái Hiền |
Từ Đông Dư, đến các xã vùng xứ Đoài "mây trắng", hay khu vực vùng núi huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức… ở đâu cũng có thể cảm nhận sự đổi thay. Cách đây vài năm, mỗi khi nhắc đến xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây là người ta thường nghĩ đến những "cái nhất", đó là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, việc tổ chức đám tang cho người quá cố linh đình nhất, có nhiều đơn thư vượt cấp nhất... Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Sơn Đông chỉ có 2/19 tiêu chí đạt chuẩn. Đây cũng là xã được phê duyệt Đề án xây dựng NTM muộn nhất thành phố, đúng vào thời điểm nền kinh tế suy thoái nặng nề, nên khi thực hiện xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, đến với Sơn Đông hôm nay, bộ mặt làng quê đã có những thay đổi rõ nét. Những "cái nhất" trước đây cơ bản được đẩy lùi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Người dân đã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Qua đánh giá, chấm điểm NTM, xã Sơn Đông đã đạt 90/100 điểm, tương ứng 13 tiêu chí đạt, 6 tiêu chí cơ bản đạt…
Bắt đầu triển khai năm 2009 với xã điểm Thụy Hương (Chương Mỹ) do Trung ương làm điểm, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn Thủ đô nhanh chóng được nhân rộng tại 19/19 huyện, thị xã với 3 xã làm điểm của thành phố và 15 xã làm điểm của các huyện, thị xã. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước với 38 xã (không kể 12 xã của huyện Từ Liêm) đạt chuẩn NTM. |
Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho tam nông
Có thể nói, chưa bao giờ nông thôn Hà Nội được quan tâm, đầu tư đồng bộ như hiện nay. Nông thôn phát triển có quy hoạch và theo quy hoạch là một bước phát triển mới, đem đến những diện mạo mới. Hà Nội đã chọn khâu đột phá là dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ được ban hành đã giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Nguyễn Công Soái đã chỉ đạo các địa phương tập trung vào làm trước các tiêu chí không cần nhiều kinh phí như văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự. Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, thành phố tập trung ưu tiên những công trình thiết yếu, phục vụ sản xuất làm trước.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đến nay tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn thành phố lũy kế đến hết quý II đạt hơn 17.000 tỷ đồng (không tính hai quận Từ Liêm), trong đó vốn từ ngân sách là hơn 13.000 tỷ đồng. Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, đã và đang có hàng vạn hộ nông dân sẵn sàng đóng góp sức người và vật chất để xây dựng hạ tầng cơ sở. Với nhiều nguồn lực được huy động, nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực nông thôn đã được đồng loạt triển khai nâng cấp và hoàn thiện. Đến nay, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở UBND được cứng hóa đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa 95%; hệ thống thoát nước thải chung đáp ứng yêu cầu đạt 67%; có tổ chức thu gom rác thải đạt 98%; số trạm y tế xã có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh 96,4% và số hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh là 66,9%. Tỷ lệ thôn, làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa là 54,5%; số thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa - thể thao đạt 80,5%. Hệ thống trường lớp và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 dột nát, không có trường phải học 3 ca. 100% số xã có trạm y tế, có hệ thống loa truyền thanh. Hệ thống đê điều, kênh mương thủy lợi được củng cố, nâng cấp, cứng hóa, bảo đảm an toàn trong phòng, chống lũ và tiêu úng, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Ông Phí Văn Thiệu (xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai):Tôn vinh chiến thắng bằng các thiết chế văn hóa Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp thắng lợi, có rất nhiều làng kháng chiến thuộc cửa ngõ phía tây của Thủ đô đã làm nên những chiến công oanh liệt. Hiện nay, trong chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội, nhiều làng quê tích cực xây dựng giao thông nông thôn và các thiết chế văn hóa để tôn vinh di tích lịch sử văn hóa, truyền thống cách mạng như: Xây dựng trên các trận địa chiến thắng khu trung tâm văn hóa, hoặc nhà văn hóa, đình làng… trong đó có các bức phù điêu, tượng đài kỷ niệm chiến thắng tri ân các bậc tiền bối đã anh dũng hy sinh… Hằng năm, các em học sinh thường xuyên được thầy cô giáo đưa đến để tìm hiểu lịch sử địa phương. Đây là một việc làm ý nghĩa cần được khôi phục duy trì và phát triển để giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng địa phương. Bà Nguyễn Thu Hiền (khu tập thể Kim Liên, Đống Đa):Quan tâm hơn nữa đời sống của người dân Những năm qua, cùng với quá trình đô thị hóa, Thủ đô Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần sớm giải quyết. Đó là sự phát triển quá tải về dịch vụ y tế, cơ sở giáo dục, ô nhiễm môi trường, hệ thống giao thông, thoát nước chưa được giải quyết triệt để… do gia tăng dân số cơ học. Trên thực tế, các không gian văn hóa, vui chơi giải trí phục vụ nhân dân Thủ đô vẫn còn thiếu và chưa được quy hoạch đồng bộ. Bên cạnh đó, tôi thấy việc cải tạo các chung cư cũ, nhà nguy hiểm không chỉ giúp hàng vạn người dân yên tâm sinh sống mà còn tạo bộ mặt đô thị của thành phố nhưng hiện vẫn đang trong quá trình thực hiện cầm chừng. Nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, mong rằng, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cấp chính quyền đóng góp nhiều ý tưởng để giúp lãnh đạo thành phố giải quyết các vấn đề tồn tại của quá trình đô thị hóa, thực hiện tốt quy hoạch chung xây dựng của Thủ đô. Chị Lâm Huyền Thu (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân): Tạo dựng nền văn hóa mang bản sắc dân tộc Không khí kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, chúng ta có thể thấy được ở mọi nơi, mọi lúc. Nhưng ấn tượng với tôi phải kể đến việc không gian văn hóa, thiết chế văn hóa đang rất được quan tâm. Điển hình là việc các cơ quan chức năng yêu cầu di dời một loạt linh vật, tượng đá lạ ra khỏi di tích… Câu chuyện này không chỉ dừng lại ở việc trả lại nguyên trạng di tích mà thể hiện sự du nhập văn hóa thiếu định hướng một cách ồ ạt. Do đó, việc di dời này là hết sức cần thiết, thể hiện sự quản lý nghiêm của cơ quan chức năng và hướng đến một nền văn hóa thuần Việt và Hà Nội phải là nơi thể hiện được bản sắc văn hóa này. Qua đây tôi muốn nhấn mạnh rằng văn hóa là cốt lõi, là hồn của dân tộc và Hà Nội cần phải có hành động thiết thực, gây dựng được phong trào, lối sống để bảo đảm rằng văn hóa truyền thống phải được duy trì và tiếp nối đến mai sau. |