Động lực phát triển khu vực Bắc sông Hồng
Xã hội - Ngày đăng : 06:19, 08/10/2014
Khó chồng lên khó
Dự án xây dựng đường 5 kéo dài là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô, được khởi công xây dựng từ năm 2005. Có thể nói, không có nhiều dự án trên địa bàn Thủ đô phải trải qua nhiều khó khăn như dự án này.
Cầu Đông Trù sẽ được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Anh Tuấn |
Trước tiên là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuyến đường có chiều dài hơn 13km, thuộc địa phận 3 phường là Đức Giang, Thượng Thanh, Ngọc Thụy của quận Long Biên và 5 xã là Đông Hội, Xuân Canh, Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Kim Nỗ của huyện Đông Anh. Với diện tích đất thu hồi 142,24ha, tổng số hộ phải di chuyển khoảng 4.750 hộ đất nông nghiệp, 770 hộ đất ở, di chuyển khoảng 600 ngôi mộ. Số hộ dân bị ảnh hưởng lớn, trong khi giai đoạn này, cơ chế chính sách liên quan đến GPMB có nhiều thay đổi đã làm cho tiến độ GPMB bị chậm đáng kể. Ngoài ra, trên phần mặt bằng chính tuyến đường 5 còn có lưới điện 110KV, 35KV và tuyến ống xăng dầu quân đội chạy qua, để thực hiện được dự án phải di dời toàn bộ hệ thống lưới điện và tuyến ống xăng dầu này. Không chỉ vướng mặt bằng, trong quá trình triển khai, dự án bị ảnh hưởng rất lớn của hai đợt "bão giá" từ các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào các năm 2008 và 2010, làm cho giá các loại nguyên vật liệu chính đều tăng gần gấp đôi so với thời điểm đấu thầu; đặc biệt là lãi suất ngân hàng cũng tăng cao nên các nhà thầu rất khó khăn trong việc huy động vốn phục vụ thi công.
Một khó khăn nữa không thể không nhắc đến, đó là yếu tố kỹ thuật phức tạp, nhất là tại gói thầu số 13 xây dựng cầu Đông Trù - một trong những hạng mục quan trọng nhất của dự án đường 5 kéo dài. Cây cầu này dài 1.139m, bề rộng mặt cắt ngang 55m. Nhịp chính có khẩu độ 80-120-80m với công nghệ cầu vòm ống thép nhồi bê tông - công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam, do vậy đã phải tổ chức đấu thầu quốc tế. Nhà thầu Trung Quốc trúng thầu, nhưng sau đó nhà thầu ngoại này tự rút lui dẫn đến dự án bị đình trệ. UBND TP Hà Nội đã quyết định giao cho Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1) đảm đương gói thầu phức tạp này với những cam kết rất khắt khe về chất lượng, kỹ thuật và tiến độ.
Công trình của chất lượng
Theo ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn, chất lượng công trình luôn được chủ đầu tư và các nhà thầu quan tâm ở mức cao nhất. Tham gia thi công công trình trọng điểm này đều là những nhà thầu uy tín hàng đầu của Việt Nam hiện nay như Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty 319 - Bộ Quốc phòng… Hằng tháng, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đều kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình và kiểm tra trình tự nghiệm thu, hồ sơ nghiệm thu các hạng mục công trình. Mọi thứ đều được kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng công trình ở mức cao nhất.
Riêng về cầu Đông Trù - hạng mục được đánh giá là phức tạp và quan trọng nhất của toàn bộ dự án này; sau khi nhà thầu Trung Quốc rút lui, CIENCO1 được thành phố tin tưởng, giao nhiệm vụ thi công cầu. Nhận nhiệm vụ từ tháng 4-2013, trên công trường lúc nào cũng có khoảng 500 kỹ sư, công nhân của CIENCO1 tổ chức thi công 3 ca liên tục. Kết cấu phần trên cầu Đông Trù gồm 3.000 tấn vòm thép, 94 dầm ngang, 176 dầm dọc, 2.324 phiến dầm bản và 2.400 khối bê tông nhồi trong vòm thép…
Ông Đặng Thanh Bình - Giám đốc điều hành dự án cầu Đông Trù cho biết, thách thức lớn nhất trong quá trình lắp vòm, lao dầm là sự đòi hỏi khắt khe về kiểm soát cao độ của đỉnh sườn vòm, lực căng cáp giằng và chuyển vị chân vòm. Tất cả phải chính xác tuyệt đối, bởi nếu nâng sai một nhịp sẽ kéo theo các nhịp khác... Với tất cả nỗ lực, vượt qua những khó khăn thách thức, công trình cầu Đông Trù đã "về đích" đúng dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, trở thành một điểm nhấn quan trọng của Thủ đô văn minh, hiện đại, thực sự là tinh hoa công nghệ của ngành cầu đường Việt Nam.
Việc đầu tư dự án đường 5 kéo dài nhằm bảo đảm các điều kiện về hạ tầng GTVT phục vụ đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị phía Bắc sông Hồng như: Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm - Sài Đồng - Yên Viên, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của thành phố; tạo nên hướng giao thông ngoại vi phía Bắc đối trọng với hướng đi phía Nam qua cầu Thanh Trì, đặc biệt là hướng giao thông từ quốc lộ 5 đi quốc lộ 3 và quốc lộ 2.