Hiện đại và bản sắc
Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 08/10/2014
Theo ông Lê Vinh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, năm 2008, Hà Nội mở rộng quy mô lên 3.344km2, lớn nhất từ trước tới nay. Và tháng 7-2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050, cũng là đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đồ sộ nhất từ trước tới nay. Theo đó, Hà Nội phát triển không gian theo mô hình chùm đô thị (đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh) liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông vành đai và trục hướng tâm, phân cách với nhau bằng các hành lang xanh. Sau 3 năm triển khai, hàng chục đồ án quy hoạch chuyên ngành, phân khu đô thị đã được phê duyệt, trong đó có nhiều đồ án quy hoạch chuyên ngành chưa từng có, ngay sau khi phê duyệt đã góp phần giải quyết những vấn đề của đô thị hiện hữu như: Nghĩa trang, rác thải, cây xanh… Lần đầu tiên và rất sớm sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, thành phố đã triển khai một đồ án quy hoạch chi tiết quy mô lớn là quy hoạch hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài, đánh dấu việc chuyển trọng tâm phát triển sang khu vực Bắc sông Hồng. Cũng lần đầu tiên quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc chung thành phố được lập nhằm xác định công cụ quản lý lâu dài thực thi quy hoạch chung và là cơ sở triển khai các quy chế quản lý cấp dưới. Cũng lần đầu, đô thị trung tâm được triển khai quy hoạch đồng bộ với đầy đủ các bộ môn, bảo đảm tính thống nhất cao trên toàn hệ thống, phục vụ hữu hiệu các mục tiêu quản lý, phát triển…
Ảnh: Vũ Long |
Đánh giá cao đồ án quy hoạch chung Hà Nội năm 2011, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội) cho rằng, với địa giới mở rộng Hà Nội có nhiều lợi thế, cơ hội để phát triển nhưng đồng thời thách thức thấy rõ nhất là phát triển khu vực lõi, nội đô lịch sử, nơi có trung tâm Ba Đình, Hoàng thành Thăng Long, Hồ Gươm, Hồ Tây, phố cổ, phố cũ… làm sao vừa hiện đại vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống. "Trước hết là mạng lưới giao thông, trong đó có các bến, bãi đỗ xe cần tập trung, tạo đột phá về cải tạo và phát triển. Hà Nội đã nhiều lần nghiên cứu, xây dựng quy hoạch giao thông, trong đó có xác định cụ thể cho khu vực nội đô. Thực tế nhiều tuyến đường đã có dự án nhưng thực hiện chưa được như mong muốn, như tuyến Trần Khát Chân - Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Một số làng, khu đô thị cũ chưa có mạng đường thích hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị… Rồi mạng lưới các điểm, bến, bãi đỗ xe đã có những nghiên cứu, điều chỉnh song kết quả vẫn còn lúng túng" - TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.
Còn theo PGS-TS Phạm Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội), 60 năm với bao đổi thay, sức ép đô thị hóa, giữ được Hà Nội như hôm nay là điều thật sự đáng mừng. Nhưng với những người trong nghề và cả những người yêu Hà Nội, chắc chắn vẫn còn nhiều trăn trở. Một Hà Nội đẹp dường như chỉ giới hạn trong phố cổ, phố cũ, Hồ Tây. Ra ngoài một chút, cái đẹp không còn thấy bóng dáng; thiếu bản sắc, nhác giống đâu đó, khó mà rung cảm. Vậy đô thị Hà Nội thiếu cái gì? Đó là không gian công cộng có giá trị sử dụng, thẩm mỹ, giá trị xã hội cao, nơi thực sự là "phòng khách của đô thị". Đó là những quảng trường là nơi tập thể dục buổi sáng, không gian cà phê, triển lãm buổi trưa, là nơi biểu diễn buổi tối; có thể kết hợp văn hóa, thương mại, kết nối tuyến phố đi bộ; đa dạng chức năng, tận dụng mọi thời gian trong ngày.
KTS Lê Văn Lân nhận xét, những năm qua đã có những tiến bộ đáng kể trong quản lý quy hoạch, đô thị. Song câu chuyện về kiến trúc đô thị trên những tuyến phố mới mở còn nhiều chuyện đáng nói. Đó là chưa có những ràng buộc hiệu quả và cụ thể với các chủ hộ khi xây nhà mặt phố. Ở khu phố cũ, trước nhà có bao giờ xây sát với tường rào (chỉ giới đỏ), bây giờ thì chỉ giới xây dựng như chẳng còn phân biệt với chỉ giới đỏ. Vậy là quy hoạch đã bị phá hỏng, di sản khu phố cũ đang bị xâm hại nghiêm trọng. Dù đã bỏ nhiều công sức, tiền của vào giữ gìn và tu tạo, các di tích kiến trúc cổ vẫn đang đứng trước nguy cơ bị làm lại mới một cách đáng ngại. Thật đáng mơ ước, nếu có thể giữ lại, có thêm nhiều những Đường Lâm, Cự Đà, Triều Khúc và cả những làng nghề Đa Sỹ, Kiêu Kỵ, Bát Tràng... Những không gian văn hóa làng xã ấy sẽ giữ lại cho chúng ta bản sắc, không để đô thị chỉ còn hấp dẫn bởi những đại lộ đầy nhà cao tầng chen nhau khô cứng.
Ông Duy Tường (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân): Hà Nội xứng tầm Thủ đô văn minh hiện đại Mấy năm lại đây, một khoảng đất từ nền cũ của Công ty Cơ khí Hà Nội trước kia nay đã trở thành KĐT mới Royal City rất đẹp và khang trang khiến chúng tôi là những công nhân cũ của Công ty Cơ khí Hà Nội, tuy không còn nhà máy thân quen gắn bó với đời công nhân, đôi lúc cũng chạnh lòng, nhưng nghĩ đến tiến trình xây dựng Thủ đô mở rộng, văn minh, hiện đại mà niềm vui nhân lên. Những năm tới nhiều KTT cũ dọc đường Nguyễn Trãi cũng sẽ được xây dựng đàng hoàng hơn. Con đường này được chỉnh trang to rộng kết nối với quận Hà Đông, với đường cao tốc trên cao và Đại lộ Thăng Long, có đường sắt trên cao vào trung tâm thành phố, xuống Bến xe Yên Nghĩa, chắc chắn việc đi lại sẽ thuận tiện. Hà Nội sau 60 năm giải phóng, được mở rộng đang là một công trường lớn tiến tới một đô thị xứng tầm là Thủ đô của nước Việt Nam giàu đẹp. Ông Đinh Ngọc Sơn (Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn, Quốc Oai): Phát huy quyền làm chủ của người dân Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển Thủ đô 60 năm qua, có thể thấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng Thủ đô thanh lịch, văn minh, hiện đại. Có được kết quả đó là do Hà Nội đã và đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân trong mọi mặt đời sống, đồng thời triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thực hành dân chủ tại cơ sở. Nhờ thực hành dân chủ nghiêm túc, người dân đã tin tưởng, góp sức người, sức của cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Được biết, trong 5 năm (2008-2013), người dân thành phố đã đóng góp gần 4.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Hy vọng những năm tiếp theo, Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt việc phát huy dân chủ, lắng nghe dân, tôn trọng ý kiến của người dân nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. |