Áp thuế tiêu thụ đặc biệt liệu có “bảo hộ” được cho Game Việt?

Công nghệ - Ngày đăng : 18:20, 07/10/2014

(HNMO)- Những ngày gần đây, làng game Việt bất ngờ trước thông tin Bộ Tài chính đề xuất bổ sung game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mức thuế suất áp dụng là 10%, tương đương trên 650 tỉ đồng/năm.

Các bạn trẻ rất quan tâm đến games online


Khó “cõng” khó

Báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết năm 2013 có khoảng 58 doanh nghiệp tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM cung cấp game online trên thị trường Việt Nam với tổng doanh thu lên tới khoảng 7.983 tỉ đồng. Bộ này cũng nêu rõ hiện có 73 game online đang được Bộ TT-TT cấp phép phát hành trên thị trường. Nhưng trên thị trường còn tồn tại hàng trăm trò chơi lậu không phép, đặc biệt là các trò chơi có nguồn gốc từ nước ngoài đã thu lợi nhiều tỉ đồng từ cộng đồng game thủ Việt Nam. Điều đó càng cho thấy, các doanh nghiệp trong nước thực chất được hưởng số doanh thu được gọi là “khủng” lại không hề nhiều.

Chưa hết, theo một đại diện doanh nghiệp làm game online tại TPHCM, game online bị tạm ngưng cấp phép ở Việt Nam từ năm 2010-2013. Trong khoản giai đoạn đó, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh game đã tiến hành "lách luật" bằng cách đặt máy chủ của game ở nước ngoài. Vô hình trung tạo ra một nghịch lý, cả game trong nước và game nước ngoài đều phải qua một nước trung gian mới được phát hành tại Việt Nam. Điều này khiến cho các doanh nghiệp mất thêm một khoản tiền không hề nhỏ, nói cách khác gần như 2/3 doanh thu từ game đã chảy ra nước ngoài để đi vào túi của đối tác.

Khi các ngành game mới được cấp phép game mới trở lại chưa lâu và khó khăn vẫn chưa qua, thì game online đứng trước khả năng bị đánh thêm 10% thuế. Tất nhiên, nhìn vào con số doanh thu hơn 7 ngàn tỷ mỗi năm, khó có thể phủ nhận khả năng tạo ra doanh thu lớn, cũng như khả năng trong ngắn hạn đem lại số thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước từ việc thu thuế các doanh nghiệp kinh doanh chân chính trong ngành công nghiệp này tại Việt Nam.

Liệu có thiếu sự bình đẳng?

Có thể nói, việc quản lý game online cũng như cấp phép cho các sản phẩm game hiện nay trên thị trường vẫn chưa thực sự đi vào nề nếp: Game lậu hoành hành, nhiều game phát hành xuyên biên giới và không chịu sự quản lý của thuế… Do đó, các cơ quan quản lý cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu loại thuế tiêu thụ đặc biệt này với các doanh nghiệp Việt Nam, chứ chưa nói tới các công ty nước ngoài. Ở khía cạnh tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp, áp thuế TTĐB cho game online lại đang mang nhiều lo lắng hơn là kỳ vọng.

Ông Ngô Văn Luyến, Ceo Divmod khẳng định, ở Việt Nam, doanh nghiệp phát hành nhiều hơn doanh nghiệp sản xuất cho nên quy định từ Bộ Tài Chính nếu được áp dụng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp ngành game. Những doanh nghiệp này mua game để phát hành, nên khi game bị đánh thêm thuế, họ cũng áp giá đối với các doanh nghiệp sản xuất game trong nước. Duy chỉ có các nhà sản xuất game nước ngoài là hưởng lợi vì họ chẳng ảnh hưởng gì. Kế đó, chắc chắn những nhà phát hành game lậu càng hưởng lợi hơn vì họ chẳng quan tâm đến các khoản thuế nào cả.

Đứng ở góc độ là một studio game nhỏ, đại diện Goya game cho rằng, đến nay ngay cả định nghĩa thế nào là game online vẫn chưa thấy có một quy định cụ thể. Có nhiều game không chơi online, nhưng thu tiền qua các ứng dụng, và cho phép tải thêm nội dung để trả tiền, có bị tính là game online không? Tranh đua top nhưng không đối kháng trực tiếp (ví dụ đua Highscore) có bị tính không? Có nhiều game kết nối online chỉ để thu thập và phân tích thói quen người dùng chứ không dùng để thu tiền, vẫn bị liệt vào game online mà đánh thuế sẽ giết chết những người làm game cỡ nhỏ - vốn là lực lượng làm game tại Việt Nam.

Tiềm năng thu lời từ ngành công nghiệp game nói riêng và phần mềm nói chung là rất lớn. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia trên thế giới đều đang “nuôi dưỡng” ngành này bằng nhiều ưu đãi, thì kiến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt xuất hiện ở Việt Nam cũng cần một sự cân nhắc thấu đáo hơn để đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp non trẻ nước nhà.

T.M