Việt Nam chủ động ứng phó với siêu bão mạnh cấp 17

Đời sống - Ngày đăng : 16:13, 07/10/2014

(HNMO) - Sáng 7-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành bàn phương án đối phó với siêu bão mạnh cấp 16-17 có thể đổ bộ vào Việt Nam.

Những năm gần đây trên thế giới xảy ra nhiều siêu bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản như bão Katrina đổ bộ vào Hoa Kỳ năm 2005, bão Nargis đổ bộ vào Myanmar năm 2008… Đặc biệt, năm 2013 siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines với gió mạnh trên cấp 17, nước biển dâng cao 6-8m, làm hơn 6.200 người thiệt mạng, phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng khu vực bão đổ bộ... “Dù người dân Việt Nam đã quá quen với lũ bão, nhưng không thể hình dung được sức tàn phá của siêu bão Haiyan gây ra cho đất nước Philippines lại nặng nề đến vậy. Ngay sau khi bão tan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo PCLB trung ương sang Philippines nghiên cứu, phân tích về siêu bão Haiyan để xây dựng giải pháp ứng phó cho Việt Nam”- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết.

Những năm gần đây, tuy tần suất bão không tăng nhưng cường độ của bão lại rất mạnh và ngày càng cực đoan hơn. Cũng bởi vậy, thời gian gần đây chúng ta không thể dự báo chính xác được tình hình mưa, lũ. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Siêu bão có thể đổ bộ vào Việt Nam bất kỳ lúc nào, vì vậy chúng ta phải khẩn trương, không còn nhiều thời gian chờ đợi, nghiên cứu sâu mà vừa làm vừa điều chỉnh”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo phòng, chống siêu bão Hải Yến năm 2013. Ảnh: VGP/Nguyên Linh


Hiện nay, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH đã chia thành 5 vùng bão ảnh hưởng theo phân cấp tăng dần, gồm: Quảng Ninh - Thanh Hóa (Vùng 1), Nghệ An - Thừa Thiên Huế (Vùng 2), Đà Nẵng - Bình Định (Vùng 3); Phú Yên - Khánh Hòa (Vùng 4); Ninh Thuận - Cà Mau (Vùng 5). Trong đó, vùng 1 có tần suất bão xuất hiện nhiều nhất cả nước, năm 2013 đã từng ghi nhận được cường độ bão mạnh cấp 14-15; lượng mưa lớn nhất đo được trong 24 giờ là 470mm. Theo nhận định, từ Quảng Ninh đến Bình Định được dự báo sẽ xuất hiện bão có cường độ mạnh nhất, ở cấp 15-16. Tuy nhiên, càng đi sâu về phía Nam, cường độ bão được dự báo sẽ giảm. Còn ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đánh giá, bão trên cấp 10, khi ảnh hưởng trực tiếp vào ven bờ Việt Nam, sẽ gây thiệt hại lớn về nhà ở của nhân dân và công trình công cộng; chưa kể hoàn lưu của bão gây mưa lớn và lũ quét, sạt lở đất...

Theo đánh giá của tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) khi bão giật cấp 15 sẽ phá hủy đáng kể tường bao quanh, mái nhà và cắc công trình công cộng; xói lở nghiêm trọng các bãi biển, cửa sông, gây thiệt hại lớn cho hạ tầng giao thông và các công trình gần bờ. Khi bão cấp 16 thì mái nhà của nhiều khu dân cư và các tòa nhà công nghiệp cũng sẽ bị phá hủy, sập đổ; thậm chí có những tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết: Theo kịch bản, khi siêu bão đổ bộ, các tỉnh, thành phố ven biển và vùng trũng, thấp như ĐBSCL sẽ có gió mạnh và ngập lụt do nước biển dâng. Các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phải sẵn sàng ứng phó với ẩn họa từ mưa lũ sau bão. Các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra gió mạnh trên cấp 12, cấp 13, lớn hơn 1 - 2 cấp so với các khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay, BĐKH đã và đang làm cho các mô hình dự báo cũ của nước ta trở nên thiếu chính xác, không còn tin cậy. Các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu đã tổ chức thêm mô hình dự báo khác để giảm bớt sai số, giảm thiệt hại. Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT cần thường xuyên trao đổi khoa học công nghệ trong dự báo mưa lũ, bão để nâng cao chất lượng thông tin, dự báo.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định kêu gọi xã hội hóa công tác dự báo khí tượng thủy văn; các địa phương, bộ ngành mời doanh nghiệp đầu tư, nâng cao năng lực dự báo. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TNMT và Bộ NN&PTNT nghiên cứu, làm rõ, cụ thể hóa hơn các phương án đối phó khi có siêu bão đổ bộ. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ NN&PTNT, Xây dựng, TN&MT,… hỗ trợ ngay các địa phương xây dựng phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh, siêu bão tùy theo vùng ngập, vùng bị ảnh hưởng do nước biển dâng. Trong đó chậm nhất tháng 1-2015 phải ban hành bản đồ ngập lụt; tháng 6-2015, phải có phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh và siêu bão để triển khai tới từng xã, phường...

Hoàng Sơn