Về mảnh đất lịch sử ATK Định Hóa

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:31, 07/10/2014

(HNM) - Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên, vượt 50 cây số theo quốc lộ 3 và tỉnh lộ 268, chúng tôi về huyện miền núi Định Hóa, nơi mà sau Cách mạng Tháng Tám được chọn là


Về nơi "chùa rách, bụt vàng"

Cùng với Tuyên Quang và Bắc Cạn, Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ chọn làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng, là Thủ đô trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Ngày 20-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Với vị trí "tiến có thể đánh, lui có thể giữ" và là "nơi có nhân dân tốt, có cơ sở chính trị tốt", ATK Định Hóa - Thái Nguyên là nơi các cơ quan của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng đã ở và làm việc trong thời gian dài nhất. Từ ATK Định Hóa, nhiều chủ trương, quyết sách và sự kiện quan trọng quyết định đến vận mệnh dân tộc đã ra đời. Đặc biệt, ngày 6-12-1953, tại đồi Tỉn Keo, dưới chân Đèo De, Núi Hồng thuộc xã Phú Đình, Bác Hồ cùng Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến lịch sử đã quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam.

Lán Tỉn Keo, thuộc Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa (Thái Nguyên), một trong những địa danh thu hút du khách.



Là người đã có nhiều năm làm việc tại ATK Định Hóa, ông Nguyễn Văn Nương, Phó Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa - Thái Nguyên, cho biết: Địa danh Tỉn Keo, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc nhiều lần trong thời gian từ 1948 đến cuối năm 1953, theo đường ngựa đi vượt Đèo De (Núi Hồng) sang Tân Trào (Tuyên Quang) chỉ hơn một giờ đồng hồ. Hơn nữa, nơi Bác ở và làm việc thời kỳ ấy chỉ lác đác 5-7 nóc nhà sàn ẩn hiện giữa rừng núi trùng điệp. Vì thế, khi nói về nơi đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đánh giá: Địch cũng không ngờ chỗ giáp ranh, bản làng nghèo nàn, vắng vẻ lại là nơi "chùa rách, bụt vàng".

Theo giới thiệu của lãnh đạo Ban quản lý Khu di tích ATK Định Hóa, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Phúc Liên (84 tuổi) ở thôn Quan Lạn, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ngôi nhà nhỏ nơi ông Liên đang sinh sống cùng con cháu chỉ cách đồi Tỉn Keo khoảng một cây số. Ông Liên kể: "Đồi Tỉn Keo nơi Bác Hồ ở và làm việc là đất của gia đình ông Ma Tiến Đàm. Hồi ấy, khu vực này heo hút lắm. Để bảo đảm bí mật, nhân dân trong vùng thực hiện "ba không": Không nghe, không biết, không thấy. Mỗi khi Bác và các lãnh đạo Trung ương Đảng di chuyển đi nơi khác hoạt động, nhân dân trong vùng lại thay nhau trông nom, bảo vệ, để khi các đồng chí trở về vẫn có ngay chỗ ở và làm việc". Ông Liên cho biết, những người thuộc thế hệ bố mẹ ông, ngoài nhiệm vụ trông nom, bảo vệ còn tích cực tăng gia sản xuất để cung cấp thực phẩm cho các cơ quan Trung ương.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, bà con các dân tộc ở Định Hóa đã đóng góp nhiều công sức, của cải, thậm chí cả tính mạng cho việc xây dựng, bảo vệ ATK. Hiện nay, ATK Định Hóa có 128 điểm di tích lịch sử cách mạng, là nơi ở và làm việc của Bác Hồ, nơi đóng quân của các cơ quan Trung ương để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Các điểm di tích này phân bố trên khắp địa bàn của huyện và tập trung nhiều tại các xã: Điềm Mặc (24 điểm), Phú Đình (10 điểm), Trung Lương (10 điểm), Định Biên (9 điểm)... Trong tổng số 128 điểm di tích lịch sử, có 13 điểm được Nhà nước công nhận và xếp hạng di tích cấp quốc gia, 6 điểm công nhận và xếp hạng di tích cấp tỉnh, các điểm di tích còn lại đã được các bộ, ngành trung ương và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Thái Nguyên kiểm kê, lập hồ sơ. "Chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ, nhưng những địa danh, điểm di tích lịch sử ở ATK mãi mãi là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa, là nơi giáo dục về truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau" - ông Nương chia sẻ

Sức vươn hôm nay

Huyện Định Hóa gồm 8 dân tộc anh em đang sinh sống, đông nhất là dân tộc Tày (chiếm 46% tổng dân số), còn lại là dân tộc Kinh, Sán Chay, Dao, Mông... Với đặc điểm tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều là ATK, huyện Định Hóa đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; ATK Định Hóa đã được đón nhận Bằng Xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Kế thừa, phát huy truyền thống và lòng yêu nước của các thế hệ đi trước, trong thời bình, đồng bào các dân tộc vùng chiến khu ATK Định Hóa tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất, tiếp thu và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từng bước ổn định đời sống và vươn lên làm giàu. Hiện nay, ngành kinh tế chủ lực của huyện Định Hóa là nông, lâm nghiệp. Trong đó diện tích cây lúa, cây chè chiếm phần lớn và huyện đã xây dựng được thương hiệu gạo Bao thai Định Hóa nổi tiếng trong vùng. Ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại đang phát triển ở bước khởi đầu. Đặc biệt, với lợi thế được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt nên hàng năm Định Hóa đón khoảng 30 vạn khách thập phương về nguồn thăm chiến khu xưa. Về giao thông, tuyến đường tỉnh lộ 268, 264b chạy qua đã được tỉnh cải tạo, nâng cấp, thuận lợi cho việc đi lại, góp phần thúc đẩy giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa huyện Chợ Đồn - tỉnh Bắc Cạn, huyện Sơn Dương - tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển. Đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 2,1 triệu đồng năm 2001 lên hơn 17 triệu đồng ở thời điểm hiện nay.

Nói về phương hướng trong thời gian tới, ông Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết, huyện đang triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư dựa trên những chính sách ưu đãi của tỉnh về đất đai, thuế; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thâm canh cây chè, chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Trong xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ đầu tư nguồn lực hoàn thành các thiết chế về xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng... hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 2 xã điểm là Phượng Tiến, Đồng Thịnh vào năm 2015. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng đẩy nhanh tiến độ phát triển du lịch phù hợp quy hoạch phát triển du lịch liên hoàn ba tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên - Tuyên Quang…

Chí Kiên - Quốc Bảo