Một diện mạo đáng tự hào

Chính trị - Ngày đăng : 06:33, 06/10/2014

(HNM) -



Mỗi trang viết, mỗi gương mặt không chỉ góp phần làm sống lại những năm tháng không thể nào quên của Thủ đô Anh hùng, mà còn mang đến cho người cầm bút hiện tại điểm tựa tinh thần vững vàng.

Cảm nhận đầu tiên về ấn phẩm này là diện mạo đội ngũ làng báo Thủ đô, từ những cơ quan báo có tuổi đời thuộc tốp đầu như Đài PT-TH Hà Nội (thành lập ngày 14-10-1954) và Báo Hànộimới (24-10-1957), cho đến An ninh Thủ đô (1976), Người Hà Nội (1985) và những tờ "trẻ" như Kinh tế đô thị (1999), Pháp luật xã hội (2006)... Đội ngũ ấy nay đã là một tập thể lớn mạnh, bao gồm 1 Đài PT-TH, 13 cơ quan báo in và 10 tạp chí với gần 800 nhà báo đang tác nghiệp.

Phóng viên Báo Hànộimới tác nghiệp. Ảnh: Bảo Lâm


Quá trình xây dựng và trưởng thành của đội ngũ báo chí Hà Nội được gói riêng trong 62 trang ở phần đầu sách, mang tên "Báo chí Thủ đô 60 năm xây dựng và phát triển", mang lại cho chính những người trong cuộc một cái nhìn bao quát, toàn diện. Bắt đầu từ những trang viết trong thời kỳ báo chí Hà Nội cùng Thủ đô "Xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà (1954-1964), tác nghiệp trong "Những năm tháng vừa có hòa bình vừa có chiến tranh" (1965-1975), trở thành "Lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới" (1986-2008) và vươn lên với "Tầm vóc mới, diện mạo mới" (từ 2008 đến nay). Theo dõi chặng đường đã qua, không thể quên thuở ban đầu của báo chí Hà Nội. Hoạt động phát thanh đầu tiên được khởi động ngay khi đoàn quân giải phóng tiến về giải phóng Thủ đô. Người Hà Nội, người làm báo Thủ đô không quên "những chiếc xe ô tô gắn loa phóng thanh qua khắp phố phường đang náo nức cờ hoa để thông báo 8 điều của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với vùng mới giải phóng và 10 điều kỷ luật đối với cán bộ nhân viên chính phủ vào tiếp quản Thủ đô". Rồi, trong "một sáng thu nắng óng vàng, ở quanh Hồ Gươm, trên các ngả đường lớn và khắp các cửa ô xuất hiện những tấm áp phích khổ lớn quảng cáo Báo Thủ đô (một trong những tờ báo tiền thân của Báo Hànộimới) sẽ ra số 1 vào ngày 24-10-1957"... Qua những thời đoạn quan trọng, chúng ta hiểu rõ hơn nhận định cô đọng: "Báo chí Hà Nội luôn đồng hành cùng với những bước chuyển mình của Thủ đô, cổ vũ, động viên nhân dân Thủ đô trong các phong trào cách mạng, kiên định và sắc sảo trong cuộc đấu tranh với những quan điểm sai trái, âm mưu và hành động phá hoại, góp phần quan trọng làm nên những chiến công và thành quả to lớn của Thủ đô trong 60 năm qua".

Phần "Báo chí Thủ đô: Tác giả - Tác phẩm" cho thấy bầu không khí báo chí Hà Nội một thời không quên. "Hà Nội gửi tới miền Nam thành đồng Tổ quốc và Sài Gòn, Huế anh hùng lời chúc mừng quyết thắng" (Hànộimới 10-12-1968) của Bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch đầu tiên của UBND thành phố Hà Nội (1954-1977); "Bên ụ súng Hà Nội: Một đám cưới phòng không" của nhà văn Nguyễn Tuân (Hànộimới tháng 1-1973); "Những ngày đầu Hà Nội mới giải phóng" của nhà văn Vũ Tú Nam (Báo Người Hà Nội)...

Như chia sẻ của Ban biên soạn, do khâu tập hợp tư liệu chưa thật đầy đủ nên phần giới thiệu chân dung các nhà báo chưa được cân đối, hài hòa như mong muốn. Cũng dễ nhận ra đâu đó còn những gương mặt, những tên người, những bài viết thực sự có dấu ấn mà chúng ta chưa bao quát hết trong ấn phẩm này. Tuy vậy, những gì có trong ấn phẩm quan trọng này đã đem lại cho người đọc, đặc biệt là các nhà báo Thủ đô, cảm nhận sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Càng đọc, càng thấy nhớ những nhà báo - người thầy đi trước, những người để lại gương sáng, truyền lửa cho thế hệ sau bằng cách sống, cách viết, bằng ngòi bút trách nhiệm, tài hoa.

Đọc cuốn sách trên, những người làm báo hôm nay tự thấy vang động trong lòng mình tiếng vọng của lịch sử tờ báo mà mình đang làm việc, và lịch sử 60 năm đáng tự hào của báo chí Thủ đô. Chắc chắn, cuốn sách này sẽ được viết tiếp từ đây, bằng tình cảm, lòng biết ơn của mỗi người cầm bút hôm nay với thế hệ đi trước, với Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình.

Thi Thi