Chính quyền bất lực, nông dân mất ruộng

Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 06/10/2014

(HNM) - Thiếu đất sản xuất nông nghiệp liên tiếp 2 vụ, nhiều gia đình bị thiếu gạo, phải ăn đong cuộc sống càng thêm cơ cực...

Diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi sai mục đích vẫn chưa bàn giao cho các hộ dân sản xuất.


Thôn Xuân La có 3 đội sản xuất (10, 11, 12) với gần 400 hộ dân, có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 140ha. Năm 2012, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) gắn với xây dựng nông thôn mới, Xuân La tiến hành DĐĐT và đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Trong các cuộc họp bàn phương án DĐĐT, người dân trong thôn đều thống nhất phương án chia lại quỹ đất I giao theo Nghị định 64/CP. Theo nghị quyết, được thống nhất các hộ có 1 thửa ruộng gần, 1 thửa ruộng xa. Đối với thửa ruộng ở xa, 100% số hộ đã nhận đất và sản xuất ổn định. Còn số thửa ruộng ở gần, thôn Xuân La còn vướng 11 hộ trước đây tự ý dồn đổi làm trang trại không chịu bàn giao, hoàn trả mặt bằng cho thôn thực hiện DĐĐT.

Tại các cuộc họp dân, chính quyền xã Phượng Dực và thôn Xuân La đều thống nhất phương án: "Hộ dân nào gắp được số ruộng gần mà vướng vào các hộ dồn đổi trước đây, chính quyền địa phương có trách nhiệm hoàn trả mặt bằng để giao ruộng cho dân sản xuất". Thế nhưng, khi tiến hành giao ruộng trên thực địa, 11 hộ làm trang trại không trả ruộng cho các hộ dân.

Theo ông Lê Văn Bộ, xã viên đội 12, hơn một năm nay, 90 hộ dân thôn Xuân La gắp trúng diện tích đất trang trại của 11 hộ này vẫn chưa nhận được ruộng. Xã Phượng Dực đã 3 lần thông báo cho 90 hộ dân đi nhận ruộng, nhưng chỉ giao "trên giấy". Trên thực tế, 11 hộ kia vẫn ung dung sản xuất trước sự bất lực của chính quyền xã. Trong số 90 hộ dân chưa nhận được ruộng để sản xuất, gia đình ông Vũ Chiến (đội 12) còn thiếu 3,8 sào, bà Đặng Thị Đổi (đội 12) thiếu 3,2 sào, hộ ít nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Mỳ (1,6 sào)...

Ông Vũ Chiến bức xúc: "Chúng tôi làm nông nghiệp, cấy mấy sào ruộng để có thóc, gạo ăn, ấy thế mà 2 vụ vừa qua, không được nhận ruộng để sản xuất. Gia đình tôi còn thiếu 3,8 sào đất quỹ 1, nhân với hai vụ lúa "mất đứt" hơn 2 tấn thóc. Những hộ có nghề phụ còn có tiền đong thóc, gạo, chứ những gia đình thuần nông, thiếu ăn dài ngày là không tránh khỏi"...

Ông Đoàn Hữu Đạo, Chủ nhiệm HTX NN Phú Phượng, xã Phượng Dực cho biết: Trong 2 năm 2012-2013, xã Phượng Dực tiến hành DĐĐT được nhân dân đồng tình ủng hộ và chỉ có 11 hộ gia đình đã tự chuyển đổi ruộng cho nhau để làm trang trại, đào ao thả cá với tổng diện tích 29.518m2 từ 7-8 năm trước không đồng ý phương án chia lại ruộng do đã đầu tư xây dựng chuồng trại. Việc tự ý dồn đổi ruộng, xây nhà cấp bốn, sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp của 11 hộ này đã bị đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm, song không được chính quyền xã Phượng Dực xử lý kiên quyết, dẫn đến cái sảy nảy cái ung, ảnh hưởng đến quyền lợi của xã viên trong HTX.

Như vậy, nguyên nhân chậm giao ruộng cho 90 hộ dân thôn Xuân La trong quá trình DĐĐT đã rõ. Vấn đề đặt ra, tại sao những bức xúc trong sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích và DĐĐT tại Xuân La vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, kịp thời, khiến người dân được giao đất sản xuất hợp pháp nhưng lại không có ruộng? Trong ngày 24-9-2014, PV Báo Hànộimới đã liên hệ với lãnh đạo địa phương để làm rõ những kiến nghị của nhân dân thôn Xuân La, nhưng Chủ tịch UBND xã Phượng Dực từ chối với lý do bận họp với tổ công tác của huyện Phú Xuyên về làm việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong DĐĐT và quản lý đất nông nghiệp của địa phương. Đề nghị huyện Phú Xuyên, xã Phượng Dực tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại trong DĐĐT, bảo đảm mọi người dân ở địa phương đều có ruộng sản xuất, ổn định cuộc sống; đồng thời, tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng sử dụng sai mục đích hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp. 

Đức Duy