Nhìn thẳng vào sự thật

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 06/10/2014

(HNM) - Thế là ASIAD 17 - Incheon (Hàn Quốc) 2014 đã khép lại. Đoàn thể thao Việt Nam rời đại hội với nhiều cảm xúc, niềm vui có mà nỗi buồn cũng có.

Nói về niềm vui có từ ASIAD 17, điều đáng kể nhất là sự vươn lên về trình độ của vận động viên một số bộ môn, bao gồm cả những môn Olympic. Lần đầu tiên trong khuôn khổ của một kỳ ASIAD, quốc kỳ Việt Nam được kéo lên trong lễ trao huy chương cho vận động viên xuất sắc nhất ở môn bơi lội, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, boxing, xe đạp… Đó không chỉ là niềm vui, mà còn là niềm hy vọng bởi từ nay, chúng ta có cơ sở tin rằng vận động viên của Việt Nam có thể tiến ra "biển lớn" ở cả những môn mà từ rất nhiều năm nay vẫn bị cho là không thể tiệm cận trình độ hàng đầu châu lục và thế giới. Những tấm huy chương của các vận động viên ở những môn này gieo vào lòng người hâm mộ thể thao nước nhà niềm tự hào, sự tin tưởng.

Nhưng ASIAD 17 với Đoàn thể thao Việt Nam không chỉ có màu hồng, mà còn có cả nỗi thất vọng. So với dự báo mục tiêu xếp hạng toàn đoàn được tuyên bố trước khi lên đường, tuy vị trí thứ 21 của Đoàn thể thao Việt Nam là chấp nhận được, nhưng số huy chương vàng giành được thấp hơn dự báo, chỉ có được 1, do công của vận động viên wushu Hà Nội Dương Thúy Vy. Nhiều niềm hy vọng "vàng" của thể thao Việt Nam cũng đã không hoàn thành nhiệm vụ, không thể đáp ứng sự kỳ vọng mà người hâm mộ gửi gắm ở họ. Bắn súng và một số môn võ không có vàng, dù giữ vai trò chủ công.

Thứ hạng toàn đoàn và số huy chương giành được trong một đại hội thể thao lớn không phải là chỉ số duy nhất để đánh giá trình độ thể thao của một quốc gia so với các quốc gia khác. Cũng như tại SEA Games, trong lần duy nhất Việt Nam vượt qua Thái Lan trên bảng xếp hạng toàn đoàn, không nhiều người nghĩ rằng thể thao thành tích cao của ta mạnh hơn nước bạn. Với Việt Nam, khi vận động viên của đa số đội tuyển các môn bước vào tranh tài tại ASIAD trong tâm lý "cửa dưới", thành tích tất yếu phụ thuộc nhiều hơn vào sự may mắn có đến hay không. Bóng đá nam và nữ, được cho là đã tạo "kỳ tích" tại ASIAD 17 khi đội nam lần đầu lọt vào vòng tứ kết và đội nữ nằm trong 4 đội mạnh nhất Đại hội, tuy thế, cần phải nhấn mạnh rằng thành tích đó không thể khỏa lấp thực tế là trình độ bóng đá Việt Nam đã tụt lại khá xa so với tốp đầu châu lục.

Đó có thể là một chỉ số khác, cần được xem xét khi đánh giá về vị thế của nền thể thao.

ASIAD 17 đã kết thúc, giờ là lúc phù hợp để các nhà quản lý thể thao Việt Nam nhìn nhận chính xác những "được" và "chưa được", tạo cơ sở để thực hiện chiến lược đã vạch ra một cách đúng đắn, hướng về tương lai. Có một số sự thay đổi cần có, chẳng hạn như điều chỉnh phạm vi số môn mũi nhọn cần được tập trung đầu tư mạnh, theo hướng thu gọn để có thể tập trung nguồn lực, vốn hạn hẹp, cho những bộ môn được chọn. Thứ hai, cần phải xem xét lại các chuyến tập huấn dài hạn ở nước ngoài đã được thực hiện trong thời gian qua, phân tích kỹ các vấn đề liên quan, đặc biệt là công tác tuyển chọn nhân sự, vai trò của các huấn luyện viên, điều kiện tập huấn có phù hợp hay không, sự thăng tiến về chuyên môn sau những chuyến tập huấn đó như thế nào…

Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao của Việt Nam đã có sự chuyển hướng trong thời gian gần đây, tuy nhiên quá trình ấy cần được thúc đẩy hơn nữa. Điều quan trọng là nhà quản lý thể thao cần nhìn thẳng vào hiện trạng, bao gồm cả những mặt yếu kém, kiên quyết loại bỏ biểu hiện của "bệnh thành tích" để hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn trên cơ sở giải pháp mang tính bài bản.

Dục Tú