Tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn có ý nghĩa gì?
Xã hội - Ngày đăng : 07:14, 05/10/2014
- Em vừa tham gia Hội sách Hà Nội 2014 với chủ đề "Hà Nội - Thành phố vì hòa bình". Hội sách giới thiệu và bán các loại sách với chủ đề "Thăng Long xưa - Hà Nội nay", "Hành trình của sách", "Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội", "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng", "Hà Nội với biển đảo quê hương"… Trường em phát động nhiều chương trình hoạt động ngoại khóa nhằm tìm hiểu lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Đây là dịp để chúng em ôn lại lịch sử hào hùng, nền văn hiến lâu đời của Thủ đô và của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, em mong muốn các cuộc thi sẽ có thêm phần đóng góp để ủng hộ các bạn HS có hoàn cảnh khó khăn trên các vùng miền của Tổ quốc.
Em Phạm Bảo Khánh (HS lớp 6E, Trường THCS Yên Thường):
- Trường em cũng tổ chức nhiều cuộc thi, chương trình biểu diễn âm nhạc chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô. Chúng em rất thích những hoạt động mới mẻ, hấp dẫn này. Thông qua các hoạt động, chúng em hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Nhưng, em thấy có nhiều bạn chỉ thích những buổi biểu diễn ca nhạc, diễn kịch mà không muốn tham gia các cuộc thi tìm hiểu. Các bạn ấy cho rằng, những cuộc thi như vậy sẽ ảnh hưởng đến thời gian học tập. Nhiều lớp tham gia các cuộc thi tìm hiểu cho có, thường cử một bạn cán sự lớp làm sẵn đáp án và cả lớp chép lại theo mẫu. Tham gia thi như thế thì không có tác dụng gì cả.
Cô Nguyễn Thu Hà (phụ huynh HS, 98 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội):
- Theo tôi, để tăng thêm ý nghĩa và sức hấp dẫn cho các hoạt động chào mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô, nhà trường nên có nhiều hình thức tổ chức chương trình linh hoạt và phù hợp với HS. Một số trường chỉ tổ chức cuộc thi tìm hiểu "lấy lệ", theo kiểu phát sẵn câu hỏi rồi đáp án để HS chép lại. Phần đáp án có khi dài đến vài chục trang giấy, sợ con cái mình bận chép đáp án mà không kịp làm bài tập, không ít phụ huynh chép thay con. Bên cạnh những cuộc thi tìm hiểu, viết bài về lịch sử Thủ đô, nhà trường có thể tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa như thi hát, đá bóng, đạp xe... giữa các khối, các lớp với nhau. Nhà trường cũng nên mời nhân chứng lịch sử về để nói chuyện, giao lưu với các em HS. Cũng có thể phối hợp với các viện bảo tàng, nhà văn hóa để tổ chức cho HS đi tham quan các khu trưng bày hiện vật, di tích lịch sử, trình chiếu những bộ phim lịch sử về ngày Giải phóng Thủ đô. Nếu nhà trường tổ chức được những hoạt động ngoại khóa bổ ích, thu hút đông đảo HS hào hứng, nhiệt tình tham gia, các phụ huynh cũng sẽ ủng hộ.