Tăng tính hấp dẫn, chủ động quảng bá
Giáo dục - Ngày đăng : 07:01, 05/10/2014
Hệ thống DT này như trang sử trực quan, sinh động về Hà Nội một thời hào hùng, giúp ích rất nhiều cho công tác giáo dục truyền thống Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình nếu công tác phát huy giá trị di sản được tổ chức tốt.
Những trang sử trực quan
Hà Nội có những “địa chỉ đỏ” gắn liền với quá trình hoạt động của Đảng, của các tổ chức cách mạng, thể hiện tinh thần kiên cường, anh dũng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1946-1954 như Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc (Hà Đông), Nhà máy Điện Yên Phụ, Trại giam Nhà Tiền (Ba Đình), pháo đài Xuân Canh, địa đạo Nam Hồng (Đông Anh), chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm)…
Một buổi tham quan, giáo dục truyền thống cho trẻ em tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Vạn Phúc (Hà Đông). Ảnh: Linh Ngọc |
Ngoài các điểm DT về Bác Hồ, Hà Nội còn rất nhiều DT gắn với quá trình đấu tranh của quân và dân ta trong giai đoạn 1946-1954. Đó là chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm) - nơi diễn ra những trận đánh ác liệt của quân, dân Hà Nội sau khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tại đây, ngày 14-2-1947, các chiến sĩ Tiểu đoàn 101 (Trung đoàn Thủ đô) đã chiến đấu với tinh thần quả cảm buộc quân Pháp phải rút khỏi chợ Đồng Xuân, phố Hàng Chiếu, Chợ Gạo… Đó là DT Nhà máy Điện Yên Phụ, nơi đội ngũ công nhân tiến hành phá máy, cắt điện và báo hiệu cho pháo đài Láng nổ súng mở đầu cho toàn quốc kháng chiến (19-12-1946). DT Trung Giã (thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã - Sóc Sơn) là nơi diễn ra hội nghị (từ ngày 4 đến 27-7-1954) bàn về những vấn đề quân sự sau khi Hội nghị Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương kết thúc…
Nói về giá trị của những DT CMKC gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp (giai đoạn 1946-1954), nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) khẳng định: “Mỗi DT là một bằng chứng vật chất phản ánh những sự kiện lịch sử quan trọng, giúp các thế hệ sau này có thể tự đánh giá những sự kiện lịch sử bằng cảm nhận của riêng mình và qua đó có nhận thức đúng đắn hơn về lịch sử Thủ đô. Nói cách khác, mỗi DT chính là một trang sử trực quan”.
Thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ
Song song với việc bảo vệ, giữ gìn hệ thống DT CMKC nói chung, DT gắn với thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946-1954 nói riêng, những năm qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị của hệ thống DT CMKC. Giải pháp phổ biến là đón các đoàn khách đến tham quan vào các ngày lễ lớn, phối hợp với các nhà trường trên địa bàn tổ chức cho học sinh đến DT sinh hoạt truyền thống, giới thiệu các sự kiện lịch sử liên quan đến DT. Một số nơi như Nhà tù Hỏa Lò, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc chủ động “bắt tay” với du lịch để thu hút khách tham quan. Hằng năm, Hà Nội dành nguồn kinh phí hàng tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, nâng cấp DT CMKC. Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ngành văn hóa Hà Nội đã tôn tạo, chỉnh trang 8 DT, gồm DT 90 Thợ Nhuộm, 5D Hàm Long, 48 Hàng Ngang, Nhà máy Điện Yên Phụ, đình Viên Sơn (Sơn Tây), DT Trung Giã, pháo đài Xuân Canh, Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm. Từ ngày 26-9 đến hết tháng 10, BQL Di tích - Danh thắng Hà Nội đã tổ chức trưng bày, giới thiệu nhiều hình ảnh về DT CMKC liên quan đến sự kiện lịch sử giai đoạn 1946-1954 tại DT nhà 48 Hàng Ngang, giúp nhân dân có cái nhìn toàn diện hơn về một thời kỳ hào hùng của Thủ đô.
Không thể phủ nhận nỗ lực của chính quyền và nhân dân Thủ đô trong việc gìn giữ và phát huy hệ thống DT CMKC, song khảo sát thực tế cho thấy, Hà Nội vẫn còn không ít DT gắn liền với sự kiện Giải phóng Thủ đô cần được tu bổ và tìm giải pháp phát huy giá trị. Chẳng hạn, hiện nay, nếu không có người hướng dẫn, chắc chắn ít người biết địa đạo Nam Hồng (Đông Anh), pháo đài Xuân Tảo (Từ Liêm) có ý nghĩa thế nào bởi các DT này hầu như không còn gì ngoài những tấm biển ghi danh. Về điều này, theo Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến, việc huy động nguồn lực xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo DT CMKC còn nhiều hạn chế đã khiến một số DT dù xuống cấp nhưng vẫn chưa được tu bổ kịp thời.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là tu bổ kịp thời, thực tế đòi hỏi phải tìm cách phát huy giá trị của hệ thống DT CMKC. Có hai vấn đề cần được ưu tiên thực hiện: Thứ nhất, hoàn chỉnh nội dung và hình thức trưng bày, bổ sung hiện vật, tài liệu nhằm làm tăng tính hấp dẫn của DT. Thứ hai, các BQL di tích cần chủ động phối hợp với ngành giáo dục, du lịch đưa học sinh và du khách đến với DT thay vì giữ thói quen “chủ động… chờ đợi”.