Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chống phiến quân IS: Thế khó của Ankara
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:40, 05/10/2014
Trong bối cảnh IS mở rộng địa bàn hoạt động tới sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, động thái nói trên của Ankara được cho là kịp thời nhằm ngăn chặn những nguy cơ bất ổn tại khu vực biên giới. Tuy nhiên, quyết định cũng đặt Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vào thế khó, bởi IS không phải là mối đe dọa duy nhất của quốc gia nằm ở hai lục địa Á - Âu.
Lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu tiếp tục đẩy mạnh các cuộc không kích chống IS. |
Sau khi giành quyền kiểm soát hàng trăm ngôi làng quanh thị trấn Kobani của Syria, hiện các tay súng nhóm IS chỉ còn cách thành phố người Kurd sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vài kilômét. Kobani là thành phố người Kurd thứ ba của Syria, đóng vai trò chiến lược quan trọng trong cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS. Nếu mở được "cánh cửa" này, IS sẽ làm chủ cả dải đất rộng lớn ở miền Bắc Syria, chạy dọc theo biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ, đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước này. Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Iraq, IS đã gần như giành hoàn toàn quyền kiểm soát thành phố Hit, thuộc tỉnh Anbar. Chính vì thế, quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ được xem là bước ngoặt cho liên quân quốc tế trong cuộc chiến này bởi Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược quan trọng, với hơn 1.000km biên giới chung với Iraq và Syria. Mục tiêu của sứ mệnh là hạn chế tối đa tác động của các cuộc xung đột tại các khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Theo quyết định vừa được thông qua, Ankara vừa có thể tấn công các tay súng IS tại miền Bắc Iraq, lại vừa có thể tiến hành các hành động tự vệ chống lại những mối nguy cơ có thể xảy ra từ các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Lực lượng IS tung video hành quyết con tin người Anh Nhóm IS vừa tung lên mạng một video cảnh hành quyết Alan Henning, một lái xe người Anh tham gia đoàn xe tình nguyện chở hàng viện trợ cho người Syria 9 tháng trước. Vụ việc mới nhất này diễn ra sau khi Anh bắt đầu tham gia liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu của IS tại Iraq từ ngày 30-9. Hiện các cơ quan tình báo của cả Anh và Mỹ đang kiểm chứng tính xác thực của đoạn băng video. |
Có nhiều nguyên nhân khiến Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lưỡng lự và đến thời điểm này mới quyết định tham gia vào cuộc chiến chống IS. Ankara lo ngại, một hành động quân sự tại Syria sẽ tạo cơ hội gia tăng sức mạnh cho đảng Công nhân người Kurd (PKK) - chỉ vừa mới đồng ý tham gia các cuộc đàm phán hòa bình khó khăn sau gần 30 năm đối đầu với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến khi Kobani nổi lên như một vấn đề nóng, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Ankara - PKK và các lãnh đạo của PKK cảnh báo sẽ chấm dứt đàm phán hòa bình với Chính phủ, nếu thị trấn Kobani của người Kurd tại Syria giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tay IS thì chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mới đổi ý.
Tuy nhiên, điều khiến Ankara lo lắng là tham gia liên quân chống IS đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng chung hàng ngũ với lực lượng người Kurd. Trong khi đó, PKK và phong trào đòi hỏi ly khai là một vấn đề suốt nhiều năm qua khiến các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia lân cận đau đầu. Theo nhiều nguồn thống kê, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd hiện đang chiếm lĩnh một số địa bàn tại miền Bắc Iraq, miền Tây bắc Iran, và miền Đông bắc Syria với số dân từ 35 tới 40 triệu người. Ở mỗi nước, họ đều có chính quyền riêng. Một số tổ chức dân tộc chủ nghĩa người Kurd trước nay chủ trương thành lập một nhà nước Kurdistan độc lập. Cho tới thời điểm này chỉ có người Kurd Iraq là đã giành được quy chế tự trị theo hiệp định ký năm 1970 với chính quyền Iraq trong khi lãnh thổ cho họ tại Iran là một tỉnh không tự trị. Người Kurd ở Syria tham gia cuộc nội chiến và đã kiểm soát được khu vực lớn sau khi quân đội Syria phải rút đi để chiến đấu ở nơi khác.
Trong cuộc chiến chống lại IS, liên quân do Mỹ đứng đầu phải dựa khá nhiều vào các tay súng người Kurd. Họ đã được Mỹ và nhiều nước phương Tây tiếp tế khí tài, vũ khí. Vì thế, theo các nhà phân tích, không có gì ngạc nhiên khi người Kurd tin tưởng rằng sau trận chiến này, giấc mơ độc lập của họ sẽ trở thành hiện thực. Do đó, không phải là vô căn cứ khi Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại, sau trận chiến chống IS, vị thế của PKK sẽ thay đổi trên bàn đàm phán và vấn đề người Kurd hoàn toàn có nguy cơ trở thành một vấn đề nóng khác của khu vực, thậm chí đe dọa bản đồ địa chính trị của khu vực Trung Đông, vốn đã nhiều bất ổn.