Cần sự chuyển hướng quyết liệt
Thể thao - Ngày đăng : 06:54, 04/10/2014
Bài học về đầu tư trọng điểm
Gần nửa tháng thi đấu tại ASIAD 2014, thể thao Việt Nam đã cho thấy những dấu hiệu tích cực từ nhóm VĐV được đầu tư trọng điểm, kể cả khi họ không giành "vàng". Nhiều vận động viên (VĐV) không thể giành ngôi vô địch nhưng đã tạo ra mốc thành tích mới, quan trọng là đã vượt chính mình, cho thấy tiềm năng vươn xa trong tương lai gần.
Lực sĩ Thạch Kim Tuấn dù chỉ giành HCB nhưng vẫn là điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam tại ASIAD 17. Ảnh: Hữu Quý |
Thạch Kim Tuấn đã thi đấu xuất sắc ở hạng 56kg nam môn cử tạ, đạt tổng cử 294kg, trong đó, với thành tích cử giật là 134kg, anh đã phá kỷ lục Châu Á. Đó là mức tạ cao nhất mà một lực sĩ Việt Nam từng đạt được, thậm chí còn cao hơn thành tích của VĐV đoạt HCV Olympic 2012. Ở môn bơi, sau hơn 3 năm được đầu tư mạnh, tập huấn liên tục tại Mỹ, Nguyễn Thị Ánh Viên giành được 2 HCĐ (400m tự do, 200m ngửa) - những tấm huy chương đầu tiên của bơi Việt Nam ở đấu trường ASIAD. Môn thể dục dụng cụ, Phan Thị Hà Thanh giành 1 HCB, 1 HCĐ cũng là những tấm huy chương đầu tiên của thể dục dụng cụ Việt Nam tại ASIAD. Ở môn điền kinh, Quách Thị Lan đã giành HCB nội dung chạy 400m nữ. Tấm HCB này cùng tấm HCB nhảy xa 3 bước của Bùi Thị Thu Thảo đã "cứu" điền kinh khỏi một kỳ ASIAD thất bát, sau khi Vũ Thị Hương chịu thất bại nặng nề ở hai cự ly tốc độ 100m và 200m…
Những VĐV nêu trên đều thuộc diện "đầu tư trọng điểm". Nguyễn Thị Ánh Viên thời gian qua "ở Mỹ nhiều hơn ở nhà", vừa tập luyện vừa tham gia các giải đấu ở quốc gia rất mạnh về bơi lội, thành tích thăng tiến dần đều. Quách Thị Lan cùng đội tiếp sức 4x400m cũng sang Mỹ tập huấn, như người trong giới "bật mí" là tổ điền kinh này ra sức luyện rèn để "săn bằng được" tấm huy chương ASIAD ở nội dung 400m - cả cá nhân và tiếp sức. Ở các môn khác như karatedo, xe đạp, những tấm HCB của Nguyễn Hoàng Ngân (nội dung quyền biểu diễn) hay của Nguyễn Thị Thật (xe đạp đường trường) cũng không tự nhiên mà có. Nguyễn Hoàng Ngân được tập huấn liên tục tại Nhật Bản, Nguyễn Thị Thật được ngành thể thao tạo điều kiện tham dự khóa đào tạo VĐV tài năng tại Thụy Sĩ do Liên đoàn Xe đạp thế giới tổ chức. Hay như Dương Thúy Vi, võ sĩ giành HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2014 cũng thuộc diện được chăm sóc kỹ, đặc biệt là từ phía ngành thể thao Hà Nội dù wushu không nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic. Trong hành trình tìm kiếm chiếc HCV cá nhân đầu tiên tại ASIAD, từ lâu, thể thao Hà Nội đã âm thầm đầu tư kỹ lưỡng cho Dương Thúy Vi và cũng nhờ vậy, cô gái Hà Nội này đã có màn trình diễn xuất sắc tại ASIAD 2014, mang lại HCV cho thể thao Hà Nội cũng như Việt Nam (tấm HCV duy nhất của Đoàn thể thao Việt Nam tính đến cuối ngày hôm qua 3-10). Trường hợp VĐV thể dục dụng cụ Đinh Phương Thành của Hà Nội cũng vậy. VĐV sinh năm 1996 này đã được chú ý từ vài năm gần đây, được ngành thể thao Hà Nội đầu tư mạnh, kết quả là anh đã giành được tấm HCĐ ở nội dung xà kép, mở thêm "cửa" tranh chấp huy chương cho thể thao Việt Nam tại các kỳ ASIAD sau này…
Sự chuyển hướng tất yếu
Trước khi Đoàn thể thao Việt Nam lên đường sang Hàn Quốc dự ASIAD 2014, những tính toán "hậu trường" cho thấy nhiều người hy vọng vào một thành tích khả quan hơn so với mục tiêu được công bố chính thức (giành 2-3 HCV). Ít ra thì cung cách đầu tư đã cho thấy những dự đoán "sau cánh gà" là có cơ sở. Chúng ta có thể "đợi vàng" ở Thạch Kim Tuấn, ở Nguyễn Hoàng Ngân, ở Hoàng Xuân Vinh và đồng đội của anh. Chúng ta có quyền mơ "vàng" ở môn điền kinh, đặc biệt là ở tổ tiếp sức 4x400m. Chúng ta có quyền chờ đợi Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng giành HCV ở môn thể dục dụng cụ, bởi trước đó, họ đã nhiều lần bước lên bục cao nhất tại các giải quốc tế quan trọng. Đó là chưa tính đến các môn võ vốn là "mỏ vàng" của thể thao Việt Nam.
Sau này, qua diễn biến tại ASIAD 2014, ta thấy rõ hơn rằng, tính toán nói trên là có cơ sở. Bắn súng “tuột vàng” ở loạt bắn cuối cùng. Phan Thị Hà Thanh lọt vào tốp giành huy chương ở hai nội dung. Nguyễn Hoàng Ngân chỉ thua ở trận chung kết. Thạch Kim Tuấn giữ hy vọng "vàng" đến lần cử cuối cùng của đối thủ… Tuy vậy, vẫn có gì đó cấn cá trong cách đầu tư của thể thao Việt Nam, thể hiện qua những râm ran này nọ quanh chuyện tập huấn ở nước ngoài của một hai bộ môn. Vẫn có sự chưa chắc chắn, chưa kỹ lưỡng khi dự báo thành tích của đối thủ cũng như làm công tác tư tưởng cho VĐV…
Những hạn chế cũng như điểm mạnh đã phát lộ trước và trong kỳ ASIAD 2014 là cơ sở để giới chuyên môn tính toán đường đi nước bước trong thời gian sắp tới. Chẳng hạn, về xác định số môn thể thao trong diện trọng điểm, chúng ta có thể "khoanh" trong diện hẹp, đầu tư tập trung hơn nữa cho một số môn và một số VĐV thể hiện rõ tiềm năng. Cách thức đầu tư cần phải thoát ly mục tiêu thành tích trong tương lai gần, hướng đến xây dựng nền tảng và phát triển nó một cách bài bản, khoa học… Sự chuyển hướng cần phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa.
Tối nay 4-10, sẽ diễn ra lễ bế mạc ASIAD 2014 tại thành phố Incheon (Hàn Quốc). Tại lễ bế mạc, Indonesia sẽ chính thức nhận cờ đăng cai ASIAD 2019. Trước đó, vào buổi sáng, ASIAD 2014 diễn ra các môn thi đấu cuối là karatedo, bóng bàn, soft tennis. Trong số này, karatedo (có VĐV Việt Nam tham dự) có 3 bộ huy chương. |