Thủ đô đang đứng trước cơ hội mới
Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 04/10/2014
GS.TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội:
Mỗi thập niên là một “bước nhảy” tiến lên
Nhìn lại 60 năm từ sau ngày giải phóng, Thủ đô Hà Nội đã trải qua một chặng đường lịch sử oai hùng và đã có những bước chuyển mình kỳ diệu.
Đây là thời kỳ mà vị trí trung tâm chính trị Hà Nội phát triển ở mức cao nhất. Hà Nội không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là yếu tố cầu nối liên kết Việt Nam với thế giới... Chưa bao giờ Hà Nội lại phát triển nhanh chóng, trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, thu hút nhiều nhà đầu tư, có khả năng hội tụ và lan tỏa như ngày nay. Trên bình diện văn hóa, Hà Nội là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là nơi hội tụ của văn minh Đại Việt, là nơi kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh.
Hà Nội đang đổi thay từng ngày. Nếu ai đi xa chưa có dịp về lại Thủ đô trong 10 năm trở lại đây sẽ không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí không thể nhận ra một Hà Nội năng động, hiện đại như bây giờ... 60 năm qua, mỗi thập niên là một “bước nhảy” tiến lên của Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):
Nếp nghĩ của cư dân đô thị phải khác
Truyền thống, phong tục, tập quán và lối sống của người Hà Nội không phải là bất biến, có thể thay đổi và trong những điều kiện nhất định phải thay đổi để phù hợp với xu thế thời đại, xu thế của nền kinh tế thị trường và hội nhập...
Với tư cách là đô thị đặc biệt, là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rất cần thiết và nhất định phải xây dựng con người Hà Nội có nếp sống đô thị. Nếp nghĩ và sống của cư dân đô thị phải khác suy nghĩ và nếp sống của cư dân nông thôn. Đó trước hết phải là nếp sống tuân thủ triệt để pháp luật, từ luật xây dựng, luật môi trường, luật giao thông...
Với tư cách là Thủ đô "nghìn năm văn hiến", người Hà Nội phải xây dựng nếp sống văn hóa tiên tiến kết hợp với nét đẹp thanh lịch vốn có của mình. Đời sống văn hóa tiên tiến biểu hiện ở cách ứng xử giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội. Cách ứng xử đó thể hiện trong từng gia đình, trong nhà trường, trong cơ quan, ngoài xã hội; ứng xử giữa người Hà Nội với người các địa phương khác, người Hà Nội với khách nước ngoài...
Ông Emmanuel Cerise, đại diện vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp) tại Hà Nội:
Tăng cường trao đổi kinh nghiệm phát triển đô thị
Được khởi xướng từ tháng 12-1989, quan hệ hợp tác cấp địa phương giữa vùng Ile-de-France và UBND TP Hà Nội là thỏa thuận hợp tác đầu tiên được ký kết giữa một địa phương của Pháp và một địa phương của Việt Nam. Kể từ năm 1999, các dự án đã được ưu tiên định hướng đến vấn đề phát triển đô thị. Đến năm 2001, cam kết hợp tác của vùng Ile-de-France được cụ thể hóa bằng việc thành lập cơ quan hợp tác thường trực tại Hà Nội, còn gọi là Dự án hợp tác phát triển đô thị Hà Nội - Ile-de-France (IMV).
Hoạt động của dự án IMV được xây dựng dựa trên sự chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giữa các cán bộ chuyên môn của hai địa phương. Thông qua dự án này, Ile-de-France và Hà Nội đã thực hiện nhiều nội dung cần thiết cho một đô thị đang phát triển năng động như Hà Nội. Có thể kể đến như nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan chức năng của TP Hà Nội trong phát triển đô thị, quản lý các dịch vụ đô thị... Tôi cho rằng trong quá trình xây dựng và phát triển, một đô thị có tốc độ phát triển nhanh, đa dạng và phức tạp như Hà Nội thì việc liên kết, hợp tác với các nước giàu kinh nghiệm hơn là rất quan trọng. Tôi tin rằng với những thành quả thực hiện dự án IMV trong thời gian qua và những thỏa thuận mới của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác giữa hai địa phương năm 2010, phạm vi hợp tác giữa vùng Ile-de-France và Hà Nội sẽ ngày càng mở rộng, đem lại hiệu quả thiết thực.
Ông Ken Yamamoto, Phó Trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam:
Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững
Từ khi mở rộng địa giới hành chính đến nay, Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng Hà Nội cũng đang đối diện với nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình đô thị hóa. Theo tôi, những vấn đề cần quan tâm chủ yếu là quy hoạch không bền vững, hạ tầng chưa phù hợp, ô nhiễm môi trường, thiếu nguồn lực, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là di dân từ nông thôn ra thành phố tạo nhiều áp lực lên hạ tầng hiện tại, ảnh hưởng lớn tới chất lượng đời sống người dân.
Tôi cho rằng, Hà Nội cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện theo hướng bền vững; tăng cường cải thiện đời sống người dân. Trong giai đoạn hiện nay, Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển khoa học và kỹ thuật. Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội cần có những biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là lĩnh vực chuyển giao công nghệ. Về hạ tầng, theo tôi hướng đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông, đường sắt đô thị hiện nay là cần thiết.
GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội:
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Cho dù hiện nay, nguồn lực của Hà Nội để giải quyết các vấn đề đặt ra đối với quản lý đô thị đã lớn hơn nhiều so với những năm đầu thời kỳ đổi mới, nhưng nhu cầu bao giờ cũng vượt quá khả năng. Vì vậy, để sử dụng các nguồn lực có hiệu quả thì phải biết tính có giới hạn của nguồn lực được sử dụng trong từng giai đoạn, để tập trung cao độ nguồn lực có hạn đó vào việc giải quyết dứt điểm một vấn đề, hoàn thành tốt một nhiệm vụ, đưa vào sử dụng nhanh một công trình xây dựng; mà việc đó sẽ tạo ra đột phá, tiến bộ mới làm chuyển động cả quá trình quản lý đô thị.
Đây thực sự là khoa học và nghệ thuật quản lý, đang đòi hỏi các nhà lãnh đạo của Hà Nội phải biết lựa chọn trọng tâm và trọng điểm, phải biết hy sinh những ý muốn tốt đẹp nhưng vượt quá giới hạn nguồn lực; phải dám chịu trách nhiệm đưa ra những quyết định mà không bị tác động bởi các nhóm lợi ích, những người có quyền lực cao hơn, hoặc đôi khi để thỏa mãn ý đồ cá nhân.
Thủ đô đang đứng trước cơ hội mới đối với đổi mới cơ chế kinh tế mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng coi như một đột phá. Thủ đô có đủ điều kiện để hình thành và thực hiện cơ chế kinh tế tối ưu trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và trong nước để đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới...