Vai trò trung tâm văn hóa là đặc trưng và tiêu biểu

Chính trị - Ngày đăng : 06:28, 04/10/2014

(HNM) - Ngày 3-10, tại Bảo tàng Hà Nội, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học



Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng các Phó Bí thư Thành ủy chủ trì hội thảo. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã tới dự. Hơn 70 nhà khoa học, nhà quản lý cùng đông đảo các học giả trong và ngoài nước đã tham gia hội thảo. Đây là dịp TP Hà Nội tiếp nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước, từ đó đề ra hướng phát triển Thủ đô xứng tầm vị thế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo với các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Bá Hoạt


Nhìn lại để có hướng đi đúng

Khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, qua 60 năm xây dựng và phát triển, thế và lực của Thủ đô Hà Nội lớn mạnh hơn trước nhiều. Từ một thành phố nhỏ bé, lạc hậu khi mới giải phóng, có diện tích khoảng 152km2, với 43 vạn dân; nay đã trở thành một đô thị rộng lớn, ngày càng khang trang, hiện đại với diện tích 3.328km2, dân số hơn 7 triệu người. Từ khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô có thêm nhiều nguồn lực và tiềm năng phát triển, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Tình hình mới đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng và lợi thế, không ngừng vươn lên để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm vị thế mà Hiến pháp, Luật Thủ đô, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, cùng với sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, TP Hà Nội luôn trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học. Hội thảo lần này là dịp nhìn lại quá trình lịch sử 60 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển; nhận định rõ nét hơn cơ hội, thách thức trong tình hình mới, những bài học kinh nghiệm, phương hướng để Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Đề dẫn hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi nhận định, một trong những kinh nghiệm thực tiễn quý báu được đúc rút trong lịch sử xây dựng và phát triển Thủ đô 60 năm qua chính là việc vận dụng và phát huy những bài học lịch sử trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố. Do đó, nhận thức một cách sâu sắc và khoa học về những thành tựu, hạn chế, những bài học kinh nghiệm, những tiềm năng, thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô là một đòi hỏi lớn lao và cấp bách, nhất là trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và Đại hội XII của Đảng. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 70 tham luận, trong đó có nhiều nhà khoa học có uy tín trong nước và quốc tế.

Mở đầu phần tham luận, hội thảo đã chào đón một vị khách đặc biệt: GS Vũ Khiêu, Anh hùng Lao động, công dân Thủ đô ưu tú, nhà khoa học có nhiều cống hiến cho Thủ đô Hà Nội vừa bước sang tuổi 100. GS Vũ Khiêu cho biết, trong những năm qua luôn nhận được tình cảm quan tâm, trân trọng của các đồng chí lãnh đạo thành phố. Đây là một phần động lực giúp những nhà khoa học như ông sẵn sàng cống hiến hết sức cho Thủ đô Hà Nội. Bộ Tổng tập Văn hiến Việt Nam hơn 4.000 trang đồ sộ được ra mắt đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một trong những công trình như vậy. Trước sự cổ vũ, động viên và quan tâm của thành phố, ông cho biết đang quyết tâm thực hiện kế hoạch 5 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 103 tuổi bộ sách 2.400 trang mang tên "Văn hiến Thăng Long". Hình ảnh GS Vũ Khiêu tại hội thảo mang tính biểu tượng cao về mối quan hệ sâu sắc giữa TP Hà Nội với các nhà khoa học trong quá trình xây dựng và phát triển.

Hà Nội ngày càng phát triển, xứng đáng là Thủ đô của cả nước. Ảnh: Nhật Nam


Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

Các tham luận tại hội thảo của các nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế đã làm sáng rõ hơn những bài học lịch sử đấu tranh anh dũng, sáng tạo của quân và dân Thủ đô; chỉ rõ những thời cơ, thách thức đang đặt ra và kiến giải các giải pháp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho Thủ đô Hà Nội.

Dù có nhiều ý kiến về các lĩnh vực khác nhau, nhưng văn hóa vẫn là chủ đề tỏa sáng, được nhắc tới nhiều nhất trong các tham luận trực tiếp tại hội thảo. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chỉ rõ, Hà Nội là trung tâm của nhiều lĩnh vực, là đầu não của đất nước, nhưng vai trò trung tâm văn hóa là đặc trưng và tiêu biểu. Ông cho rằng, ngày nay, di sản văn hóa Hà Nội tuy mở rộng trên một không gian rộng lớn, nhưng có một trung tâm văn hóa Thăng Long - Hà Nội bền vững, vừa phong phú, vừa đa dạng, vừa mang tính chắt lọc và lắng đọng vô cùng sâu sắc. Nhưng nếu không có định hướng, quy hoạch, để cho sự phát triển tự phát chi phối thì rất dễ dẫn đến khả năng di sản văn hóa trung tâm tích lũy hơn nghìn năm tạo nên vùng đất văn hiến ấy bị pha loãng, mai một dần và hòa đồng với vùng ngoại vi rộng lớn.

TS Katherine Muller-Marin, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam mô tả Hà Nội là một nơi quy tụ nhiều di sản nhất Việt Nam, đang sở hữu những di sản thế giới quý giá và có sức hút lớn. Nhưng Hà Nội cũng đang đứng trước thách thức phải cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Bà Katherine Muller-Marin góp ý: "Một nguyên tắc quan trọng trong bảo tồn di sản văn hóa là khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là bộ phận tư nhân. Tăng cường cơ hội hữu hiệu cho đầu tư kết hợp công - tư ở các khu vực di sản đô thị là một khía cạnh thiết yếu để cải tiến công tác bảo tồn dài hạn".

Nhiều tham luận cũng đề cập đến yếu tố con người, trong đó nói đến phẩm chất của người Hà Nội "văn minh và thanh lịch" như "chất trí tuệ và hàn lâm, văn hiến", "giàu nghĩa khí, có khí phách và tính kẻ sĩ"... Nhưng cùng với những phẩm chất tốt đẹp, người Hà Nội cũng có những hạn chế trong nếp nghĩ và phong cách của mình. Chẳng hạn, người Hà Nội thường đề cao quá mức tính hàn lâm, bác học, nặng về lý thuyết khiến sự vận dụng thực tế còn chậm và bị coi nhẹ. Hay, do quá tự tôn, sĩ diện nên trong nhiều trường hợp không dám nhìn thẳng và chấp nhận sự hạn chế, yếu kém của mình. GS.TS.NGND Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị thành phố nên xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục để trang bị nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho người dân, nhất là người dân ở khu vực trung tâm, để mỗi người trở thành những "đại sứ" cho văn hóa Hà Nội.

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cảm ơn các nhà khoa học đã dành tình cảm, tâm huyết đóng góp trí tuệ cho thành phố. Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trân trọng tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia đã tham luận trực tiếp và viết tham luận cho hội thảo. Trên cơ sở đó, lãnh đạo thành phố sẽ chắt lọc thông tin, vận dụng những giải pháp hay, những ý kiến quý giá để bổ sung, điều chỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý thời gian tới. Với tinh thần phát huy truyền thống và thành tựu của 60 năm xây dựng, phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội quyết tâm huy động mọi nguồn lực, xây dựng Thủ đô ngày càng to đẹp, khang trang, đàng hoàng hơn nữa xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Võ Lâm